Liệu ông Trump có thể lệnh quân đội dẹp biểu tình bạo loạn?

Tổng thống Trump tuyên bố sẽ triển khai quân đội liên bang đến hỗ trợ cảnh sát xử lý các vụ biểu tình trên đường phố.

Hãng tin Reuters cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông sẽ kích hoạt một đạo luật cho phép sử dụng quân đội liên bang để chấm dứt tình trạng biểu tình bạo loạn trong thời điểm hiện nay.

"Nếu thành phố hoặc bang nào từ chối thực hiện các hành động cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân thì tôi sẽ triển khai quân đội Mỹ và nhanh chóng giải quyết vấn đề cho họ" – Tổng thống Trump nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngắn tại Vườn Hồng Nhà Trắng hôm 1-6.

Tổng thống Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 1-6. Ảnh: CNN

Tổng thống Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 1-6. Ảnh: CNN

Theo Reuters, các cuộc biểu tình hiện nay mang tính ôn hòa. Tuy nhiên, tại một số nơi, các cuộc đụng độ dữ dội giữa cảnh sát và người biểu tình đã xảy ra. Nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ buộc phải thiết lập giờ giới nghiêm.

Để triển khai lực lượng vũ trang, Tổng thống Trump cần phải chính thức kích hoạt “Đạo luật chống bạo động” (Insurrection Act) có từ năm 1807.

Theo đó, đạo luật này cho phép Tổng thống có quyền triển khai quân đội để dẹp bạo động, đảm bảo thực thi luật pháp bình thường của Mỹ.

Cảnh sát và lực lượng đặc nhiệm chống bạo động đối mặt với người biểu tình ở TP San Diego, bang California (Mỹ). Ảnh: AFP

Tuy nhiên, Hiến pháp Mỹ cũng quy định thống đốc các bang có thẩm quyền duy trì trật tự trong khu vực bang của mình. Việc này được nói rõ trong một đạo luật có tên “Posse Comitatus” với nội dung cấm quân đội liên bang tham gia vào việc thực thi pháp luật của một bang.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là liệu ông Trump có được phép triển khai quân đội mà không cần sự chấp thuận của thống đốc các bang hay không.

Theo ông Robert Chesney – Giáo sự bộ môn luật an ninh quốc gia của Đại học Texas, Tổng thống Mỹ được phép làm vậy.

“Luật đưa ra một kịch bản đó là Tổng thống phải có sự chấp thuận của Thống đốc bang hay cơ quan lập pháp mới được triển khai quân đội. Tuy nhiên, cũng có trường hợp thì không cần thiết phải có sự chấp thuận đó” – ông Chesney nói.

Reuters dẫn một báo cáo của Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết “Đạo chống bạo động” đã từng được viện dẫn hàng chục lần trong lịch sử Mỹ.

“Kể từ phong trào dân quyền ở thập niên 1960, đạo luật này rất hiếm khi được sử dụng” – báo cáo cũng nói thêm.

Lần cuối cùng mà “Đạo luật chống bạo động” được sử dụng là vào năm 1992 để giải quyết các vụ bạo loạn ở TP Los Angles (bang California). Thời điểm đó, quyết định tha bổng đối với bốn sĩ quan cảnh sát TP Los Angeles liên quan đến vụ đánh đập một người da màu tên Rodney King đã dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình bạo loạn dữ dội.

Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra tại nhiều thành phố của Mỹ sau cái chết của người đàn ông da màu do bị cảnh sát đè kẹp cổ. Ảnh: AFP

Ngoài ra, ông Chesney nói rằng "rất khó có thể xảy ra" một thách thức pháp lý ngăn Tổng thống Trump sử dụng “Đạo luật chống bạo động”. Theo ông Chesney, các tòa án trong lịch sử không sẵn lòng bình luận hay phê bình quyết định triển khai quân đội của Tổng thống.

Về phía các bang, đài CNN cho hay Thống đốc bang Illinois - ông J.B. Pritzker (thuộc đảng Dân chủ) đã ngay lập tức phản đối ý định triển khai quân đội liên bang của Tổng thống Trump.

"Tôi bác bỏ quan điểm rằng chính phủ liên bang có thể đưa quân đội vào bang Illinois. Thực tế là Tổng thống là người tạo ra các vụ biểu tình này. Từ thất bại của mình với đại dịch COVID-19 đến các cuộc biểu tình phản đối sự bất công đối với anh George Floyd, ông ấy muốn thay đổi chủ đề. Ông ấy muốn tạo ra một chủ đề khác hoặc một thứ gì đó cho thấy mình là tổng thống của luật pháp và mệnh lệnh” – Thống đốc Pritzker nói.

NGUYÊN VĂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/lieu-ong-trump-co-the-lenh-quan-doi-dep-bieu-tinh-bao-loan-916214.html