Liệu có nương nhẹ đối tượng chủ mưu?

Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) TP Hồ Chí Minh vừa có cáo trạng truy tố hàng loạt đối tượng liên quan đến vụ án buôn lậu rác thải công nghiệp núp dưới danh nghĩa nhập khẩu máy móc thiết bị từ Nhật Bản. Tuy nhiên, dư luận lo ngại sự việc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, nhất là hành vi và điều khoản áp dụng cho đối tượng chủ mưu theo các luật sư chưa thật sự hợp lý.

Mở công ty, thuê làm hồ sơ giả để nhập khẩu rác công nghiệp

Theo bản cáo trạng số 216/CT-VKS-P3 ngày 27-5-2019 của Viện KSND TP Hồ Chí Minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03), Công an TP Hồ Chí Minh đã có kết luận điều tra vụ án hình sự và đề nghị truy tố 15 bị can về tội buôn lậu.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 16-8-2017, Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện xe cẩu đang lưu thông trên đường Mã Lò, quận Bình Tân chở một chiếc máy công cụ cũ có biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra, đối tượng Nguyễn Văn Huệ mua chiếc máy trên không hóa đơn, chứng từ của Trần Quốc Vương tại kho Công ty TNHH Khánh Huy với giá 70 triệu đồng. Cùng ngày, Vương bán cho Huệ hai máy nhập khẩu khác với giá 170 triệu đồng. Cũng trong ngày, tại khu vực quận Bình Tân, một tổ công tác của công an phát hiện xe cẩu chở một máy công cụ đã qua sử dụng không hóa đơn, chứng từ. Qua xác minh, đối tượng Nguyễn Quốc Vũ mua máy công cụ trên của Trần Quốc Vương.

Cơ quan điều tra tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở, kho chứa hàng của Công ty TNHH Khánh Huy, Công ty Cổ phần XNK Trần Lê Minh, Công ty TNHH Gia Hưng và nơi ở của Trần Quốc Vương, thu giữ 336 máy công cụ đã qua sử dụng, có nguồn gốc nhập khẩu từ Nhật Bản, năm sản xuất 1970-1999. Tất cả máy nêu trên đều không đủ điều kiện nhập khẩu. Ngoài ra, trong quá trình khám xét, cơ quan điều tra còn thu giữ một số lượng lớn hóa đơn, chứng từ, tờ khai hải quan có dấu hiệu giả mạo.

Cơ quan pháp luật kết luận: Đây là vụ án buôn lậu do 15 đối tượng thực hiện. Trong đó, Trần Quốc Vương đã sử dụng pháp nhân Công ty Cổ phần XNK Trần Lê Minh lập giả hồ sơ nhập khẩu hàng hóa; thuê Vũ Văn Dũng, Nguyễn Hòa Hiếu lập giả hồ sơ nhập khẩu máy móc không đủ điều kiện. Vũ Văn Dũng đã chỉ đạo nhân viên sử dụng pháp nhân các công ty: Anh Dương, Gia Hưng, Long Bình lập giả hồ sơ nhập khẩu hàng hóa để mở tờ khai, làm thủ tục nhập khẩu một số lượng lớn máy móc, công cụ cũ thuộc danh mục cấm nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam cho Trần Quốc Vương tiêu thụ. Tổng trị giá hàng hóa Dũng lập giả hồ sơ nhập khẩu cho Vương hơn 42 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, 13 đối tượng gồm: Trần Quốc Vương, Vũ Văn Dũng, Phạm Đình Huân, Dương Minh Trường, Nguyễn Mộng Hùng, Nguyễn Đức Phúc, Nguyễn Hoài Tâm, Bùi Hoài Nam, Đỗ Niệm Hoài, Trương Chí Thanh, Tô Duy Phương, Trần Ngọc Điền, Võ Phương Thanh bị truy tố về tội buôn lậu theo Khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Hai đối tượng còn lại bị truy tố theo Khoản 3 của điều này.

 Tang vật vụ án bị thu giữ. Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp.

Tang vật vụ án bị thu giữ. Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp.

Nhiều giám đốc công ty giám định tiếp tay cho buôn lậu

Quá trình điều tra mở rộng, cơ quan điều tra xác định các đơn vị giám định hàng hóa gồm: Công ty TNHH Giám định Đại Việt (Davicontrol), Công ty CP Giám định và Khử trùng Vietnamcontrol (Vietnamcontrol), Công ty CP Giám định Bảo Tín, Công ty CP Giám định Eurocontrol (Eurocontrol), Công ty CP giám định ICC tiếp tay cho buôn lậu.

Cụ thể, Công ty Davicontrol do ông Bùi Lê Cương là Tổng giám đốc và Bùi Hoài Nam (con ruột Bùi Lê Cương-Trường phòng giám định) đã cấp trái pháp luật 19 chứng thư giám định cho Công ty Gia Hưng và Ánh Dương của Vũ Văn Dũng và 22 chứng thư cấp cho Công ty Minh Kỳ. Tổng giá trị các lô hàng khoảng hơn 10 tỷ đồng. Công ty Vietnamcontrol do Nguyễn Đức Phúc làm Chủ tịch HĐQT, Cao Nguyễn Triều Duy là Tổng giám đốc đã cấp khống 83 chứng thư giám định khống để Vũ Văn Dũng hoàn tất thủ tục thông quan, thanh toán khoảng 25,7 tỷ đồng. Công ty Eurocontrol do Nguyễn Hoài Tâm làm Tổng giám đốc đã cấp khống 30 chứng thư, số tiền thanh toán lên tới hơn 46 tỷ đồng. Công ty CP Giám định Bảo Tín do Đỗ Niệm Hoài là giám đốc đã ký khống, cấp chứng thư giám định giá trị thanh toán hơn 10 tỷ đồng.

Liệu có bỏ lọt tội phạm, nương nhẹ kẻ chủ mưu?

Vụ án hé lộ nhiều thủ đoạn lách luật để nhập khẩu rác thải công nghiệp và đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan quản lý, như: Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Hải quan. Đặc biệt, tại vụ án này, nhiều vấn đề liên quan tới trách nhiệm của các công ty giám định chưa được làm rõ. Ví dụ, tại Công ty CP Giám định Bảo Tín, giám đốc Đỗ Niệm Hoài lấy lý do đã làm thất lạc, không lưu trữ toàn bộ hồ sơ nhân viên nên không xác định được nhân thân, lai lịch của các cá nhân vi phạm?

Trong số 336 máy công cụ bị tạm giữ có tới 246 máy không thể xác định được cụ thể ở tờ khai Hải quan nào và một số khác do Vương khai mua trôi nổi trong nước để bán lại kiếm lời nhưng được định giá chỉ hơn 1,3 tỷ đồng và một số chỉ 80 triệu đồng.

Đối với Công ty CP Giám định ICC, bà Trương Quế Phương, Giám đốc đã ủy quyền phụ trách giám định cho Đặng Nguyên Thông, Phó giám đốc, ký cấp khống 5 chứng thư giám định nhưng sau đó Thông đã nghỉ việc và bà Phương lấy lý do làm thất lạc toàn bộ hồ sơ của Thông nên không xử lý được sự việc thì có hợp lý?

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật Thiên Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), vụ án liên quan số hàng hóa buôn lậu hàng chục tỷ đồng nhưng có tới 13 đối tượng bị truy tố theo Khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015 (vật phạm pháp trị giá 1 tỷ đồng trở lên); chỉ có hai đối tượng bị truy tố theo Khoản 3 Điều 188 (vật phạm pháp trị giá 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng). Mặt khác, theo Điều 188 Bộ luật Hình sự thì việc xác định khung hình phạt không chỉ căn cứ vào số tiền thu lợi bất chính mà còn căn cứ cả vào vật phẩm phạm pháp. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi nên chăng cần điều tra, làm rõ hơn về số vật phẩm phạm pháp liên quan đến từng bị cáo, nhất là làm rõ hơn hành vi của đối tượng chủ mưu Vũ Văn Dũng. Bộ luật Hình sự 2015 còn quy định phải xử lý cả với pháp nhân phạm tội buôn lậu nhưng vụ án này liên quan đến rất nhiều công ty song chưa thấy truy tố các pháp nhân vi phạm.

Theo các chuyên gia pháp luật, hành vi của các đối tượng là có tổ chức, với tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức để thực hiện nhằm thu lợi bất chính. Đặc biệt, đối tượng Vũ Văn Dũng với vai trò cầm đầu, chỉ đạo nhân viên sử dụng pháp nhân của 3 công ty lập giả hồ sơ nhập khẩu hàng hóa. Trước đó, Vũ Văn Dũng từng bị truy tố về tội buôn lậu nhưng tại bản cáo trạng hiện nay lại xác định truy tố Vũ Văn Dũng tương đương 12 đối tượng khác thì có hay không sự nương nhẹ, bỏ sót hành vi phạm pháp?

KHÁNH TRÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/lieu-co-nuong-nhe-doi-tuong-chu-muu-580893