Liệu Nga có dùng 'quân bài' hạt nhân nếu Ukraine lại phá lằn ranh đỏ?
Trong suốt cuộc xung đột tại Ukraine, Điện Kremlin đã vạch ra một số lằn ranh đỏ, ám chỉ việc sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu những ranh giới này bị Ukraine hoặc các nước bảo trợ phương Tây vượt qua.
Ukraine liên tiếp phá vỡ lằn ranh đỏ
Trong 2 năm rưỡi qua, Ukraine được cho là đã liên tục phớt lờ các cảnh báo của Nga. Đầu tiên, Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công bán đảo Crimea mà Nga tuyên bố sáp nhập vào năm 2014. Kiev đã dùng phương tiện không người lái trên biển, sau đó triển khai một loạt tên lửa và UAV, phá hủy thiết bị quân sự, cơ sở chỉ huy và kiểm soát, thậm chí đánh chìm các tàu chiến lớn của Nga và cố gắng phá hủy cầu Crimea.
Tấn công Crimea chỉ là bước khởi đầu cho các cuộc tập kích ngày càng táo bạo hơn của Ukraine vào Nga. Trong hơn một năm qua, Kiev cũng tiến hành nhiều chiến dịch tầm xa nhằm vào cơ sở hạ tầng kinh tế và quân sự trên khắp nước Nga. Ukraine tấn công các căn cứ không quân Nga cách biên giới nước này hàng trăm km, triển khai UAV phá hủy các mục tiêu ở Moscow và St. Petersburg và tiến hành không kích nhằm vào cơ sở hạ tầng dầu khí của Nga cùng các nhà máy điện ở Moscow. Đây là những mắt xích quan trọng trong hệ thống kinh tế của Nga.
Gần đây nhất, ngày 6/8, Ukraine đã phát động chiến dịch đột kích quy mô lớn vào tỉnh Kursk, miền Tây nước Nga. Đây là cuộc xâm nhập lãnh thổ Nga lớn nhất kể từ Thế chiến 2. Kiev được cho là đã chiếm khoảng 1.300km2 lãnh thổ Nga. Có những dấu hiệu cho thấy Ukraine đang có kế hoạch đào hầm và thiết lập một “vùng đệm” kiên cố ở khu vực chiếm được bên trong lãnh thổ Nga. Kiev cũng thường xuyên sử dụng vũ khí do Mỹ và các quốc gia châu Âu cung cấp để phá hủy cầu đường, tấn công quân tiếp viện, gây ra tổn thất lớn cho Moscow. Đã có nhiều câu hỏi đặt ra về việc liệu các hành động quân sự liên tiếp của Ukraine nói trên có dẫn tới một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân của Nga hay không.
Tuần trước, Tổng thống Putin cảnh báo rằng nếu Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Anh, Pháp, hoặc Mỹ sản xuất để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga thì Moscow sẽ coi đây là hành động gây chiến trực tiếp và sự trả đũa của Nga lần này sẽ khác.
Sergei Strokan – chuyên gia về vấn đề quốc tế của tờ Kommersant (Nga) cho rằng: “Nga ngày càng thất vọng vì phương Tây dường như không còn sợ chiến tranh hạt nhân do không có sự răn đe nào từ phía Moscow. Phương Tây có lẽ cần một lời cảnh tỉnh hoặc một sự kiện nào đó cho thấy họ có thể khơi mào Thế chiến thứ 3 nếu các cuộc tấn công bằng vũ khí tầm xa vào Nga leo thang”. Theo ông Sergei Strokan, Trong Chiến tranh Lạnh, nỗi sợ hãi chiến tranh hạt nhân đã thúc đẩy các bên bên ngồi vào bàn đàm phán, nhằm hạn chế xung đột và kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Đánh giá khả năng Nga dùng quân bài hạt nhân
Tổng thống Putin đã nêu lên sự khác biệt giữa kịch bản Ukraine sử dụng các loại vũ khí như tên lửa hành trình của Anh và Pháp, tên lửa đạn đạo ATACMS do Mỹ sản xuất tấn công Nga với các kịch bản ranh giới đỏ trước đây. Ông cho biết những vũ khí như vậy quá tinh vi vì thế Ukraine rất khó vận hành, do đó, họ sẽ cần sự hỗ trợ trực tiếp của NATO, như hướng dẫn và kết nối thông tin từ vệ tinh, để thực hiện hiệu quả các cuộc tấn công sâu bên trong nước Nga.
Trả lời với báo chí, ông Putin nêu rõ: “Điều này có nghĩa là các nước NATO đang có xung đột với Nga. Do vậy, khi xét đến sự thay đổi bản chất của cuộc xung đột, chúng tôi sẽ phải đưa ra quyết định phù hợp để ứng phó với các mối đe dọa mà chúng tôi đối mặt”.
Theo giới phân tích, Điện Kremlin dường như đang coi thách thức này là giọt nước tràn ly. Trong hơn một năm qua, Tổng thống Putin đã chịu áp lực công khai từ các thành viên cứng rắn trong đội ngũ an ninh, do cựu cố vấn chính sách đối ngoại Sergey Karaganov dẫn đầu, nhằm "khôi phục khả năng răn đe" bằng cách diễn tập một cuộc tấn công hạt nhân để nhắc nhở phương Tây rằng Nga là một cường quốc hạt nhân.
Không rõ Điện Kremlin tính đến phản ứng đáp trả nào nếu phương Tây dỡ bỏ giới hạn dùng tên lửa tầm xa đối với Ukraine, nhưng truyền thông Nga đã suy đoán về một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Theo giới phân tích, ở mức độ nhẹ, Nga có thể cắt đứt quan hệ ngoại giao với những quốc gia NATO mà Moscow coi là đối đầu nghiêm trọng nhất. Ngoài ra, Nga có thể tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân – điều mà nước này chưa từng thực hiện kể từ năm 1990. Một số báo cáo cho biết bãi thử hạt nhân tại Novaya Zemlya đã được chuẩn bị cho khả năng đó.
Sergei Markov, cựu cố vấn Điện Kremlin, cho rằng, Nga cũng có khả năng thực hiện phản ứng mạnh mẽ hơn như tấn công các sân bay NATO ở Ba Lan và Romania. Ông Sergei Markov lưu ý: "Đây là những sân bay mà các máy bay F-16 của Ukraine đang đồn trú. Những máy bay này có thể được sử dụng để phóng các tên lửa của phương Tây vào nước Nga, vì vậy chúng tôi sẽ coi chúng là mục tiêu hợp pháp”.
Theo học thuyết an ninh hạt nhân hiện nay của Nga, nước này có thể triển khai vũ khí hạt nhân “để đáp trả việc sử dụng vũ khí hạt nhân và những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại Nga hoặc đồng minh của Nga, và chống lại cuộc tiến công vào Nga bằng vũ khí thông thường nhưng đe dọa sự tồn tại của nhà nước Nga”. Tuy vậy, những sửa đổi sắp tới đối với học thuyết này có thể thay đổi hoàn toàn tính toán của Nga trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ông Sergei Markov lưu ý, các điều khoản mới đang được xem xét có thể hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, khiến chúng trở thành một phần không thể thiếu trong bất cứ cuộc xung đột tương lai nào. Một sửa đổi khác có thể cho phép Nga sử dụng vũ khí hạt nhân khi “lợi ích chiến lược” của nước này bị đe dọa, hoặc dùng vũ khí đó để chống lại các quốc gia không có vũ khí hạt nhân nhưng là thành viên của một liên minh bao gồm các cường quốc hạt nhân nếu họ tấn công Nga.