Liệu pháp miễn dịch chữa khỏi ung thư vú giai đoạn cuối

Theo tạp chí Nature Medicine, mới đây các chuyên gia ung thư Mỹ đã mô tả trường hợp đầu tiên chữa trị khỏi hoàn toàn cho một nữ bệnh nhân bị ung thư vú di căn kháng thuốc. Một liệu pháp miễn dịch tế bào T được cá nhân hóa đã giúp chữa trị cho người phụ nữ bằng cách phát hiện sơ bộ các đột biến đặc hiệu của khối u. Trong 2 năm nay, nữ bệnh nhân này hoàn toàn khỏe mạnh.

Ảnh chụp cắt lớp của bệnh nhân để điều trị tế bào T (bên trái) và 22 tháng sau khi điều trị (bên phải) - Ảnh: Nature Medicine

Được biết, sự thoái hóa tế bào ác tính luôn gắn liền với sự tích tụ các đột biến trong tế bào, dẫn đến việc các tế bào ung thư tổng hợp các protein đột biến. Sự xuất hiện của các protein "bất thường" (neoantigen- kháng nguyên neo-antigen) giúp hệ thống miễn dịch nhận ra các tế bào khối u và tiêu diệt chúng.

Một trong những hướng liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư là sử dụng để các tế bào T kháng u của chính bệnh nhân vốn nhận biết được các protein đột biến. Thông thường, có rất ít tế bào như vậy, vì vậy, cơ thể của bệnh nhân không thể tự mình đối phó với khối u. Tuy nhiên, nếu chúng được chiết xuất, nhân bản và sau đó đưa trở lại cơ thể bệnh nhân thì hệ miễn dịch đủ mạnh để tiêu diệt các tế bào ác tính ngay cả khi khối u đã bắt đầu di căn khắp cơ thể.

Các bác sĩ ung thư ở Viện Ung thư quốc gia Mỹ đã ứng dụng phương pháp này để điều trị thử nghiệm cho các bệnh nhân ung thư biểu mô di căn. Trong các thử nghiệm lâm sàng, một trong những bệnh nhân ung thư vú kháng thuốc di căn lần đầu tiên được chữa khỏi hoàn toàn.

Nữ bệnh nhân Judy Perkins, 49 tuổi bị ung thư vú đã di căn sang gan và các khu vực khác kháng thuốc với tất cả các loại hóa trị liệu và liệu pháp hormon. Theo Perkins, các bác sĩ tiên đoán cô sống không quá 3 năm nữa. Trong các thử nghiệm lâm sàng về liệu pháp miễn dịch tế bào T cá nhân hóa, cô đã trải qua sinh thiết khối u và chuyển mẫu cho các nhà nghiên cứu để tìm kiếm đột biến đặc trưng cho các tế bào khối u. Ngoài ra, các tế bào lympho thâm nhiễm khối u (TILs — tumor-infiltrating lymphocytes) được phân lập từ các mẫu mô để tìm ra các tế bào neoantigen đặc thù.

Hóa ra là trong trường hợp của Perkins, các bác sĩ đã tìm thấy 62 đột biến đặc thù, các tế bào lympho thâm nhiễm đáp ứng tốt nhất với 4 protein đột biến - SLC3A2, KIAA0368, CADPS2 và CTSB. 80 tỷ tế bào lympho đã được nhân bản, được "điều chỉnh" chống lại các protein này. Sau điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã được cải thiện và sau 42 tuần thử nghiệm cho thấy rằng cô đã hoàn toàn chữa khỏi bệnh ung thư. Đến thời điểm này đã trên 2 năm, cô đã trở lại làm việc và thậm chí đã đi du lịch.

Hiện tại, các thử nghiệm lâm sàng vẫn tiếp tục và các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ áp dụng liệu pháp có kết quả này trên các bệnh nhân khác.

Đáng tiếc là mặc dù liệu pháp miễn dịch ung thư, bao gồm điều trị với tế bào lympho biến đổi gien với thụ thể kháng nguyên khảm (chimeric antigen receptor -CAR) và một số phương pháp khác đã cho thấy kết quả rất đáng khích lệ khi chữa khỏi một số bệnh nhân vô vọng, nhưng chi phí rất cao và sự phức tạp của liệu pháp như vậy khiến không thể áp dụng cho tất cả bệnh nhân.

Vũ Trung Hương

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/lieu-phap-mien-dich-chua-khoi-ung-thu-vu-giai-doan-cuoi-89685.html