'Liều thuốc' cần thiết cho nền kinh tế Eurozone

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa quyết định tung ra các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung cho Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone). Ðây được xem là bước đi cần thiết trong bối cảnh làn sóng Covid-19 thứ hai đang phủ bóng lên triển vọng phục hồi kinh tế của Eurozone.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của nhiều nhà hàng ở Pháp.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của nhiều nhà hàng ở Pháp.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa quyết định tung ra các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung cho Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone). Ðây được xem là bước đi cần thiết trong bối cảnh làn sóng Covid-19 thứ hai đang phủ bóng lên triển vọng phục hồi kinh tế của Eurozone.

Nền kinh tế Eurozone ghi nhận sự phục hồi tốt vào quý III năm nay, khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng lên mức kỷ lục 12,7% so quý trước đó. Sự khởi sắc này được xem là kết quả của việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, kéo theo sự phục hồi của một số ngành công nghiệp chủ chốt như sản xuất ô-tô. Tuy nhiên, đà phục hồi này không được duy trì trong quý cuối cùng của năm 2020, trong bối cảnh kể từ tháng 9 vừa qua, chính phủ các nước trong khu vực tái áp đặt các biện pháp phong tỏa trên diện rộng khi làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai bùng phát mạnh mẽ ở đây. Hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit mới đây nhận định, tháng 11 vừa qua, nền kinh tế Eurozone đã rơi vào tình trạng suy giảm nghiêm trọng, khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm mạnh từ mức 50 điểm trong tháng 10 xuống 45,1 điểm. Chủ tịch ECB C.La-gác-đơ cho rằng, đại dịch tiếp tục đặt ra "rủi ro nghiêm trọng" đối với nền kinh tế khu vực. Các biện pháp phong tỏa để chống dịch có thể làm trì hoãn bất cứ sự phục hồi kinh tế nào.

Trong bối cảnh đó, các biện pháp kích thích kinh tế ECB tung ra mới đây được xem là liều thuốc bổ cần thiết để tiếp sức cho nền kinh tế Eurozone sớm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Ðiểm đáng chú ý nhất trong gói giải pháp là quyết định bổ sung thêm 500 tỷ ơ-rô vào Chương trình thu mua khẩn cấp trong đại dịch (PEPP). PEPP được khởi động từ đầu năm nay nhằm hỗ trợ nền kinh tế khu vực đối mặt những thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra. Với quyết định mở rộng PEPP, tổng trị giá chương trình hiện nay đã lên đến 1.850 tỷ ơ-rô. ECB cũng gia hạn chương trình đến ít nhất tháng 3-2022 và có thể kéo dài đến khi giai đoạn khủng hoảng do đại dịch kết thúc.

Bên cạnh đó, ECB thông báo sẽ mở rộng các khoản tín dụng siêu rẻ dành cho các ngân hàng đến tháng 12-2021 để duy trì thanh khoản cho nền kinh tế khu vực. Ba chương trình tái cấp vốn bổ sung dự kiến được triển khai từ tháng 6 đến tháng 12-2021. Các điều kiện ưu đãi đối với những khoản vay hiện tại cũng được áp dụng đến tháng 6-2022. Ngoài quyết định tung thêm các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung, ECB tiếp tục duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 0%, lãi suất cho vay là 0,25%, nhằm bảo đảm tỷ lệ lạm phát hướng tới mốc mục tiêu là 2%.

ECB khẳng định, các biện pháp nêu trên sẽ góp phần duy trì điều kiện tài chính thuận lợi trong thời kỳ đại dịch, qua đó hỗ trợ dòng chảy tín dụng đến tất cả lĩnh vực của nền kinh tế, củng cố hoạt động kinh tế và bảo vệ ổn định giá cả trong trung hạn. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, nền kinh tế Eurozone đang ở tình trạng bấp bênh và phụ thuộc nhiều vào diễn biến tình hình dịch bệnh thời gian tới, cũng như thời gian vắc-xin ngừa Covid-19 chính thức được triển khai. Mặc dù những tin tức về vắc-xin trong thời gian gần đây khá tích cực, song quá trình tiêm chủng đại trà đến khi đạt được khả năng miễn dịch trên diện rộng sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể. Vì vậy, Eurozone vẫn có nguy cơ đối mặt các đợt lây nhiễm mới, kéo theo việc phải áp đặt các biện pháp phong tỏa khiến nền kinh tế ngưng trệ.

Để chữa lành những vết thương do đại dịch Covid-19 gây ra, nền kinh tế Eurozone dự kiến cần thêm nhiều phương thuốc và thời gian hơn nữa. Tuy nhiên, những giải pháp quyết liệt và tích cực ECB đưa ra trong thời gian qua được kỳ vọng sẽ phần nào hạn chế những tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế khu vực.

BẢO CHÂU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/-lieu-thuoc-can-thiet-cho-nen-kinh-te-eurozone-629644/