Liệu Ecuador có đi vào 'vết xe đổ' của Hy Lạp?

Tạp chí Crisis (Ecuador) nhận định trong thời điểm này, các khoản tín dụng khác nhau đang là những tin tức kinh tế và chính trị nóng hổi tại 'đất nước Xích đạo' này.

Một phố mua sắm ở Thessaloniki, Hy Lạp. Ảnh: AFP/TTXVN

Đạo luật mới được thông qua mang tên “Trole 3” sẽ thu hút được tổng số tín dụng 1,137 tỷ USD, tuy nhiên, con số này vẫn còn thấp hơn khoản 1,344 tỷ USD mà Quito phải chi trả cho 50 chủ nợ chính.

Các tổ chức đa phương cung cấp các khoản tín dụng cụ thể như sau: Ngân hàng Phát triển liên Mỹ - 237,6 triệu USD cho các dịch vụ xã hội và 250 triệu USD để hoàn thiện công trình tàu điện ngầm tại Quito; Ngân hàng Phát triển Mỹ Latinh (CAF) - 150 triệu USD; và Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs của Mỹ với 500 triệu USD.

Ngân hàng cuối cùng này cài điều kiện buộc Ecuador, thông qua Bộ Kinh tế và Tài chính, phải nhượng cho Goldman Sachs một lượng trái phiếu trị giá 1,201 tỷ USD dưới dạng thỏa thuận mua lại như một “đảm bảo” cho khoản tín dụng. Điều khoản ràng buộc này ghi rõ rằng thỏa thuận này “sẽ không tạo lãi suất có lợi cho Goldman, không được chuyển nhượng trên thị trường quốc tế và sẽ phải được hoàn trả khi Ecuador thanh toán xong khoản tín dụng”.

Tuy nhiên, điều kiện khá “nhẹ nhàng” trong hợp đồng vay nợ chính thức vừa được công bố cũng không quên ghi thêm chi tiết rằng nó phải được tuân thủ “ngoại trừ trong trường hợp Cộng hòa Ecuador không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán”. Nói cách khác, nếu Quito không hoàn thành các kỳ hạn thanh toán, Goldman Sachs có quyền bán trái phiếu trên.

Điều này có ý nghĩa gì với Ecuador? Nếu những sự việc đang diễn ra tại Argentina có thể là tấm gương phản chiếu cho Ecuador trong tương lai gần, thì trả lời câu hỏi trên về mặt kỹ thuật và lâu dài cần phân tích lại câu chuyện nợ công của Hy Lạp mới đây. Tại Hy Lạp, sự ràng buộc giữa giới tài phiệt và các tổ chức đa phương – mà cụ thể chính là Goldman Sachs – đã nhấn chìm quốc gia Nam Âu trong một thảm họa không thể tưởng tượng nổi.

Nó có nhiều nét tương tự như quá trình mà họ đang giăng ra tại Ecuador, theo cách ngày càng ăn sâu hơn và có thể trở thành cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội chưa từng thấy kể từ “lễ hội ngân hàng” (cuộc khủng hoảng tài chính sâu rộng năm 1999 tại Ecuador, làm sụp đổ nền kinh tế nước này, dẫn tới cuộc đảo chính năm 2000 và làn sóng di dân ra nước ngoài lớn nhất trong lịch sử Ecuador) từng nhấn chìm quốc gia Nam Mỹ này, dẫn đến quá trình đồng đô la hóa toàn bộ nền kinh tế.

Tình thế của Hy Lạp vốn đã tồi tệ, hệ quả từ những hoạt động của giới tài phiệt trốn thuế và chi phối nhà nước, và sự nhập cuộc của Goldman Sachs sau đó đã “đóng nốt chiếc đinh vào cỗ quan tài” cho nền kinh tế nước này. Cơ chế được sử dụng cũng chính là một khoản tín dụng ẩn chứa món nợ còn khổng lồ hơn, khi quy đổi các khoản nợ trước đó bằng USD và đồng yen sang đồng euro nhưng với một tỷ giá ảo.

Theo cách đó, Hy Lạp bước vào được khu vực euro nhưng tình hình tài chính không cải thiện được chút nào, và hệ quả là Athens không trả được khoản tín dụng và Goldman Sachs đã phát hành nhiều tín phiếu phái sinh ra thị trường. Chỉ trong vòng 4 năm, mức nợ của Hy Lạp với ngân hàng này tăng từ 2,8 tỷ euro lên 5,1 tỷ euro.

Chỉ riêng khoản lãi ròng của Goldman Sachs từ các giao dịch trái phiếu phái sinh cũng đã lên tới 500 triệu USD. Hy Lạp trở thành một quốc gia có mức nghèo đói và bất bình đẳng cao chót vót, sức mua của người lao động gần như bằng không và thất nghiệp trở thành chuyện cơm bữa.

Đây là vết xe đổ mà rất có thể Ecuador sẽ rơi vào. Quá trình đó sẽ diễn ra thế nào? Từ việc tháo vốn: đất nước sẽ không còn thanh khoản nữa. Đây chính là hiệu ứng có thể của “Trole 3” và Quito đang tự đặt bẫy cho trạng thái một nền kinh tế vốn đã bị đồng đôla hóa của mình (Hy Lạp cũng đã euro hóa nền kinh tế). Những điều khoản trong đạo luật trên bóp nghẹt các nguồn thu của Nhà nước (buộc phải trả các khoản phạt và lãi suất, xóa bỏ quy định thu trước thuế doanh thu và xóa khoản thuế này cho nhiều thành phần, tạo điều kiện cho cơ chế kế toán kép ở các doanh nghiệp phát triển…). Theo hướng đó, Quito sẽ khó có thể hoàn thành các nghĩa vụ tài chính mà các khoản tín dụng, đặc biệt là với Goldman Sachs, tạo ra.

Hệ quả là các thỏa thuận và tín chỉ nợ nói trên sẽ được mang ra thị trường như các trái phiếu phái sinh. Do đó khoản nợ công lại càng tăng lên tới mức không thể trả nổi, buộc Chính phủ Ecuador phải ký thêm hợp đồng vay nợ để trả nợ. Nói cách khác, với đạo luật này, Quito đã tự mở rộng con đường tháo vốn khỏi nước mình.

Thêm vào đó, cũng cần phải nhắc tới các điều kiện ràng buộc khắc nghiệt khác của các khoản tín dụng này như giảm chi tiêu xã hội, cắt giảm mạnh biên chế nhà nước, phi điều tiết hóa thị trường lao động, giảm mặt bằng lương. Đó là những quan điểm mà Ủy ban Doanh nghiệp Ecuador từng đề xuất và lồng ghép vào luật.

Cần nói thêm rằng các thành phần doanh nghiệp đầu sỏ của Ecuador chủ yếu gồm giới doanh nghiệp, nói cách khác là các nhà nhập khẩu (trung bình 3/10 tập đoàn kinh tế là các đơn vị nhập khẩu). Do đó, cấu trúc kinh tế của đất nước vốn đã mang xu hướng đánh tháo vốn (cũng là đánh tháo ngoại tệ vì Ecuador không còn đồng nội tệ).

Trong điều kiện đó, luật “Trole 3” còn thúc đẩy luồng vốn chạy ra ngoài từ khía cạnh xóa bỏ thuế suất đánh vào việc luân chuyển vốn quốc tế. Với danh nghĩa tăng tính cạnh tranh, Phòng Thương mại Guayaquil (trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước) đã vận động xóa bỏ nhiều loại thuế. Điều này chắc chắn sẽ làm tăng khối lượng nhập khẩu hay đồng nghĩa với việc mang ngoại tệ ra nước ngoài.

Vòng tròn thảm họa này được hoàn thiện với việc hợp nhất Sở Doanh thu nội địa (SRI) với cơ quan hải quan, bước đi cho thấy khả năng vận động hành lang của giới tư bản đầu sỏ để “linh hoạt hóa” bộ máy hải quan và làm giảm vai trò then chốt của SRI trong việc điều tiết, hạn chế các hành vi, thủ thuật trốn thuế. Hơn nữa, những bước đi này tạo ra một cấu trúc khuyến khích nhà sản xuất chuyển hóa thành nhà nhập khẩu, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tháo vốn.

Với xu hướng này, vấn đề thanh khoản sẽ đẩy dần Ecuador vào một cuộc khủng hoảng kinh tế không thể cứu chữa. Lời khuyên của các “nhà kinh tế” đã vang lên tức thì, rằng việc phi đồng đôla hóa chính là con đường phải đi theo. Cũng cần nhớ rằng quá trình đôla hóa nền kinh tế quốc gia cũng bắt đầu từ 1995 và kết thúc năm 1998. Câu hỏi hiện giờ là liệu có còn kịp để Ecuador tránh một thảm họa kinh tế hay không?

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/lieu-ecuador-co-di-vao-vet-xe-do-cua-hy-lap-/96655.html