Liệu T-59 có phải sản phẩm 'copy' huyền thoại nhất của Trung Quốc?

Xe tăng T-59 do Trung Quốc sản xuất, mặc dù đã lạc hậu, nhưng vẫn chiếm số lượng lớn trong quân đội Trung Quốc và Triều Tiên; Pakistan là nước sử dụng T-59 lớn nhất bên ngoài Trung Quốc, với hơn một nghìn chiếc.

Trong Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ, Đức và Liên Xô đều tập trung phát triển những xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại, thì Trung Quốc lại tụt hậu cho đến khi chiến tranh Lạnh tan rã. Thực tế, trong giai đoạn này, Trung Quốc không có mẫu thiết kế xe tăng nào nổi bật.

Trong Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ, Đức và Liên Xô đều tập trung phát triển những xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại, thì Trung Quốc lại tụt hậu cho đến khi chiến tranh Lạnh tan rã. Thực tế, trong giai đoạn này, Trung Quốc không có mẫu thiết kế xe tăng nào nổi bật.

Trong phần lớn thời kỳ Chiến tranh Lạnh, xe tăng chiến đấu chủ lực chính của Trung Quốc là Type 59 (T-59), một bản sao của phiên bản T-54 và được Liên Xô chuyển giao công nghệ. Vậy xe tăng chủ lực T-59 đã phát triển như thế nào? Ai vẫn sử dụng chúng ngày nay?

Câu chuyện sản xuất T-59 bắt đầu từ những năm 1950, khi Trung Quốc được Liên Xô viện trợ theo Hiệp ước Hữu nghị Trung-Xô. Phần lớn các phương tiện chiến đấu bọc thép xuất hiện vào thời điểm này, là từ thời Thế chiến thứ hai như xe tăng IS-2, T-34/85.

Những phương tiện bọc thép trên mặc dù đã lạc hậu, nhưng vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu trước mắt của Quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên Trung Quốc muốn có khả năng sản xuất xe tăng của riêng mình, cũng như các loại xe tăng hiện đại hơn.

Năm 1955, Trung Quốc nhận được những chiếc T-54 và T-54A đầu tiên; giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc đã đàm phán với Liên Xô để có được bản thiết kế và công nghệ lắp ráp loại xe tăng này

Nhà máy sản xuất xe tăng đầu tiên của Trung Quốc là Nhà máy công cụ Nội Mông số 617, được thành lập vào năm 1956 với sự hỗ trợ của Liên Xô. Đây là nơi sản xuất chiếc T-54A đầu tiên vào năm 1958, với các linh kiện của Liên Xô. Xe tăng T-54A do Trung Quốc chế tạo, chính thức được đưa vào biên chế PLA vào năm 1959, do đó có tên là Type 59 (T-59).

Trong gần 20 năm sau khi chiếc T-59 ra đời, nhưng nó có rất ít nâng cấp hay cải tiến. Trung Quốc đã cố gắng tạo ra một phiên bản xe tăng hiện đại hơn dựa trên T-59, đó là chiếc Type 69, tuy nhiên không thành công.

May mắn cho Trung Quốc, vào thời điểm đó, quan hệ Trung Quốc đang bắt đầu nồng ấm với phương Tây. Điều này giúp Trung Quốc có thể tiếp thu công nghệ từ phương Tây, để hiện đại hóa những chiếc T-59 của họ.

Phiên bản nâng cấp của chiếc T-59 đầu tiên là xe tăng T-59-I, được tiến hành vào đầu thập niên 1980; nhưng chủ yếu là nâng cấp hệ thống điều khiển, thay thế máy đo xa quang học bằng máy đo xa laser hiện đại, bổ sung hệ thống chữa cháy tự động và thêm hệ thống điều khiển hỏa lực.

Phiên bản T-59-II nhanh chóng tiếp nối, tích hợp pháo tăng 105mm L7 của Anh, có hiệu suất vượt trội so với pháo 100 mm nguyên thủy của T-59 lắp trước đó. Nguyên mẫu đầu tiên của T-59-II, được sản xuất vào năm 1983 và được đưa vào sản xuất hoàn chỉnh ngay sau đó.

Các nhà lãnh đạo Quân đội Trung Quốc đánh giá cao T-59-II, nhưng Trung Quốc không muốn phụ thuộc vào phương Tây. Do đó, một bản sao của khẩu 105mm L7 đã được Trung Quốc chế tạo và hệ thống điều khiển hỏa lực điện tử trong nước đã được phát triển, phiên bản này được gọi là Type 59-IIA.

T-59-IIA có tính năng kém hơn so với T-59-II, vì ngành công nghiệp Trung Quốc chưa đủ năng lực để chế tạo các bộ phận như vậy. T-59-IIA được đưa vào sử dụng vào năm 1985. So với M1A1 và T-72B, T-59-IIA lạc hậu cả thế hệ, nhưng lại là bước đệm quan trọng cho nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.

Bản nâng cấp cuối cùng của T-59 là T-59D, biến thể phổ biến nhất trong PLA hiện nay. T-59D đã cải tiến hệ thống điều khiển hỏa lực thành kỹ thuật số, bổ sung giáp phản ứng nổ (ERA). Một số thông tin cho rằng, một số chiếc T-59D có thể có khả năng phóng tên lửa chống tăng qua nòng, hoặc đạn xuyên uranium nghèo.

T-59 đã tồn tại quá lâu trong biên chế của PLA vì thời gian sản xuất của nó quá dài và trang bị cho rất nhiều đơn vị trong PLA. Việc tiếp tục trang bị phiên bản T-59 sẽ rẻ hơn là cố gắng sản xuất thêm các mẫu tạm thời như phiên bản T-69, vốn không mang lại sự gia tăng về khả năng chiến đấu.

T-59 cũng rất thành công trên thị trường xuất khẩu, T-59 phổ biến trong biên chế Quân đội Triều Tiên, với rất nhiều biến thể được phát triển ở đó. T-59 cũng được cung cấp cho cả Iran và Iraq, Pakistan, và nhiều quốc gia khác. Pakistan là nước sử dụng T-59 lớn nhất bên ngoài Trung Quốc, với hơn một nghìn chiếc. Ảnh: Một xe tăng T-59 của Pakistan bị Ấn Độ bắn cháy tại Longewala.

Mặc dù T-59 thực tế đã lạc hậu trên chiến trường hiện đại, nhưng đó là thành tựu một thời của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, trước khi Trung Quốc tiếp nhận những công nghệ tiên tiến từ phương Tây, Liên Xô/Nga để chế tạo lên những phiên bản xe tăng hiện đại hơn sau này. Nguồn ảnh: Flickr.

Cận cảnh xe tăng chủ lực T-54 phiên bản nâng cấp T-54B của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nguồn: QPVN.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/lieu-t-59-co-phai-san-pham-copy-huyen-thoai-nhat-cua-trung-quoc-1519555.html