Liều mình sống bên dòng Nậm Piệt

Hai bản Mường Phú, Mường Piệt (xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) nằm sát chân núi ở biên giới Việt - Lào. Từ nhiều năm nay, 126 hộ dân của 2 bản này sống ven dòng Nậm Piệt (một nhánh lớn của sông Chu) luôn sống trong thấp thỏm, lo âu vì không biết nhà cửa, tài sản bị nước cuốn trôi bất cứ lúc nào.

Ông Lương Hòa (47 tuổi, trú bản Mường Phú) bàng hoàng nhớ lại: "Vào khoảng 7 giờ sáng một ngày giữa tháng 7-2018, khi mọi người đang ở trong nhà thì nước lũ từ thượng nguồn bắt đầu đổ về. Chỉ sau ít phút, căn nhà xây kiên cố bằng bê-tông của gia đình ở sát dòng Nậm Piệt bị nước lũ cuốn phăng. Căn nhà đổ sập, toàn bộ tài sản bị nước cuốn, mọi người trong gia đình may mắn chạy lên núi kịp thời nên thoát thân". Kể từ sau trận lũ cuốn, gia đình ông Hòa rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất". Hiện vợ chồng ông và 2 con nhỏ phải đến ở nhờ qua ngày tại nhà người thân trong bản.

Không được di dời tới nơi ở mới an toàn, hằng ngày, nhiều hộ dân bản Mường Phú, Mường Piệt vẫn phải sống trong những căn nhà "chờ sập". Bà Hà Thị Hợi (SN1959, trú bản Mường Phú) than thở: "Biết là nguy hiểm nhưng một mình, không có chỗ đi đâu nên đành làm liều ở tạm qua ngày".

Cách căn nhà bà Hợi đang tá túc tạm không xa là nhà của bà Lương Thị Hường (45 tuổi). Trận lũ giữa tháng 7-2018, căn nhà khang trang của bà Hường cũng bị nước cuốn. Không có chỗ ở, bà đi vay mượn khắp nơi dựng lại căn nhà mới trên nền đất cũ. Hiện căn nhà này bị sạt lở vào tới chân móng. "Ở đây không biết chết khi nào, không có chỗ ở thì phải liều thôi. Giờ cứ có mưa lớn là mấy mẹ con bỏ nhà, chạy lên núi, lúc nào hết mưa, nước rút mới dám về nhà" - bà Hường nói.

Ông Lương Văn Huân - Chủ tịch UBND xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An - xác nhận nhiều hộ dân bản Mường Phú, Mường Piệt nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở, nước lũ cuốn. "Mỗi lần có mưa lớn không phải chỉ người dân lo mà chính quyền cũng đứng ngồi không yên, luôn phải cử cán bộ xuống túc trực, hỗ trợ người dân di tản tới nơi an toàn" - ông Huân lo ngại.

Một căn nhà chờ sập bên dòng Nậm Piệt Ảnh: HẢI VŨ

Một căn nhà chờ sập bên dòng Nậm Piệt Ảnh: HẢI VŨ

Theo của cơ quan chức năng huyện Quế Phong, trong 126 hộ dân nói trên có 34 hộ nằm trong vùng đặc biệt nguy hiểm, cần di dời khẩn cấp. Năm 2017, UBND huyện Quế Phong đã có tờ trình xin đầu tư dự án di dời khẩn cấp 34 hộ dân trên. Tuy nhiên, tháng 12-2017, dự án trên không được phê duyệt và theo giải thích của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An là do "không cân đối được nguồn vốn đầu tư và không nằm trong quy hoạch tổng thể bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh...".

Tháng 7-2018, sau trận lũ quét kinh hoàng khiến nhiều nhà dân bản Mường Phú, Mường Piệt bị nước cuốn trôi, UBND huyện Quế Phong tiếp tục đề nghị thực hiện dự án di dời khẩn cấp 34 hộ dân. Tháng 8-2018, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản hỏa tốc gửi các sở Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, tham mưu đề xuất chủ trương xây dựng dự án. Gần 1 năm sau, tháng 7-2019, dự án di dời khẩn cấp 34 hộ dân mới được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt chủ trương đầu tư với kinh phí gần 15 tỉ đồng.

Tháng 7-2020, 1 năm sau khi dự án được phê duyệt, có mặt tại xã biên giới này, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, dự án trên vẫn "nằm trên giấy".

Làm việc với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, cho biết: "Lo lắng sự an nguy của người dân, huyện đã nhiều lần đề nghị Sở Tài chính, UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện dự án nhưng không có kết quả. Giờ cứ mỗi lần có mưa lớn, không chỉ người dân mà chính quyền từ xã đến huyện đều lo vì nhà dân không biết bị đất đá vùi lấp, nước cuốn lúc nào".

Đức Ngọc

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/lieu-minh-song-ben-dong-nam-piet-20200718231247631.htm