'Liều thuốc' tâm lý nào ngăn ý định tự tử của người trẻ?

Trong việc ngăn ngừa hiện tượng người trẻ tự tử, cái chính vẫn là ở bản thân họ. Vậy nên điều quan trọng nhất là làm cách nào để giúp họ tự 'thức tỉnh'.

Có nhiều nguyên nhân khiến người trẻ muốn tự tử, nhưng nếu tóm gọn lại, tất cả đều là vì 2 chữ: áp lực

Những “chuyên gia” tâm lý không chuyên

Chỉ trong vòng nửa tháng qua có 4 vụ tự tử của người trẻ. Một nam học sinh lớp 10 ở thành phố Hồ Chí Minh nhảy lầu tự tử tại trường để lại bức thư xin lỗi vì không đáp ứng được mong mỏi của bố mẹ về thành tích học tập.

Cùng ngày, một nam sinh viên năm 2 cũng ở Sài Gòn tự tử do quá buồn khi nhận được kết quả thi thấp. Một cô gái trẻ ở Thanh Hóa nhảy cầu tự tử vì quá cô đơn. Một nam học sinh lớp 8 ở Đắk Lắk treo cổ tự tử vì sợ bố mẹ trách mắng sau khi bị công an xã tạm giữ xe máy.

Đó là những hồi chuông báo động về tình trạng tự tử của người trẻ ở nước ta hiện nay. Nó khiến nhiều người giật mình nhớ lại con số 17% học sinh có ý định tự tử được Bộ Y tế công bố vài năm trước.

Theo các chuyên gia tâm lý, có nhiều nguyên nhân khiến người trẻ muốn tự tử, nhưng nếu tóm gọn lại, tất cả đều là vì 2 chữ: áp lực. Áp lực dồn nén sẽ dẫn đến các bệnh về tâm lý, nặng nhất là trầm cảm – yếu tố chính khiến một người tự tìm đến cái chết. Vì vậy khi được giải tỏa tâm lý thì sẽ không còn ý định tự tử.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, mỗi trường nên tăng cường chuyên gia tâm lý, nhà giáo tìm hiểu sự thay đổi tính cách, tâm sinh lý, nguyện vọng của lứa tuổi học trò.

Ngoài ra, cần huấn luyện giáo viên chủ nhiệm tiếp cận gần gũi với học sinh để các em sẵn sàng chia sẻ suy nghĩ, bày tỏ quan điểm, khó khăn của mình trong cuộc sống. Khi ấy thầy cô đồng thời là những chuyên gia tư vấn tâm lý học đường.

Rễ chắc thì cây sẽ vững. Gia đình hòa thuận ấm êm thì con trẻ sẽ khó gục đổ một cách dễ dàng. Cha mẹ sẽ là một người bạn tin cậy, là nhà tư vấn tháo gỡ cho các em, là chỗ dựa tinh thần chống đỡ những bước đi vào đời, hướng dẫn các em biết cách xử lý khi gặp khó khăn, bế tắc.

Khi nhà trường và gia đình “thất bại” thì sao?

Còn nhớ hồi tôi học cấp 3, trường tôi có một cậu bị trầm cảm vì lý do căng thẳng gia đình. Bố mẹ bạn ấy thường xuyên đánh chửi nhau, rồi đem nhau ra tòa. May mắn thay, lúc cậu ta tuyệt vọng nhất, lúc cậu ta muốn tìm đến cái chết thì cửa chùa đã rộng mở đón nhận bạn ấy. Và lúc ấy, nhà sư đóng vai trò như một chuyên gia tâm lý.

Được biết, ngoài nhà sư và nhà chùa, thì nhà thờ và các linh mục, mục sư cũng trở thành các chuyên gia tâm lý. Rất nhiều giáo dân, trong đó có các bạn trẻ đã từ bỏ ý định tự tử sau khi được các đức cha khuyên giải.

Giúp “nạn nhân” tự “thức tỉnh”

Như vậy, trong việc phát hiện, ngăn chặn và phòng ngừa hiện tượng người trẻ tự tử thì giáo dục nhà trường đóng vai trò chủ đạo, giáo dục gia đình có vai trò then chốt và sự cộng hưởng của xã hội giữ vai trò quan trọng.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tâm lý, vai trò quan trọng nhất vẫn là ở bản thân người trẻ. Các em cần phải hiểu rằng: Trên đời này không có sự bế tắc, chỉ có con người nghĩ mình bế tắc mà thôi. Đừng vội tìm đến cái chết khi mình chưa kịp sống, đừng vội bó tay khi chưa kịp cố gắng hết mình. Phải chỉ cho các bạn trẻ biết rằng điều quý nhất trên đời chính là sinh mạng của mình.

Khi mình tìm đến cái chết để giải thoát, sẽ có rất nhiều người chê cười rằng mình hèn nhát. Cái chết của mình sẽ làm cho cha mẹ, người thân đau khổ, hối tiếc, day dứt biết bao tháng ngày. Trước khi tự kết liễu cuộc đời, bạn trẻ xin hãy “Nhắm mắt nghĩ về cha mẹ/ Đã nuôi em khôn lớn từng ngày/ Tay bồng bế, sớm khuya vất vả” (thơ Vũ Quần Phương).

Cái chết của mình sẽ làm cho cha mẹ, người thân đau khổ, hối tiếc, day dứt biết bao tháng ngày

Cha mẹ sinh ra chúng ta, nuôi chúng ta lớn, cớ sao chúng ta hủy hoại bản thân mình dễ dàng trong đôi phút ngắn ngủi như vậy? Chúng ta còn có nghĩa vụ đền ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ cơ mà?

Tôi đã có lần nói đùa rằng, các trường học nên tổ chức những buổi ngoại khóa cho các học trò đến hai địa điểm đặc biệt nhất: bệnh viện ung thư và nhà tang lễ. Hãy cho các em thấy rằng việc giành giật sự sống với thần chết vất vả như thế nào, phải tốn rất nhiều tiền của và công sức của không ít người.

Rồi khi một người chết đi thì những người thân của họ đau khổ ra sao? Đồng ý rằng thời gian rồi sẽ chữa khỏi mọi vết thương lòng. Nhưng thời gian không phải là bác sĩ thẩm mỹ nên vẫn để lại sẹo. Khi trái gió trở trời nó lại làm cho người ta thấy đau. Rất nhiều, rất nhiều cha mẹ đau khổ làm giỗ cho con mình, bật khóc khi nhớ về người con đã mất của mình.

Được biết chương trình “Khóa tu mùa hè” được nhiều nhà chùa tổ chức trong những năm gần đây góp phần bồi dưỡng tâm hồn các bạn trẻ, giúp các em nhận ra được những giá trị trong cuộc sống. Khá nhiều bậc cha mẹ cho biết, con em họ đã thay đổi rất nhiều sau khi tham dự khóa tu.

Các em vâng lời hơn, yêu thương, giúp đỡ cha mẹ nhiều hơn, tự giác học tập và sinh hoạt hơn… bởi những bài giảng về hiếu kính cha mẹ, tôn sư trọng đạo, luật nhân quả, tránh xa các tệ nạn xã hội, quý trọng những sinh mạng nhỏ bé… Đặc biệt, bài giảng “Chữ hiếu trong đạo Phật” và đêm thắp nến tri ân đã lấy đi rất nhiều nước mắt của hầu hết các em.

Cùng với hoạt động ngoại khóa, ngành giáo dục cần đẩy mạnh chương trình dạy kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Những câu chuyện tự tử và hậu quả của nó sẽ là bài học kinh nghiệm quý giá cho các em. Bên cạnh việc hướng dẫn các em cách giải quyết những vấn đề thường gặp, kỹ năng đối diện với áp lực và vượt qua nó.

Tuy nhiên, việc giải tỏa tâm lý để người trẻ từ bỏ ý định tự tử cũng chỉ để giải quyết phần ngọn của vấn đề. Phần gốc của vấn đề là phải cởi bỏ những áp lực đang đè lên vai người trẻ: áp lực điểm số, thi cử từ phía cha mẹ, áp lực thành tích từ phía thầy cô, áp lực bằng cấp, công việc của xã hội…

Vậy nên chính người lớn phải thay đổi, phải ngừng tạo áp lực cho các em để không còn có thêm những câu chuyện đáng tiếc như trên.

Quang Chính

Nguồn Gia Đình Mới: http://www.giadinhmoi.vn/lieu-thuoc-tam-ly-nao-ngan-y-dinh-tu-tu-cua-nguoi-tre-d6243.html