Liệu có thể định tội hình sự kẻ đổ trộm dầu thải và cả đơn vị cấp nước trong sự cố rúng động Hà Nội?

Theo luật sư, hành vi phát hiện nguồn nước nhiễm bẩn nguy hại nhưng không có bất cứ hành động nào để cảnh báo, ngăn chặn thì đã có dấu hiệu của tội 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng'.

Dân có quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường

Những ngày qua, hàng nghìn người dân Hà Nội vô cùng hoang mang, lo lắng khi biết mình đã phải dùng nguồn nước bẩn nhiễm dầu. Điều gây bức xúc là dù nguồn nước đầu vào thế nào thì đơn vị cung cấp là Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đà cũng không thể cung cấp đầu ra là sản phẩm không đảm bảo cho người dân. Chưa hết, đơn vị cấp nước đã biết trước việc có kẻ đổ trộm dầu thải nhưng không thông báo cho khách hàng khiến số lượng lớn dân Hà Nội đã phải sử dụng nước có mùi lạ.

Hình ảnh người dân hứng từng xô nước sạch

Hình ảnh người dân hứng từng xô nước sạch

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, nếu xác định chất lượng nước không đủ điều kiện sử dụng nhưng vẫn cấp nước thì hết sức đáng lên án và cần phải xử lý theo quy định pháp luật. Theo đó, người dân hoàn toàn có quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường những thiệt hại mà công ty này đã gây ra gồm: Thiệt hại về tài sản và sức khỏe

Về tài sản: Là những chi phí cho việc sục rửa đường ống, thay lõi lọc, tiền mua nước sạch sử dụng trong thời gian ô nhiễm; Tiền chi phí khám, chữa bệnh. Để yêu cầu bồi thường thiệt hại thì người bị hại cần thống kê những thiệt hại cụ thể về vật chất, tinh thần, về sức khỏe. Trong vụ việc nhiễm bẩn nước sinh hoạt thì người dân cần thống kê những thiệt hại như: Chi phí để sửa chữa, khắc phục sự cố, tiền thay lõi lọc, sửa chữa xúc rửa đường ống, tiền mua nước bổ sung để sinh hoạt, tiền thăm khám cứu chữa…

"Các hộ dân cần thống kê những thiệt hại thực tế của gia đình mình và yêu cầu đơn vị cung cấp nước bồi thường và điều kiện thanh toán. Trong trường hợp không thỏa thuận được với mức bồi thường và phương thức thanh toán thì mỗi hộ dân đều có quyền khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự", luật sư Cường nói.

Cùng quan điểm trên, luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn luật sư Hà Nội) cũng cho rằng, việc doanh nghiệp cung cấp nước không đảm bảo chất lượng cho khách hàng là vi phạm hợp đồng dịch vụ cấp nước. Do vậy, khách hàng có quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại do bên cung cấp dịch vụ vi phạm hợp đồng. . "Căn cứ Điều 608 (Bộ luật Dân sự 2015) quy định: Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.

Bên cạnh đó, khoản 1 (Điều 23, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) quy định: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng", luật sư Thu chia sẻ.

Dầu thải phát hiện cách Nhà máy nước mặt sông Đà khoảng 2km.

Cũng theo luật sư Thu, chất lượng nước sinh hoạt phải đảm bảo theo quy định tại Thông tư 41/2018/TT-BYT ban hành Quy chuẩn về chất lượng nước sạch sinh hoạt. Tại Điều 7 (Thông tư 41) quy định, đơn vị cấp nước phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng nước sạch do đơn vị cung cấp; Lưu trữ và quản lý hồ sơ theo dõi về chất lượng nước sạch; Báo cáo biện pháp khắc phục các sự cố liên quan đến chất lượng nước sạch; Công khai thông tin về chất lượng nước sạch.

"Nếu biết nước không đảm bảo nhưng công ty này vẫn cố tình bán nước cho người dân là một sự vô cảm, thiếu trách nhiệm, coi thường tính mạng, sức khỏe người dân", luật sư Thu bức xúc.

Khởi tố vụ án về tội "Gây ô nhiễm môi trường"

Nhìn nhận một khía cạnh khác, luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến hàng nghìn người dân nên cần phải xử lý nghiêm minh.

Đối với những cán bộ, nhân viên của Nước sạch Sông Đà, nếu biết nguồn nước không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, không đủ điều kiện sử dụng mà vẫn cấp và nguồn nước gây thiệt hại cho người dân cần phải xem xét kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 235 (Bộ luật Hình sự 2015) về tội "Gây ô nhiễm môi trường".

Ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty CP nước sạch Sông Đà cho rằng nước có mùi là do hàm lượng clo cao

Luật sư Anh nói: "Hiện cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án về tội "Gây ô nhiễm môi trường" để điều tra những tổ chức, cá nhân vi phạm. Đây là việc cần thiết để làm rõ trách nhiệm của những bên liên quan. Theo cá nhân tôi, ngoài tội danh trên, hành vi phát hiện nguồn nước nhiễm bẩn nguy hại nhưng không có bất cứ hành động nào để cảnh báo, ngăn chặn thì đã có dấu hiệu của tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" được quy định tại Điều 360 (BLHS 2015). Tuy nhiên, việc xử lý như thế nào sẽ phụ thuộc vào mức độ sai phạm, hậu quả trên cơ sở kết luận của các cơ quan chức năng".

Đối với hành vi xả thải trộm dầu thải ra môi trường, luật sư Anh khẳng định, hành vi này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, bị pháp luật nghiêm cấm. Theo đó, người có hành vi đổ trộm chất thải ra sông đầu nguồn tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý về hình sự về tội "Gây ô nhiễm môi trường" với khung hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù giam.

Bình Minh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/lieu-co-the-dinh-toi-hinh-su-ke-do-trom-dau-thai-va-ca-don-vi-cap-nuoc-trong-su-co-rung-dong-ha-noi-20191017152535388.htm