Liều lĩnh hay do quản lý lỏng lẻo?

Sự việc 5 người ở một số tỉnh thành đến TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) thuê tàu ra biển câu cá rồi xảy ra tai nạn khiến 5 người thiệt mạng và mất tích, là hồi chuông báo động về những lỗ hổng trong quản lý hệ thống tàu thuyền trên địa bàn tỉnh.

Theo điều tra ban đầu của ngành chức năng tỉnh Bình Thuận, ngày 15-2, nhóm 5 người (3 người ở tỉnh Khánh Hòa và 2 người ở tỉnh Bình Thuận) đến liên hệ với ông Nguyễn Văn Một (ngụ phường Phú Trinh, TP Phan Thiết) để thuê tàu ra biển câu cá. Đến 11 giờ cùng ngày, ông Một cùng một thuyền viên và 5 người khách lên tàu xuất bến tại Cảng Phan Thiết nhưng không trình báo ngành chức năng.

Tối cùng ngày, khi đang câu cá gần mỏ Sư Tử Vàng, cách Phan Thiết khoảng 40 hải lý về hướng Bắc thì gặp gió to, sóng lớn nên tàu bị chìm, tất cả 7 người rơi xuống biển. Hậu quả, có 3 người thiệt mạng, 2 người khác hiện đang mất tích và 2 người may mắn được cứu sống.

Tàu cá gặp nạn được đóng vào năm 1995, giấy tờ đăng ký nghề kéo lưới đơn, hạn khai thác đến tháng 4-2024, nhưng lại chở những người không phải là ngư dân, chưa có kinh nghiệm đi biển để ra khơi câu cá giải trí là việc làm sai quy định và quá liều lĩnh. Qua tìm hiểu, nhóm 5 người khách thuê tàu đi câu cá, có người là chủ doanh nghiệp vận tải, người thì làm lao động tự do nên kiến thức, kinh nghiệm đi biển hầu như không có.

Tại tỉnh Bình Thuận, du khách không khó liên hệ với các chủ tàu thuyền ở địa phương để chở người ra biển câu cá giải trí. Tùy vào chuyến đi gần bờ hay xa bờ, du khách chỉ cần bỏ ra từ 500.000 đồng đến khoảng 2 triệu đồng là sẽ được các chủ tàu chở ra biển để thỏa mãn sở thích. Trong chuyến đi câu, những người khách sẽ được chủ tàu lo ăn uống và các dịch vụ kèm theo tùy vào yêu cầu của người thuê. Do là hoạt động tự phát, các tàu cá không có giấy phép hoạt động dịch vụ vận tải du lịch nên dẫn đến mất an toàn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, thời gian gần đây tình trạng thuê tàu cá đi câu giải trí trên biển có dấu hiệu gia tăng. Đây là hoạt động sai quy định về quản lý phương tiện nghề cá, tiềm ẩn rủi ro cao do không có kỹ năng hoạt động trên biển nhất là khi có sóng to, gió lớn. Mặc dù ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý nhưng do ven biển có nhiều bãi ngang, lượng phương tiện ra vào các bến bãi nhiều nên kiểm soát khó khăn.

Sau sự cố chìm tàu nghiêm trọng nói trên, vấn đề quản lý chặt tàu cá, cũng như việc đẩy mạnh tuyên truyền các chủ tàu thuyền tự giác chấp hành các quy định về quản lý tàu cá, không sử dụng tàu cá làm dịch vụ sai quy định và phải trang bị đầy đủ thiết bị cứu sinh, thông tin liên lạc khi ra biển là việc làm cấp thiết, tránh để tái diễn sự cố nghiêm trọng như vừa qua.

NGUYỄN TIẾN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lieu-linh-hay-do-quan-ly-long-leo-714786.html