Liệu thế giới sẽ phải chứng kiến chiến tranh Mỹ - Triều trong năm 2018 ?

Khi năm 2017 dần khép lại, Newsweek ngày 16.12 đã mời các chuyên gia nhìn lại 3 điểm nóng năm 2017 là bán đảo Triều Tiên, cuộc chiến ở Ukraine và ở Syria, và dự báo liệu thế giới sẽ phải chứng kiến chiến tranh giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên trong năm 2018?

Mỹ - Triều Tiên là kình địch từ hơn 50 năm qua, nhưng căng thẳng lên đỉnh cao lịch sử trong năm 2017, khi Triều Tiên liên tục thử tên lửa tầm xa, nhằm vươn tới khả năng có một loại vũ khí hạt nhân (VKHN) có thể phóng tới lãnh thổ Mỹ. Hai ông Donald Trump - Kim Jong-un cũng đấu võ mồm, dọa nạt rủa mắng nhau.

Mỹ không sớm đàm phán, Triều Tiên sẽ còn thử nhiều tên lửa

Rạng sáng 29.11, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hỏa tinh-15, tuyên bố đủ sức đặt Mỹ vào tầm ngắm và rồi Triều Tiên tự xưng là cường quốc hạt nhân.

Trước đó ngày 3.9, Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6. Tiếp đó dọa sẽ thử hạt nhân lần thứ 7 trên Thái Bình Dương.

LHQ đã xuống tay trừng phạt mạnh kinh tế Triều Tiên, trong nỗ lực buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân. Bình Nhưỡng cũng chịu sức ép từ phía Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu và là đồng minh quan trọng của Triều Tiên.

Nhưng ông Kim Jong-un luôn không chấp nhận từ bỏ tham vọng hạt nhân, và Bình Nhưỡng tuyên bố vũ khí hạt nhân (VKHN) là cần thiết để chống “đế quốc Mỹ xâm lược”.

Nhà Trắng phát các thông điệp khác nhau về vấn đề này, gây hoang mang cho tất cả các bên liên quan. Các cố vấn hàng đầu của ông Trump luôn ủng hộ giải pháp ngoại giao, đối thoại, nhưng ông Trump cắt ngang bằng những lời dọa nạt hung hăng và ngả về hướng hành động quân sự.

Trong bối cảnh này, đa phần thế giới lo ngại Mỹ - Triều lao vào đánh nhau. Ngày 14.12, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo: “Điều tệ hại nhất có thể xảy ra với tất cả chúng ta, là cuộc mộng du vào chiến tranh”.

Tuần qua, Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham cho rằng chỉ có 30% khả năng ông Trump sẽ khởi chiến với Triều Tiên. Nhưng xem ra các chuyên gia đang lo ngại chiến tranh Mỹ - Triều sẽ bùng nổ trong năm 2018.

Nhà sử học Charles K. Armstrong, và là giáo sư nghiên cứu Triều Tiên ở khoa Khoa học - Xã hội thuộc đại học Columbia (Mỹ) nói với Newsweek: “Tôi cho rằng một cuộc xung đột sẽ không xảy ra năm 2018, nhưng vẫn có thể bùng nổ”.

Xem ra vị giáo sư cũng lạc quan về khả năng chính phủ Mỹ sẽ đàm phán với Bình Nhưỡng trong năm mới: “Đấy là cách duy nhất để tránh một cuộc chiến tranh. Nếu không sớm bắt đầu đàm phán, Triều Tiên sẽ còn thử nhiều tên lửa nữa trong năm 2018”.

Giáo sư Armstrong nói: “Mục tiêu của Triều Tiên là chứng tỏ khả năng đánh được Mỹ bằng tên lửa ICBM gắn đầu đạn hạt nhân. Và vài chuyên gia vẫn còn nghi ngờ tên lửa Triều Tiên đã có thể bay trở lại khí quyển an toàn và có đầu đạn hạt nhân. Vì thế, có thể sẽ còn nhiều lần thử tên lửa, trừ phi Mỹ sớm bắt đầu đàm phán”.

Nhưng ông cũng nhận định: “Cuộc phóng thử mới nhất có thể làm người Triều Tiên thỏa mãn rằng họ có khả năng phòng thủ hiệu quả, nên họ sẽ chú trọng hơn vào phát triển kinh tế trong nước. Đó là một vế trong chính sách của Triều Tiên từ năm 2013: Cùng lúc phát triển quân sự và kinh tế”.

Triều Tiên được cho là có từ 25 đến 50 VKHN, nhưng Giáo sư Armstrong nhắc rằng đang có tranh luận Bình Nhưỡng đã có công nghệ đủ phóng ICBM qua Mỹ hay chưa.

Hồi tháng 11, Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ nêu một cuộc xâm lược trên bộ - sẽ xảy ra trong bối cảnh một cuộc chiến tổng lực - là cần thiết để hoàn toàn hủy diệt kho VKHN của Triều Tiên.

Nhiều chuyên gia cảnh cáo: Một cuộc chiến tranh Mỹ - Triều sẽ khiến hàng triệu người chết. Vụ khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS, một cơ quan khảo cứu chính sách công) công bố một báo cáo cuối tháng 10: Một cuộc chiến tranh mới trên bán đảo Triều Tiên có thể giết chết hàng trăm ngàn người trong vài ngày đầu.

Số liệu này đã loại bỏ nguy cơ sử dụng VKHN. Báo cáo viết: “Ngay cả nếu như Triều Tiên chỉ dùng đầu đạn quy ước, ước tính trong những ngày đầu số người chết là từ 30.000 đến 300.000 người, và Triều Tiên có khả năng nã 10.000 quả pháo/phút xuống Seoul”.

Ông Kim Jong-un theo dõi một cuộc phóng tên lửa - Ảnh: Getty Images

“Cuộc chiến tranh kéo dài giữa dân Ukraine với Điện Kremlin”

Bên cạnh đó là 2 cuộc nội chiến vẫn tiếp diễn ở đông Ukraine và Syria.

Khi năm 2017 sắp khép lại, nội chiến giữa quân chính phủ Ukraine với quân ly khai có Nga ủng hộ đã tước đi mạng sống của 10.000 người gồm 2.500 dân thường, kể từ khi nó bắt đầu năm 2014. Ngoài ra, 1,6 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Theo Reuters, chiến tuyến 459 km ở đông Ukraine là khu vực nhiều mìn hàng thứ 3 thế giới, làm chết hoặc bị thương 105 dân thường trong 9 tháng đầu năm 2017.

Vì thế giới hướng sự chú ý vào sự trỗi dậy của những đảng phái theo chủ nghĩa dân tộc ở phương tây, nội chiến Syria, các cuộc phóng thử tên lửa tầm xa của Triều Tiên cùng những vấn đề khác, nội chiến đông Ukraine hầu như bị lãng quên, nhưng nó vẫn còn đó.

John E. Herbst, cựu đại sứ Mỹ ở Ukraine và hiện là chủ nhiệm Trung tâm Âu - Á Dinu Patriciu (thuộc Hội đồng Atlantic, Mỹ) nói với Newsweek: “Cuộc chiến ấy vẫn khốc liệt. Từ tháng 4.2014, không ngày nào mà không có đánh nhau ở Ukraine. Từ đó, mỗi ngày có trung bình 2 vụ vi phạm lệnh ngưng bắn hoặc hơn”.

Newsweek nêu dù Tổng thống Nga Vladimir Putin phủ nhận, ông Herbst nói hiện có hàng ngàn quân Nga ở đông Ukraine và “Đó là cuộc chiến tranh giữa Nga với Ukraine. Không có chuyện dân đông Ukraine nổi dậy chống chính phủ của họ”.

Ông còn nói thêm rằng đó là một cuộc chiến hoàn toàn bế tắc, khi Ukraine “chứng tỏ có nhiều khả năng hơn Nga tưởng”, và Điện Kremlin không sẵn sàng mở một cuộc tấn công tổng lực.

Ông Herbst nói: “Đừng nín thở hy vọng cuộc chiến này sẽ kết thúc trong năm 2018. Ngược lại, nó có thể kéo dài nhiều năm, thậm chỉ cả 10, 20 năm”.

Nhưng khoảng thời gian đó sẽ rất tốt cho Ukraine, vì việc phương Tây trừng phạt kinh tế Nga (với cớ Nga gây ra cuộc chiến tranh này) sẽ có tác dụng, và nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin tái trúng cử năm 2018, ông sẽ phải đối mặt với sức ép phải từ bỏ sự can thiệp của Nga, theo nhận định của ông Herbst.

Ông nói: “Đa số dân Ukraine tham gia cuộc chiến này. Họ hiểu Nga chiếm lãnh thổ của họ và họ muốn thu hồi. Nhưng chính phủ Nga lại không có được sự ủng hộ mạnh của người dân. Đó là cuộc chiến giữa Điện Kremlin với người dân Ukraine. Nó cho phép Ukraine duy trì thế lực nhiều hơn Điện Kremlin”.

Người dân vô tội là nạn nhân cuộc nội chiến Syria đẫm máu - Ảnh: Getty Images

Bọn IS bị đánh bại ở Syria nhưng vẫn là cái gai đối với Nga, Mỹ

Nội chiến Syria đẫm máu kéo dài hơn nửa thập niên. Theo Cao ủy tị nạn LHQ, từ khi bùng nổ năm 2011, 400.000 người đã chết, và Syria là nguồn di dân lớn nhất thế giới. Hiện có khoảng 5,4 triệu di dân Syria,

Ban đầu, đây là nội chiến giữa quân nổi dậy chống chính phủ với quân đội trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad. Nhưng rồi nó chuyển biến phức tạp, từ sự dính líu của nhiều bè phái kình chống nhau, gồm bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.

Bên cạnh đó, Tổng thống Assad bị phương Tây cáo buộc là một tội phạm chiến tranh chống lại chính dân nước ông.

Tình hình rối loạn là kịch bản lý tưởng cho bọn IS trồi lên nắm quyền lực, chiếm nhiều vùng đất trên toàn Syria và Iraq láng giềng. Dù chúng đã bị đánh bại ở hai nước này, nhưng chúng vẫn là một cái gai. Chiến sự chưa dừng ở Syria, và các chuyên gia nhận định không có hy vọng kết thúc những hoạt động thù địch trong năm mới 2018.

Khi được hỏi liệu cuộc chiến này sẽ kết thúc trong năm 2018, nữ chuyên gia kế hoạch tình báo Jennifer Cafarella (ở Học viện nghiên cứu chiến tranh, Mỹ) nói với Newsweek: “Tôi rất buồn khi phải nói xem ra không thể có một khả năng kết thúc chiến tranh. Bọn IS có cả ý chí lẫn khả năng tiếp tục gây ra một cuộc nổi dậy. Bọn khủng bố Al-Qaeda có quân ở phía tây Syria và muốn đem chiến tranh trở lại các thành phố Syria, khi chúng nổi lên lại ở đông Syria, hậu cứ lịch sử của chúng”.

Bà Cafarella nói thêm: “Chế độ Assad hoàn toàn lệ thuộc Nga và các dân quân do Iran cung cấp, để tổ chức phòng thủ - phản công, nhằm có thể tái kiểm soát đất nước”.

Bà cũng mô tả “đường hướng ngoại giao” do Nga - Iran - Syria lập là “đáng xấu hổ”, vì kế sách này có mục tiêu tối thượng là kéo dài chế độ Assad bằng bất cứ giá nào, trong khi hiện chưa thể có giải pháp hòa bình nào.

Bà Cafarella nói: “Assad chưa thực sự thể hiện sự sẵn sàng đàm phán về các điều khoản mà phe đối lập có thể chấp nhận được. Mỹ thì không làm gì để ép ông ấy nhượng bộ, thay vào đó là đầu hàng khi Nga - Iran phà hơi thở sự sống trở lại cho chế độ Assad”.

Theo vị nữ chuyên gia, trong tương lai, vai trò của Mỹ trong cuộc nội chiến này cũng rất không chắc chắn, và chính phủ Tổng thống Mỹ Trump sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi.

Vĩnh Thụy (theo Newsweek)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/goc-nhin-c-121/lieu-the-gioi-se-phai-chung-kien-chien-tranh-my-trieu-trong-nam-2018--78151.html