Liều thuốc đặc trị cho căn bệnh sợ… thanh tra

Ngành Thanh tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều hành vi vi phạm, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Nhưng có nơi, có chỗ đã xuất hiện tình trạng sợ thanh tra, không dám thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền vì ngại thanh tra.

Tổng Thanh tra Lê Minh Khái làm việc với Cục III về công tác thanh tra tại phía Nam vào ngày 2/3/2018. Ảnh: GT

Đổ lỗi, đùn đẩy

Nếu thống kê đầy đủ thì vẫn còn tồn đọng hàng trăm kiến nghị được nêu rõ trong nhiều kết luận thanh tra chưa được các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc. Một trong những minh chứng cụ thể nhất là từ năm 2010 đến nay, Văn phòng Chính phủ đã có hàng loạt văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh thực hiện đúng kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về chấn chỉnh sai phạm trong quy hoạch, quản lý sử dụng đất tại khu vực phía Nam TP Hồ Chí Minh.

Nhưng đến thời điểm này kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa được thực hiện xong vì một lý do là các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục phát hành các văn bản với nội dung đổ lỗi cho cơ chế, chính sách, cũng như viện dẫn hàng loạt khó khăn khi ban hành các quyết định thu hồi, hủy bỏ dự án của doanh nghiệp đã được cấp phép theo kiểu “xé rào” làm phá vỡ quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh. Thậm chí, trong một số văn bản của các sở, ngành còn "đá" trách nhiệm cho lãnh đạo nhiệm kỳ trước hoặc cho rằng Thanh tra Chính phủ không xem xét đầy đủ đặc thù của địa phương.

Xuất phát từ tư duy đổ lỗi, đẩy trách nhiệm này, các cơ quan chức năng đã tham mưu nhiều văn bản để lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh ký báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo đối với việc thực hiện kết luận thanh tra. Điều bất ngờ là, sau khi Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo là phải thực hiện nghiêm kiến nghị được Thanh tra Chính phủ nêu rõ trong các kết luận thanh tra thì trách nhiệm thực hiện vẫn không được triển khai mà kéo dài hàng chục năm.

Nhận thấy tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước, làm giảm niềm tin của nhân dân vào sự nghiêm minh của pháp luật, sau khi kiểm tra, rà soát theo tiêu chí khách quan, công tâm, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện các kết luận trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Đầu tháng 6/2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND TP Hồ Chí Minh báo cáo về hàng loạt dự án vi phạm pháp luật mà Thanh tra Chính phủ đã kết luận để làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm sai phạm có dấu hiệu lợi ích nhóm, chấm dứt hiện tượng đùn đẩy, đổ lỗi.

Trong danh sách các sự việc mà UBND TP Hồ Chí Minh phải báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ có những vấn đề mà ngay từ năm 2010 đã được Thanh tra Chính phủ làm rõ đúng, sai. Tại thời điểm đó trong biên bản ký với Đoàn Thanh tra, hàng loạt tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã thừa nhận sai phạm. Điều đáng ngại là, sau hàng chục năm những thiếu sót, sai phạm, thậm chí là hành vi vi phạm pháp luật vẫn không được xử lý nghiêm túc. Hậu quả là, hàng trăm ha đất dọc khu vực phía Nam TP Hồ Chí Minh vẫn nằm trong diện quy hoạch treo, cuộc sống của hàng ngàn hộ dân gặp nhiều khó khăn vì nhà cửa xuống cấp nhưng không được phép sửa chữa. Ngược lại, hàng chục dự án dù sai phạm vẫn tiếp tục được triển khai, tiếp tục được chuyển nhượng cho nhà đầu tư thứ cấp trong sự bất bình của nhân dân địa phương.

Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn yêu cầu Cục III tiếp tục kiểm tra kết quả thực hiện thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ảnh: GT

Thiếu trách nhiệm, ngại thanh tra

Nguyên nhân chính của hiện tượng này chính là việc thiếu trách nhiệm, thậm chí ngán ngại trong thực hiện thanh tra của nhiều cán bộ có trách nhiệm. Ngay cả khi triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ hiện tại thì vẫn còn có ý kiến của cán bộ lãnh đạo cấp quận, huyện của TP Hồ Chí Minh cho rằng nếu bứt phá, xé rào để bảo đảm chỉ tiêu thì sợ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Đây là cách lập luận không trong sáng vì trách nhiệm của cán bộ, công chức là phải tuân thủ đúng quy định pháp luật, làm sai thì bị xử lý, làm đúng sẽ được khen thưởng, biểu dương. Do đó, không thể lấy lý do xé rào, làm trái quy định pháp luật để lấy thành tích, rồi tìm cách đối phó với thanh tra.

Nhìn rộng ra các địa phương khác thì lại phát sinh hiện tượng đẩy toàn bộ trách nhiệm cho thanh tra khi phát sinh sai phạm. Câu chuyện đất đai, khoáng sản, môi trường, xây dựng tại tỉnh Kiên Giang là chủ đề nóng trong 3 tháng qua được dư luận quan tâm khi Thanh tra Chính phủ đang tiến hành thanh tra theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong khi thanh tra đang tiến hành các hoạt động nghiệp vụ thì một số lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã trả lời công khai trên báo chí là tất cả chờ đợi Thanh tra Chính phủ, dù theo quy định thì trách nhiệm của địa phương đã được xác định rõ về thẩm quyền quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường. Vì vậy, không thể lập luận rằng phải chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ thì UBND tỉnh Kiên Giang mới cho phép hoặc tiếp tục không cho phép thực hiện quyền chuyển nhượng, tách thửa đất.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra về căn bệnh sợ thanh tra, không thực hiện kết luận thanh tra, nguyên Cục trưởng Cục III Võ Văn Đồng, cho rằng: Luật Thanh tra đã quy định đầy đủ về trách nhiệm và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra nhưng điều đáng buồn là việc chấp hành không nghiêm. Để có được một kết luận thanh tra thì ngành Thanh tra mất rất nhiều thời gian, công sức để thực hiện nghiêm túc kế hoạch thanh tra được phê duyệt, còn ngân sách cũng phải chi ra một khoản kinh phí không nhỏ cho công tác này. Sau khi kết luận thanh tra được công khai thì tất cả các tổ chức, cá nhân phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, không thể viện dẫn lý do này, khó khăn kia để thoái thác trách nhiệm.

Theo nguyên Cục trưởng Cục III Võ Văn Đồng, thực tế vẫn còn tồn đọng nhiều kết luận thanh tra tại nhiều cấp, nhiều ngành chưa được thực hiện dứt điểm. Điều này đã tạo ra tâm lý lờn luật, tạo điều kiện cho đối tượng thanh tra trốn trách trách nhiệm, tiềm ẩn nguy cơ thất thoát tài sản Nhà nước, không giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc của nhân dân, dễ phát sinh hiện tượng tiếp khiếu, tiếp tố vượt cấp, ảnh hưởng đến quá trình phát triển bền vững của kinh tế - xã hội. Đây là vấn đề nóng đã được lãnh đạo Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ này có giải pháp mạnh tay là yêu cầu tổng rà soát hiện trạng thực hiện kết luận thanh tra trên phạm vi cả nước để đánh giá đúng nguyên nhân khách quan, chủ quan nhằm bổ sung chế tài mạnh tay hơn để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.

Nói thẳng về giải pháp căn cơ cho câu chuyện này, nguyên Cục trưởng Cục III Võ Văn Đồng khẳng định: Cần phải xem tình trạng chậm thực hiện kết luận thanh tra đã có hiệu lực pháp luật giống như trường hợp 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp kéo dài mà ngành Thanh tra đã phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn giải quyết trong thời gian qua. Trên cơ sở báo cáo của ngành Thanh tra về kết quả thực hiện kết luận thanh tra, thì lãnh đạo Thanh tra Chính phủ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện kế hoạch xử lý sau thanh tra, với trọng tâm là các tập đoàn kinh tế lớn, các địa phương có nhiều sai phạm về đất đai, khoáng sản, có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo. Đây sẽ là liều thuốc đặc trị cho căn bệnh sợ thanh tra, ngại thanh tra, cũng là sự cụ thể hóa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới”.

Giáng Thăng

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/lieu-thuoc-dac-tri-cho-can-benh-so-thanh-tra_t114c1059n136278