Liệu Mỹ có bảo vệ được các cơ sở dầu mỏ ở Syria?

Chiến lược mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Syria, hiện là bảo vệ các mỏ dầu ở phía đông Syria cùng với các chiến binh người Kurd, được các chuyên gia coi là không thực tế và bất hợp pháp.

Quân đội Mỹ trở lại Deir Ezzor

Quân đội Mỹ trở lại Deir Ezzor

"Chúng tôi đang thực hiện các bước để củng cố lực lượng của mình tại Deir Ezzor nhằm ngăn cản các chiến binh thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) tiếp cận các mỏ dầu", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết hôm thứ Sáu tuần trước.

Sau khi thông báo vào ngày 6/10 về việc rút 1.000 lính Mỹ khỏi phía đông bắc Syria, để mở đường cho một chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại lực lượng người Kurd, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng một số lượng nhỏ binh sĩ Mỹ sẽ ở lại Syria, "để bảo vệ các khu vực có dầu".

"Trước đây chúng tôi từng bảo đảm an ninh cho các mỏ dầu ở Syria. Chúng tôi sẽ bảo vệ chúng và chúng tôi sẽ quyết định những gì chúng tôi sẽ làm trong tương lai", ông Trump tuyên bố ngày 24/10.

Cùng ngày, Lầu Năm Góc đã xác nhận việc gửi quân tiếp viện để bảo vệ các mỏ dầu ở Syria, nhưng không nói rõ số lượng và thiết bị.

Ngày 26/10, AFP dẫn lời một quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết một đoàn xe gồm khoảng 13 xe quân sự của Hoa Kỳ đã vào Syria từ nước láng giềng Iraq.

Về mặt chính thức, việc Mỹ gửi quân trở lại Syria là ngăn chặn IS chiếm lại các mỏ dầu lớn nhất Syria, hiện đang được liên minh Arab-Kurd của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) ở tỉnh Deir Ezzor, kiểm soát. Tỉnh Deir Ezzor nằm ở phía đông sông Euphrates, không xa biên giới Iraq.

Nhưng chiến lược mới này thể hiện sự thay đổi hoàn toàn trong quan điểm của Hoa Kỳ. Trước đây, Mỹ đã biện minh cho sự hiện diện của họ trên đất Syria là nhằm chống lại IS mặc dù Tổng thống Syria Bashar al-Assad không muốn Washington làm điều đó, chuyên gia Nick Heras thuộc Trung tâm An ninh Mỹ, nói với AFP.

Theo chuyên gia về cuộc xung đột Syria, chính quyền Mỹ đang cố gắng nắm giữ nguồn tài nguyên dầu mỏ của Syria làm con tin và sử dụng chúng làm điều kiện trao đổi để buộc Tổng thống Assad và Nga chấp nhận yêu cầu của Hoa Kỳ trong quá trình giải quyết chính trị cuộc xung đột Syria.

"Nhiệm vụ của Mỹ ở Syria đang chuyển từ cuộc đấu tranh cao quý chống lại tổ chức khủng bố đáng sợ nhất thế giới sang một cuộc mặc cả buộc Tổng thống Assad thay đổi hành vi của mình bằng cách chiếm giữ dầu của Syria", ông Heras nói.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump thậm chí còn đề nghị Hoa Kỳ "cử một trong các công ty dầu lớn của họ đến khai thác dầu của Syria”. "Điều đó sẽ là bất hợp pháp", cựu đặc phái viên đặc biệt của Mỹ tại Syria, Brett McGurk, người đã từ chức vào tháng 12 năm ngoái, nói trong một cuộc họp báo.

“Dù muốn hay không, dầu mỏ Syria thuộc về một công ty dầu khí nhà nước Syria" ông nói. Nhà ngoại giao này nói rằng Hoa Kỳ đã có một thời gian dài ấp ủ ý tưởng khai thác dầu của Syria, theo thỏa thuận với Moscow và đưa lợi nhuận kiếm được vào một quỹ phát triển sẽ được trao lại cho Nhà nước Syria sau khi nội chiến kết thúc. "Nga khi ấy đã không vội phản ứng trước ý tưởng trên của Mỹ nhưng tôi nghĩ giờ họ sẽ phản ứng mạnh", ông nói.

“Những gì Washington hiện đang làm - chiếm giữ và kiểm soát các mỏ dầu ở miền Đông Syria - chẳng khác nào cướp đoạt tài nguyên dầu mỏ của Syria", Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố ngày 26/10.

Khoảng 200 lính Mỹ hiện đang được triển khai cùng với các chiến binh SDF ở Deir Ezzor, nhưng con số này rõ ràng không đủ nếu quân đội Nga quyết định giành quyền kiểm soát khu vực này, như họ đã cố gắng thực hiện vào đầu năm 2018.

Lần này, Moscow có thể không cần phải tốn viên đạn nào vì sau khi bị Washington bỏ rơi, các chiến binh người Kurd đã về phe với chính quyền Damas để chống lại sự tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/lieu-my-co-bao-ve-duoc-cac-co-so-dau-mo-o-syria-553786.html