Liều mình cứu người trong đám cháy

Không chỉ quên mình cứu cả một gia đình trong căn nhà cháy, ông Nguyễn Long, 60 tuổi, bảo vệ dân phố, còn thường xuyên góp phần bảo vệ bình yên cho người dân.

Đã hơn hai tháng trôi qua kể từ ngày cứu bốn người trong một gia đình, đứa con nhỏ nhất mới đầy tháng tuổi thoát khỏi đám cháy, ông Nguyễn Long, Phó ban Bảo vệ dân phố phường 14, quận 6 (TP.HCM), vẫn còn rùng mình. Lần ấy, sau khi lần lượt đưa hết bốn nạn nhân ra ngoài an toàn, ông bị ngạt khói, ngất xỉu phải điều trị viêm phổi hơn một tuần tại bệnh viện, sức khỏe hiện giờ vẫn chưa hoàn toàn bình phục.

Cứu người xong bị ngạt khói bất tỉnh

Ông Long kể hơn 10 giờ sáng hôm ấy, khi đang trực ban ở trụ sở công an phường, ông nhận được tin báo căn nhà 101/48/7 Tân Hóa, quận 6 bị cháy. Không kịp mặc đồ bảo hộ, ông vội vàng mang theo dụng cụ chữa cháy đến hiện trường. Do căn nhà được thuê trọ để làm nơi lắp ráp xe máy cũ nên chứa nhiều dầu nhớt khiến lửa khói lan nhanh. Trong nhà có hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ, đứa lớn một tuổi, đứa nhỏ mới đầy tháng không ngừng khóc, hoảng loạn ở trên gác. Cửa bị khóa trái nhưng không ai dám xuống mở vì lửa cháy rừng rực bên dưới.

Nhận thấy tình thế cấp bách, ông Long dùng hết sức mình tạo một lỗ hổng trên cửa, đồng thời kêu gọi các thanh niên gần đó dùng bình cứu hỏa để dập bớt lửa. Sau đó ông chui vào lỗ hổng, lần lên gác, đưa hai cháu nhỏ xuống trước rồi chuyền qua lỗ hổng cho người bên ngoài đón. Tuy nhiên, khi ôm cháu bé một tháng tuổi từ trên gác xuống thì ông trượt chân do cầu thang dính đầy dầu nhớt. “Lúc ấy tôi nghĩ rất nhanh, thả cháu bé ra để bám cầu thang thì nguy hiểm cho cháu quá nên tôi ráng chịu đau, tì lưng vào cầu thang trượt xuống, chấp nhận trật xương sống” - ông Long kể. Cứ như thế, đến khi đưa được người cuối cùng là mẹ các cháu ra ngoài thì ông Long ngất xỉu, không biết gì nữa.

Nằm điều trị ở BV quận 6 ba ngày ông mới hồi tỉnh. Câu hỏi đầu tiên là tình hình của gia đình có nhà bị cháy bây giờ ra sao. Khi biết cả bốn người đều bình yên ông mới thực sự yên tâm. “Từ ngày tôi ở bệnh viện về sức khỏe có phần giảm sút, hơi thở có vẻ yếu hơn nhưng cứu một lúc được mấy mạng người thì còn niềm vui nào hơn thế” - ông Long chia sẻ.

Căn nhà bị cháy có cửa rất kiên cố, phải dùng nhiều sức lực mới phá được lỗ hổng chui vào (nay đã được chủ nhà hàn lại). Ảnh: HOÀNG LAN

Căn nhà bị cháy có cửa rất kiên cố, phải dùng nhiều sức lực mới phá được lỗ hổng chui vào (nay đã được chủ nhà hàn lại). Ảnh: HOÀNG LAN

Từng bị cướp đấm tét môi, gãy răng

Ông Long chia sẻ có lẽ từng là người lính bước qua lằn ranh sống chết không biết bao nhiêu lần trên chiến trường Campuchia những năm 1979-1983 nên ông có được tố chất gan dạ, bình tĩnh khi đối mặt với mọi khó khăn. Công việc mưu sinh thường nhật đã có lúc cuốn ông đi. Nhưng vì hiểu được những khó khăn trong việc giữ gìn an ninh trật tự nên ông đã tự nguyện tham gia đội dân phòng tuần tra khu phố.

Năm 2009, lực lượng dân phòng đổi tên thành bảo vệ dân phố. Nhờ năng nổ và nhiệt tình trong công tác nên ông Long được tín nhiệm bầu làm phó ban. Hơn chục năm qua, ông đã cùng đồng nghiệp, công an phường ngăn chặn nhiều vụ cướp giật, trộm cắp tài sản, giải quyết hàng trăm vụ tụ tập gây rối, lấn chiếm lòng lề đường.

Với những thành tích như trên, ông Long đã nhận được nhiều giấy khen của Công an TP.HCM, UBND quận, phường, UBND TP.HCM. Gần đây nhất (tháng 4-2017), ông đã được lãnh đạo phường 14, quận 6 trao tặng giấy khen do có hành động dũng cảm cứu người.

Trong một lần tuần tra trên đường Đặng Nguyên Cẩn và Tân Hóa, ông Long phát hiện một thanh niên phóng nhanh vượt ẩu xô ngã cô gái trẻ rồi bỏ chạy. Sau khi đuổi kịp và buộc thanh niên nọ dừng xe, không ngờ ông bị anh ta quay lại đấm vào mặt làm tét môi, gãy răng. Thấy vậy, người dân xung quanh vội chạy lại hỗ trợ ông bắt giữ thanh niên kia và đưa ông đi cấp cứu vì máu chảy nhiều quá. “Chỉ tính chạy theo kêu anh ta lại đền xe cho cô gái nhưng không ngờ bị đánh cho nằm Chợ Rẫy ba bữa” - ông Long cười, tay sờ lên vết sẹo hằn trên mặt và cười lộ ra cái răng gãy năm nào.

Một lần khác, đang trên đường Tân Hòa Đông, ông phát hiện hai thanh niên xăm trổ đầy mình có dấu hiệu khả nghi, liền bám theo. Đến ngã tư, hai thanh niên liều lĩnh giật điện thoại của hai cô gái, ông tăng ga đuổi theo, khéo léo áp sát rồi đạp ngã xe hai tên cướp giật dù biết mình cũng sẽ ngã theo.

Xác định công việc của mình không mưu cầu gì hơn ngoài góp phần mang lại bình yên cho người dân, phần thưởng lớn nhất Ông Long nhận được là tình cảm quý mến, sự tin tưởng của người dân nơi đây. Câu chuyện làm ông nhớ mãi là một đêm mưa cách đây sáu năm về trước, trong khi đi tuần qua cầu ông Buông, ông phát hiện một người đàn ông bị té xe nên đã hỏi địa chỉ nhà để đưa người ấy về… Đến nay, Tết nào người đó cũng gửi quà cảm ơn đến gia đình ông.

Cũng như nhiều đêm khác, đêm nay ông Long lại tiếp tục thức, rong ruổi tuần tra trên những tuyến đường để cho người dân bình yên chìm vào giấc ngủ…

Ông Long đã có nhiều đóng góp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tuyên truyền cho người dân nắm rõ phương thức thủ đoạn của các loại tội phạm và một số biện pháp phòng ngừa, tuyên truyền về công tác phòng cháy chữa cháy, trật tự an toàn giao thông, xử lý lấn chiếm lòng lề đường... Cạnh đó, ông cũng đã trực tiếp tham gia bắt được nhiều vụ trộm, phối hợp với công an phường bắt nhiều đối tượng sử dụng ma túy, tham gia hòa giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn trong nhân dân, quên mình cứu người trong đám cháy.

NGUYỄN THỊ HỒNG OANH, Phó Chủ tịch
UBND phường 14, quận 6, TP.HCM

HOÀNG LAN

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/lieu-minh-cuu-nguoi-trong-dam-chay-720385.html