Liệu Kazakhstan có thể trở thành điểm quá cảnh khí đốt của Nga sang Trung Quốc trong dự án đường ống vận chuyển khí đốt 'Sức mạnh Siberia-2'?

Nga hiện dành nhiều sự quan tâm cho việc đàm phán với Trung Quốc về dự án 'Sức mạnh Siberia-2' sau những tin tức không tốt liên quan việc Công ty 'Naftogaz' (Ucraina) chuẩn bị vụ kiện tiếp theo nhằm vào Tập đoàn Gazprom cũng như sự sụt giảm nhu cầu khí đốt của EU năm 2019. Vì vậy, Kazakhstan đề nghị xây dựng một nhánh đường ống của 'Sức mạnh Siberia-2' trên lãnh thổ của mình nhằm kết nối nguồn khí đốt của mình với thị trường tiêu thụ Trung Quốc.

Giám đốc Công ty “Gazprom Export” Elena Burmistrova cho biết, Gazprom và Công ty dầu khí Trung Quốc CNPC đã ký thỏa thuận về dự án “Sức mạnh Siberia-2” năm 2015. Hiện nay, quá trình đàm phán phải tạm dừng do những tác động tiêu cực từ dịch viêm phổi cấp CoVid-19 ở Trung Quốc.

“Sức mạnh Siberia-2” nằm ở phía Tây của dự án “Sức mạnh Siberia”, sẽ cung cấp khí đốt cho Trung Quốc từ khu vực Tây Siberia đến Khu tự trị Tân Cương, sau đó kết nối với hệ thống đường ống khí đốt “Đông -Tây” để vận chuyển khí đốt tới Thượng Hải. Dự án có chiều dài 6.700km, trong đó 2700km trên lãnh thổ LB Nga, dự kiến sẽ phải cạnh tranh với nguồn cung khí đốt từ Turkmenistan sang khu vực Tân Cương, Trung Quốc (công suất khoảng 8 tỷ m3/năm). Bà Burmistrova nhấn mạnh, khí đốt vận chuyển bằng đường ống của Nga bắt đầu cạnh tranh tích cực với nguồn nhiên liệu LNG nhập khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, “Sức mạnh Siberia-2” hiện gặp phải sự phản đối lớn vì vấn đề môi trường khi đường ống khí đốt đi qua công viên thiên nhiên quốc gia “Ukok” - di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận.

Bộ trưởng Năng lượng LB Nga Alexander Novak gặp Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan Nurlan Nogaev ngày 12/02/2020

Bộ trưởng Năng lượng LB Nga Alexander Novak gặp Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan Nurlan Nogaev ngày 12/02/2020

Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Năng lượng LB Nga Alexander Novak ngày 12/02/2020, Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan Nurlan Nogaev đề nghị Nga xem xét khả năng thông đường ống khí đốt “Sức mạnh Siberia-2” qua Kazakhstan để nước này kết nối với hệ thống đường ống “Đông - Tây” của Trung Quốc. Giới chuyên gia dầu khí cho rằng, với đề nghị này, một mặt Nga có lợi khi giữ Kazakhstan trong khu vực Nga có lợi ích địa chính trị nhưng mặt khác, theo kinh nghiệm hợp tác giữa Nga với Ucraina và Belarus cho thấy, các quốc gia quá cảnh khí đốt có thể là mối đe dọa cho tính kinh tế của dự án. Trong bối cảnh suy giảm nhu cầu từ châu Âu, “Sức mạnh Siberia-2” có tầm quan trọng kinh tế lớn, không chỉ thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc mà còn giải phóng nguồn cung dồi dào từ khu vực Tây Siberia, khu vực cung cấp khí đốt chủ yếu cho EU. “Sức mạnh Siberia-2” sẽ giúp Nga đa dạng hơn thị trường xuất khẩu khí đốt của mình. Vì vậy, và đây là cơ hội để Kazakhstan trung chuyển, tham gia xuất khẩu khí đốt năng lượng sang Trung Quốc đồng thời gia tăng ảnh hưởng địa chính trị tại khu vực Trung Á.

Tuy nhiên, tình hình Kazakhstan thời gian gần đây diễn biến phức tạp, rủi ro chính trị tăng cao khi xuất hiện các cuộc bạo loạn tại miền nam đất nước. Bên cạnh đó, nếu tiến hành quá cảnh khí đốt qua Kazakhstan, hệ thống đường ống trên lãnh thổ nước này sẽ trở thành tài sản quốc gia của Kazakhstan và nếu quan hệ Nga – Kazakhstan xấu đi thì việc nảy sinh các vấn đề tranh chấp giữa các bên hoàn toàn có thể xảy ra, tương tự như giữa Naftogaz và Gazprom. Ngoài ra, phía Nga cần cân nhắc kỹ khi Kazakhstan có nguồn cung khí đốt riêng.

Theo chuyên gia Sergei Pravosudov, Giám đốc Viện Năng lượng quốc gia, Mông Cổ sẽ là lựa chọn tối ưu hơn so với Kazakhstan do: thứ nhất, Mông Cổ không có nguồn cung khí đốt riêng, do đó Nga có thể mở rộng xuất khẩu khí đốt tại thị trường này. Thứ hai, Mông Cổ hiện phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, đồng thời không có mâu thuẫn lợi ích nào với Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến việc quá cảnh. Thứ ba, chính sách ngoại giao đa phương, cân bằng mới của Tổng thống Kazakhstan Tokaev, trong đó chú trọng quan hệ với Mỹ/phương Tây hơn có thể khiến ảnh hưởng của Nga tại nước này suy giảm trong tương lai.

TT Phạm

Vedomosti

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/lieu-kazakhstan-co-the-tro-thanh-diem-qua-canh-khi-dot-cua-nga-sang-trung-quoc-trong-du-an-duong-ong-van-chuyen-khi-dot-suc-manh-siberia-2-565300.html