Liệu cây ăn quả có bội thực?: 'Cấp phép' xẻ rừng trồng cây có múi

Trong cơn 'khát' đất trồng cam, mấy năm nay tỉnh Hòa Bình đã 'bật đèn xanh' cho doanh nghiệp 'cạo trọc' rừng để trồng cây ăn quả. Rừng mất, thảm thực vật bị hủy diệt...

Mấy năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu (XK) trái cây tăng trưởng ngoạn mục, với 2 con số/năm. Năm ngoái lần đầu tiên, XK trái cây "vượt mặt" XK dầu thô. Đó là những thông tin làm nức lòng nhiều người, kích thích người dân ào ạt lao vào trồng cây ăn quả.

Tuy nhiên, để ngành cây ăn trái phát triển bền vững, đúng hướng, tránh mất cân đối, thậm chí dư thừa (đã từng xảy ra với thanh long, dưa hấu...), cần giải quyết tốt bài toán quy hoạch vùng trồng, chất lượng cây giống, năng lực chế biến, thị trường tiêu thụ... một cách rốt ráo, căn bản ngay từ bây giờ, nếu không sẽ là quá muộn!

Trong cơn “khát” đất trồng cam, mấy năm nay tỉnh Hòa Bình đã “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp “cạo trọc” rừng để trồng cây ăn quả. Rừng mất, thảm thực vật bị hủy diệt. Người dân đã bắt đầu phải hứng chịu thảm họa thiên tai. Còn chính người trồng cam cũng đang đối mặt với dịch bệnh trên cây cam lan rộng, giá cam tụt dốc.

Lời kêu cứu của nhân dân Quy Hậu

Đồi cam rộng bạt ngàn lên tới vài chục héc ta của Cty TNHH Lâm Quế nằm hun hút giữa rừng. Tiếng gầu máy xúc inh tai. Tiếng xủng xoảng của sắt thép va đập phát ra từ công trường xây dựng xé nát cả không gian yên tĩnh.

Dự án trồng và phát triển rừng của Công ty Lâm Quế “biến thành” dự án gây tác hại xấu đến môi trường

Dọc cung đường dẫn vào khu vực trồng cam, xác cây cối chết khô vẫn nằm đó. Những thảm cây bụi, cỏ xanh bị nhổ gốc, trốc rễ, trơ ra những thớ đất màu xám ngoét. Hàng chục công nhân đang hì hụi đắp những bức ta luy bằng bao tải đất tại những cung sạt lở nghiêm trọng để tạo mặt bằng trồng cam. Những quả đồi trọc lông lốc nằm phơi mình giữa nắng gió khiến ai nấy xót xa.

Khu đất mà Cty Lâm Quế đang khai phá để trồng cam thuộc vùng chồng lấn giữa 3 xã Quy Hậu, Mỹ Hòa (huyện Tân Lạc) và Tây Phong (huyện Cao Phong) vốn là rừng đầu nguồn, có vai trò cốt tử trong việc cân bằng sinh thái, phòng chống thiên tai và cung cấp nguồn nước cho vùng hạ du dọc theo những nhánh suối. Năm 2008, nhiều người dân xã Quy Hậu sửng sốt khi UBND tỉnh quyết định thu hồi của dân 280 ha giao cho công ty này (trong đó có 170 ha thuộc về xã Tây Phong) thực hiện dự án mang tên: trồng và phát triển rừng (mục đích để làm giàu rừng: 151 ha, trồng chăm sóc bảo vệ rừng 124ha, xây dựng hạ tầng thiết yếu là 4,8ha).

Nhưng trớ trêu thay! Theo Hạt Kiểm lâm huyện Tân Lạc, sau khi được cho thuê đất, doanh nghiệp không có biện pháp tác động trồng và chăm sóc rừng trên địa bàn được giao. Năm 2015, khi được tỉnh “bật đèn xanh” cho phép trồng cây ăn quả trên đất rừng này, Cty Lâm Quế điều những cỗ máy khổng lồ đến cạo trắng lớp thực bì của rừng tự nhiên để trồng cam. Thậm chí, để trữ nước trên đồi, họ còn ngang nhiên múc đất tạo thành hồ chứa, chặn ngang dòng chảy của suối, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt và nước sản xuất của nhiều xóm Khang 1, Khang 2, Khang 3, xóm Dom, xóm Cộng (xã Quy Hậu).

Trước cảnh tượng chướng tai, gai mắt, hàng trăm người dân bản địa tỏ ra phẫn nộ. Đám đông nhiều lần rầm rập kéo lên công trường đang thi công để ngăn cản. Mâu thuẫn dai dẳng đã tạo nên sự u uất trong dân.

Cây cam làm rừng “tứa máu”

Phó Chủ tịch UBND xã Quy Hậu, ông Bùi Văn Thiệm phân trần, không chỉ Lâm Quế, một đơn vị nữa là Công ty Quang Hà cũng đang khai thác rừng khu vực đầu nguồn trồng cam và một số cây trồng khác tại xã Mỹ Hòa. Bà con bức xúc vì trồng cam, trồng bưởi nên doanh nghiệp phun thuốc trừ sâu nhiều, ảnh hưởng đến môi trường và nước sinh hoạt.

Minh chứng năm 2017, trên khu vực đầu nguồn của Công ty Lâm Quế san ủi, đắp đập chứa nước bị vỡ, đất đá từ khu vực đập vỡ tràn theo suối vùi lấp khoảng 2.700m2 ruộng lúa; công trình dẫn nước sinh hoạt cho khu vực xóm Dom, xóm Khang do chương trình 135 hỗ trợ cũng bị gẫy hỏng. Kể cả các cụ già 70 - 80 tuổi đi lên rừng đầu nguồn ngày xưa nhìn thấy cũng xót xa, vì họ đã giữ rừng từ lâu rồi mà tỉnh và doanh nghiệp lại chuyển mục đích trồng cây ăn quả. “Tất cả bà con nhân dân và UBND xã Quy Hậu cùng đề nghị làm sao để giữ được rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Vì bây giờ đã nhìn thấy tác hại của mưa lũ, tác hại của môi trường và nguồn nước sinh hoạt. Chúng tôi đã phản ánh tại tất cả các kỳ họp HĐND, các buổi tiếp xúc cử tri tới đại biểu HĐND cấp huyện và tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội”, ông Thiệm nói.

Vì đâu những dự án mĩ miều mang tên “trồng và phát triển rừng” lại bị vấy bẩn bởi những hành vi hủy hoại môi trường? Có lẽ vấn đề nằm ở lợi nhuận khổng lồ mà cây cam đem lại. Bởi ở thời điểm đó, giá cam tăng cao ngất ngưởng, hàng loạt tỷ phú cam đã ra đời trong bối cảnh đó.

Diện tích trồng cam tăng phi mã những năm qua tại Hòa Bình

Để bảo vệ môi trường sống, họ quyết định xử “luật rừng” bằng cách đốt phá phương tiện trên công trường “xẻ núi trồng cam”. Kiểm đếm của UBND huyện Tân Lạc ngày 11/5/2016 cho thấy, đã có 2 xe mô tô bị cháy rụi, 1 xe mô tô hư hỏng; 1 máy xúc bị đốt và đập phá ca-bin, thậm chí đã có công nhân của Công ty Lâm Quế phải nhập viện.

Ở Cao Phong, Tân Lạc, Kim Bôi,… làn sóng trồng cây có múi nổi như cồn. Khi đất nông lâm trường đã phủ kín cây có múi, các giống bưởi, cam, quýt bắt đầu hành trình xâm chiếm đất ruộng, đất đồi, đất rừng. Chính quyền coi đó là thành tích, nhưng những hệ lụy từ phát triển nóng cây cam đang hiện ra ngày càng rõ.

Thi nhau chuyển đổi chui

Theo Luật Đất đai, đất trồng rừng được phép chuyển đổi sang trồng cây nông nghiệp khác. Hộ dân muốn chuyển đổi phải có đơn và được cấp có thẩm quyền xác nhận. Tuy nhiên, Ông Lê Xuân Hà, Trưởng phòng TN-MT huyện Cao Phong xác nhận: “Tình trạng san ủi, cải tạo chui đất rừng sản xuất sang trồng cây ăn quả là có. Các xã đã ra quyết định xử phạt hành chính, ví dụ như các xã Bắc Phong, Tây Phong…”. Tuy nhiên, có một điều kỳ lạ, theo thống kê của huyện Cao Phong thì “diện tích rừng sản xuất không bị mất đi”. Và, con số cụ thể về đất rừng đã bị chuyển đổi để trồng cây ăn quả là bao nhiêu, Phòng TN-MT không nắm được, bởi chưa ai thống kê. Điều đó cho thấy, chính quyền địa phương đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý đất rừng.

Theo số liệu được công bố trên báo Hòa Bình, tính đến tháng 5/2015, diện tích đất lâm nghiệp chuyển sang trồng cây khác vào khoảng 600 ha, tập trung nhiều ở các xã Bắc Phong, Xuân Phong, Tây Phong, Thu Phong, Yên Lập. Riêng xã Tây Phong, trong số trên 100 ha cây ăn quả có múi (cam, chanh, bưởi) thì có hơn 25ha trồng trên đất rừng.

Tại huyện Tân Lạc, ở 17/24 xã, thị trấn vừa có kết quả rà soát, thống kê, diện tích đất trồng rừng sau khai thác chuyển sang trồng cây có múi là 390 ha, chủ yếu ở các xã Quy Hậu, Đông Lai, Thanh Hối. Xóm Bậy, xã Quy Hậu là một trong những địa bàn chuyển đổi sôi động nhất. Tuy nhiên, hầu hết diện tích đất lâm nghiệp ở đây đã được bán, nhượng lại cho các nhà đầu tư bên ngoài trước khi chuyển sang trồng cây có múi với giá 150 - 200 triệu đồng/ha. Phương thức mua - bán thường là giao dịch “ngầm”, viết giấy biên nhận trao tay, không qua xác nhận của UBND xã có thẩm quyền. Điều này nảy sinh những bất cập trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp và nhiều vấn đề quan ngại khác.

Năm 2017, “thảm họa” khủng khiếp do mưa lũ lịch sử đã khiến 34 người chết và mất tích. Những dòng thác lũ từ đầu nguồn đổ xuống hạ du đã gây ngập úng, sạt lở đất, tàn phá gây thiệt hại hơn 1.600 tỷ đồng, ngành nông nghiệp hứng chịu mất mát khủng khiếp nhất. Với phong trào bạt rừng, san đồi trồng cây ăn quả như hiện nay, chẳng biết tương lai, địa phương này sẽ còn phải hứng chịu những thảm họa nào khác.

Thậm chí xét về hiệu quả kinh tế, hậu quả nhãn tiền ai cũng thấy rõ, đó là lợi nhuận của người trồng cam ngày càng giảm đi, khi sản lượng cam tại các tỉnh phía Bắc tăng phi mã những năm qua.

Vô số vụ phá rừng, trồng cam

+ Ở huyện Tân Lạc, năm 2016 trên địa bàn xã Mỹ Hòa có doanh nghiệp tư nhân xây dựng Quang Hà kết hợp với HTX Hà Phong (địa chỉ tại huyện Cao Phong) và ông Bùi Ngọc Đàn (xóm Chuông, xã Mỹ Hòa) tổ chức trồng cây ăn quả (chủ yếu là cam) trên đất rừng với quy mô lớn. Trong quá trình trồng cây, công ty này đã mở đường làm thiệt hại rừng phòng hộ, bị Hạt Kiểm lâm huyện Tân Lạc xử phạt hơn 5 triệu đồng.

+ Tháng 7/2017, ông Dương Văn Cường (xóm Môn, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong) đã san ủi, xâm hại rừng hồng hộ thuộc xã Mỹ Hòa để đắp đập ngăn nước tưới cây ăn quả. Nhân dân xã Quy Hậu kéo lên đốt lán trại và yêu cầu ông Cường phá dỡ đập. Sau đó, ông Cường đã bị xử phạt 15 triệu đồng vì hành vi phá rừng trái phép.

NHÓM PVTS

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/lieu-cay-an-qua-co-boi-thuc-cap-phep-xe-rung-trong-cay-co-mui-post217921.html