Liệu bạn có 'chống trượt' cả đời?

Vừa qua, vụ việc nhiều sinh viên Trường Đại học (ĐH) Công nghiệp Hà Nội được phép đóng khoảng 1,9 triệu đồng để 'chống trượt' môn tiếng Anh, đảm bảo đủ hồ sơ đẹp tốt nghiệp đại học bị vỡ lở (qua những clip quay lén cảnh giáo vụ và sinh viên trao đổi chuyện 'bảo kê' điểm tiếng Anh) khiến dư luận xôn xao.

Qua xác minh các nội dung phản ánh, các tài liệu chứng cứ, giải trình của tập thể, cá nhân có liên quan, Thanh tra Bộ Công thương kết luận về một số điểm sai phạm như: Tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên không chuyên ngoại ngữ trong khi đề án, chương trình học bổ sung kiến thức chưa được hiệu trưởng phê duyệt; Trưởng khoa Ngoại ngữ tự quyết định thành lập lớp, sử dụng danh nghĩa và cơ sở vật chất của nhà trường, đưa ra mức thu không có cơ sở, thu tiền của sinh viên không có phiếu thu, khoản tiền đã thu được quản lý tại Khoa Ngoại ngữ chưa nộp về nhà trường theo quy định và tự quyết định một số chi phí... Hiện Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng tiến hành thanh tra Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội về công tác tổ chức học và thi chứng chỉ tiếng Anh chuẩn đầu ra trình độ ĐH.

Với 1,9 triệu đồng, sinh viên có thể yên tâm có một bảng điểm đẹp với môn tiếng Anh đạt trình độ cử nhân ra trường để đi xin việc. Khi mà giáo dục ĐH đã có những bước tiến đáng kể, nhiều trường ĐH trong cả nước có nhiều hệ dạy sinh viên 100% bằng tiếng Anh, nhiều chương trình liên kết với nước ngoài được triển khai rầm rộ, thì ở đâu đó, đa số sinh viên vẫn được học tiếng Anh theo kiểu đối phó, “chống trượt”. Báo chí gần đây đề cập nhiều về sự ảnh hưởng của công nghiệp 4.0 đến toàn bộ đời sống của chúng ta trên phạm vi toàn cầu. Ở đây, xin đừng nói đến những ứng dụng to tát vào nền giáo dục, vào dạy và học tiếng Anh, mà chúng ta chỉ cần học tiếng Anh, dạy tiếng Anh cho sinh viên với trình độ “A, B, C” đúng nghĩa, hãy dạy chuẩn ở mức “một chấm không, hai chấm không” thôi đã, thế là tốt rồi. Còn hơn chúng ta thu tiền và cho sinh viên thi “bất khả trượt”.

Bởi vì, khi các cử nhân ra trường, đi xin việc, thì bất cứ việc gì nếu có môi trường tiếp xúc với người nước ngoài, là cái bằng có “chống trượt” tiếng Anh sẽ bị lộ trình độ thật ra hết. Tôi đã chứng kiến nhiều em sinh viên tốt nghiệp ĐH làm thu ngân ở siêu thị lớn, cứ phải giơ tay chỉ vào máy rồi làm động tác giơ thẻ ngân hàng ra để giải thích với khách Hàn Quốc về thanh toán thẻ. Tôi đã chứng kiến nhiều sinh viên có bằng nọ bằng kia, làm đến chức khá to ở một tập đoàn mà ra sân bay, gặp người nước ngoài nói vài câu xã giao cũng lúng túng như “gà mắc tóc”, rồi dẫn đến mất tự tin chứ chưa nói đến chuyện đi hội thảo quốc tế nhìn thấy người nước ngoài là né, vì ngại “lòi đuôi” ra là không biết giao tiếp tiếng Anh.

Với các bạn sinh viên đã và đang nộp tiền “chống trượt” tiếng Anh, có thể vì lý do nào đó, bận rộn học hành nhiều môn, đi làm thêm… nên trong 4 năm ở trường đại học, các bạn đã không học đạt trình độ 5 điểm tiếng Anh “đầu ra”. Tôi và một số người thông cảm điều đó, vì nhiều lẽ. Nhưng, chính các bạn đừng nên “thông cảm” cho mình. Hãy bổ sung những chỗ còn thiếu trong môn tiếng Anh ngay lập tức. Không bao giờ muộn. Chỉ 6 tháng lúc chờ xin việc mà học nghiêm túc, có thể chỉ cần học qua mạng, YouTube với vài trăm ngàn đồng và 1 chiếc điện thoại có 3G, 4G, bạn hoàn toàn có thể tự tin giao tiếp tiếng Anh khi đi xin việc. Hoặc hay như thời xưa của chúng tôi, cứ học thuộc lòng 10 câu, 20 câu, rồi 100 câu tiếng Anh giao tiếp phổ thông, sẽ vẫn hơn nhiều so với việc bạn cầm tấm bằng “chống trượt” mà không “bật” ra được vài câu tiếng Anh giao tiếp cơ bản.

Chúng ta đừng nói đến những chuyện lớn lao về thời đại 4.0, khi mà môn tiếng Anh trong một số trường ĐH vẫn còn cảnh mua điểm, “chống trượt” ngang nhiên như thế.

HẢI THANH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lieu-ban-co-chong-truot-ca-doi-568559.html