Liệu Nga có buộc Iran phải rút khỏi Syria?

Với những lợi ích đan xen và mối quan hệ hiện tại giữa Nga và Iran, liệu Moscow có buộc Tehran phải rút khỏi Syria?

Câu chuyện về những căng thẳng trong mối quan hệ Nga - Iran sau sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân đầu năm 2018 đã "nóng lại" trong một vài tháng gần đây. Tehran dường như lo ngại sẽ bị "phản bội" trong bối cảnh Moscow đang nỗ lực đàm phán với Mỹ về nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có việc áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế gần đây.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ người đồng cấp Iran Hassan Rouhani ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 4/4/2018. Ảnh: Reuters

Trong cuộc họp báo ngày 22/8 nhân chuyến thăm tới Israel, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã nhắc đến việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng ý rằng lực lượng Iran nên rút quân khỏi Syria.

"Tổng thống Putin... đã nói với tôi 3 tuần trước... Những gì ông ấy nói là lợi ích của Iran tại Syria không tương đồng với lợi ích của Nga tại Syria và ông Putin sẽ hài lòng khi thấy lực lượng Iran quay về nước... Chúng tôi muốn nói về việc rút quân hoàn toàn của cả lực lượng chính quy và lực lượng không chính quy của Iran", ông Bolton cho biết.

Ngày 23/8, ông Bolton đã gặp người đồng cấp Nga - ông Nikolai Patrushev - người đứng đầu Hội đồng An ninh Nga nhưng cuộc gặp giữa hai người không đạt được sự đồng thuận nào về vấn đề này.

Sau cuộc gặp kéo dài 5 giờ, ông Bolton đã tuyên bố với các nhà báo rằng vấn đề Syria từng được Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump thảo luận trước đó tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Helsinki, Phần Lan đã được bàn luận trở lại nhưng không đạt được bất kỳ tiến triển nào. Theo ông Bolton, ông Patrushev đã dùng sự "hạn chế về địa lý của lực lượng Iran" để đổi lấy sự chấm dứt các lệnh cấm vận về dầu mỏ lên Tehran nhưng đề nghị này đã bị Mỹ từ chối thẳng thừng.

Hai quan chức của Nga và Mỹ cũng không đưa ra được tuyên bố chung nào sau khi phía Nga phủ nhận cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ. Trong các cuộc thảo luận trước đây và hiện tại, Washington hành xử như thể Mỹ có lợi thế hơn Moscow khi cho rằng "Nga hiện đang bị mắc kẹt ở Syria". Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Nga không để bị gây sức ép và kiên quyết đàm phán với một địa vị bình đẳng với Mỹ.

Ngoài ra, còn có một số lý do khác khiến Moscow tiếp tục từ chối các đề nghị của Mỹ về vấn đề Syria.

Nga chưa sẵn sàng để bỏ lại Iran

Thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov nhận định sau các cuộc thảo luận ở Geneva rằng "chính quyền Mỹ đang cố gắng kéo Nga khỏi vị trí hiện tại với ý nghĩa sẽ tạo nên một sự thay đổi hoàn toàn về vấn đề Syria". Tuy nhiên, Washington chỉ yêu cầu Nga phải từ bỏ đồng minh Iran mà không nói rõ đổi lại Moscow sẽ được gì.

Sự đảm bảo của Mỹ rằng những nhượng bộ của Nga sẽ chấm dứt các lệnh trừng phạt nghe có vẻ không thuyết phục với Moscow. Điện Kremlin hiểu rõ rằng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt là thẩm quyền của Quốc hội Mỹ chứ không phải Tổng thống. Điều này nghĩa là việc ký kết một thỏa thuận với ông Trump về vấn đề Syria không đảm bảo được bất kỳ tiến triển gì với các lệnh trừng phạt.

Hơn nữa, Nga không sẵn sàng để kết thúc mối quan hệ với Iran. Ngoài vấn đề cuộc khủng hoảng Syria, Moscow và Tehran còn hợp tác với nhau trong nhiều lĩnh vực khác - từ năng lượng tới an ninh ở vùng biển Caspian và tình hình ở Afghanistan. Thực tế là không chỉ Iran mà ngay cả Nga cũng đều muốn tiếp tục hợp tác với nhau.

Sau cùng, Nga cũng không tin tưởng vào Mỹ bởi những lý do nhất định.

Nga đã từng nhiều lần sử dụng Iran như một "chiêu bài” mặc cả trong các cuộc đàm phán với Mỹ. Tháng 6/1995, Phó Tổng thống Al Gore đã ký một thỏa thuận bí mật với Thủ tướng Nga Viktor S Chernomyrdin, yêu cầu chấm dứt việc buôn bán vũ khí của Nga với Iran vào cuối năm 1999. Thỏa thuận này đã khiến Nga mất đi 4 tỷ USD.

Năm 2009, chính quyền Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Barack Obama đã đồng ý điều chỉnh lại quan hệ Nga - Mỹ, yêu cầu Nga hạn chế quan hệ đối tác với Iran. Một năm sau, Nga ngừng cung cấp hệ thống tên lửa S-300 cho Iran theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 1929. Nghị quyết này đã cấm các quốc gia cung cấp vũ khí hạng nặng cho Iran vì các chương trình hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, dù Nga chấp nhận mặc cả, nhưng cũng không bao giờ có sự "điều chỉnh" thực sự hay sự ấm lên trong quan hệ giữa Moscow và Washington. Nga không đạt được bất kỳ điều gì khi sử dụng Iran làm "chiêu bài" để mặc cả. Trái lại, nền kinh tế Nga còn chịu nhiều thiệt hại vì các hợp đồng bị gián đoạn và làm mất đi sự tin tưởng của đồng minh Iran.

Ảnh hưởng của Nga lên Tehran không phải là vô hạn

Có một số lý do khiến Nga không chấp nhận các yêu cầu của Mỹ về vấn đề Syria và một trong số các lý do đó là mọi thứ không phải hoàn toàn thuộc tầm kiểm soát của Moscow. Nga không nói quá khi gọi việc rút quân hoàn toàn của Iran khỏi Syria là "phi thực tế". Nga vẫn là một chủ thể quan trọng trong cuộc xung đột ở Syria nhưng tầm ảnh hưởng của Moscow lên các "đồng minh" của mình không phải là vô hạn.

Sau khi các lực lượng ủng hộ Iran rút quân khỏi vùng biên giới Syria vào đầu tháng 8, Mỹ và Israel bắt đầu tin rằng Nga có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc Iran rút quân hoàn toàn khỏi Syria.

Tuy nhiên, Nga không thể đáp ứng mong đợi này bởi 3 lý do sau:

Đầu tiên, việc lực lượng ủng hộ Iran rút khỏi biên giới phía nam Syria phần lớn không phải vì sức ép đến từ Moscow mà vì chính lợi ích của họ.

Hơn nữa, điện Kremlin nỗ lực thuyết phục Iran tình nguyện rút quân khỏi khu vực biên giới không chỉ nhằm hạn chế nguy cơ xung đột với Israel mà còn để chính phủ Syria có thể giữ được tầm ảnh hưởng ở vùng nam Syria. Tuy nhiên, Nga hiểu sẽ khó mà nói được liệu việc quân chính quy và quân không chính quy của Iran rút khỏi Syria có giúp ích Tehran hay chế độ của ông Assad hay không.

Thứ hai, việc Iran rút quân hoàn toàn khỏi Syria sẽ không thể thực hiện trong tình hình hiện tại. Bản chất của việc thành lập lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ở Syria không phải để chiếm ưu thế hay gây ảnh hưởng mà để biến lực lượng này thành một phần không thể thiếu của lực lượng quân đội Syria. Trong suốt 7 năm nội chiến ở Syria, những người Iran này đã hợp nhất với lực lượng vũ trang của Syria trong nhiều hoạt động, vì thế, sự rời đi của lực lượng Vệ binh Cách mang Hồi giáo Iran có thể gây nên sự phá vỡ của toàn bộ hệ thống.

Thứ ba, ngày 27/8, Iran và Syria vừa ký một thỏa thuận hợp tác quân sự khiến khả năng Iran rút quân hoàn toàn khỏi Syria trở nên bất khả thi hơn.

Với tất cả những lý do trên, Washington hầu như khó có thể dựa vào Nga để buộc Iran phải rút quân khỏi Syria sớm./.

CTV Kiều Anh/VOV.VNTheo Aljazeera

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/lieu-nga-co-buoc-iran-phai-rut-khoi-syria-806611.vov