Liệu AI có thể qua mặt họa sĩ?

Những bức tranh sử dụng Midjourney, công cụ AI vẽ tranh theo mô tả của con người đang gây nên cuộc tranh cãi trong cộng đồng yêu nghệ thuật.

Công nghệ đang len lỏi ngày một sâu vào đời sống thường ngày - Ảnh: Internet

Công nghệ đang len lỏi ngày một sâu vào đời sống thường ngày - Ảnh: Internet

Jason M. Allen, nhà thiết kế trò chơi ở Pueblo West (Mỹ) từng khá lo lắng khi tham gia cuộc thi nghệ thuật đầu tiên. Bức tranh đoạt giải nhất của anh đang gây nhiều tranh cãi về việc liệu nghệ thuật có thể được tạo ra bằng máy tính hay không.

Vào tháng 8, Allen đã giành giải nhất hạng mục "Nghệ thuật kỹ thuật số" tại Cuộc thi mỹ thuật Hội chợ bang Colorado. Bức tranh đoạt giải của anh, có tựa đề Không gian nhà hát thính phòng, được thực hiện bằng phần mềm Midjourney. Anh đã nhận được giải thưởng trị giá 300 USD cho tác phẩm này.

Có 11 người đã tham gia cuộc thi với 18 tác phẩm nghệ thuật cùng thể loại. Hạng mục mà Allen tham gia tranh giải có tiêu chí chấp nhận các tác phẩm sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong quá trình sáng tạo. Allen gửi dự thi 3 tác phẩm và bức tranh đoạt giải của anh mang vẻ giao thoa giữa nghệ thuật thời Phục hưng và phong cách siêu thực. Tác phẩm được khen ngợi bởi kỹ thuật hoàn thiện điêu luyện ở trình độ rất cao.

"Tôi bị cuốn hút bởi nó và tôi nghĩ mọi người nên xem nó", Allen nói.

Tác phẩm Không gian nhà hát thính phòng của Jason M. Allen - Ảnh: Internet

Midjourney là phần mềm vẽ ảnh dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), được phát triển bởi một nhóm kỹ sư do David Holz dẫn đầu. Người dùng chỉ cần nhập mô tả bức ảnh cần tạo để phần mềm trả kết quả trong vài chục giây.

Thay vì phát hành trên kho ứng dụng, Midjourney sử dụng nền tảng Discord để tương tác. Phần mềm đang được thử nghiệm với 25 lần sử dụng miễn phí. Nếu muốn tạo nhiều ảnh hơn, người dùng cần trả 10 USD/tháng để có 200 lần tạo ảnh, hoặc 30 USD/tháng để sử dụng không giới hạn. Cũng có những ứng dụng khác tương tự như Imagen của Google và DALL-E 2 của công ty công nghệ OpenAI.

DALL-E 2 có khả năng tạo ra hình ảnh thực tế và tranh ảnh nghệ thuật tới từ những mô tả văn bản của người dùng. Phiên bản này đã có sự nâng cấp so với phiên bản DALL-E ban đầu khi các hình ảnh cho ra sắc nét và có chất lượng cao hơn.

Nhiều người dùng khi trải nghiệm DALL-E 2 và Midjourney đã nhận xét rằng các tác phẩm của DALL-E 2 nhìn thực tế trong khi Midjourney lại thiên về phong cách tranh vẽ hơn. Song bất kỳ ai cũng có thể sử dụng Midjourney, trong khi DALL-E 2 yêu cầu người dùng phải được mời, còn Imagen chưa được mở cho người dùng bên ngoài Google.

Sự mới lạ và cách sử dụng các ứng dụng tạo hình ảnh đã dẫn đến các cuộc tranh luận về việc liệu chúng có thể thực sự làm nghệ thuật hay hỗ trợ con người làm nghệ thuật hay không.

"Tôi đã giành giải nhất", Jason Allen, với nickname Sincarnate, khoe trên nhóm Discord của cộng đồng Midjourney. Chiến thắng của anh đã lan truyền trên mạng xã hội, tuy nhiên nhiều nghệ sĩ tức giận trước chiến thắng này do Allen đã sử dụng AI để tạo ra tác phẩm.

Một người dùng Twitter viết: "Điều này thật tệ hại! Đó là lý do tại sao chúng ta không cho robot tham gia Thế vận hội".

Nghệ sĩ Camille Lenglois từ Trung tâm Pompidou, trung tâm văn hóa và bảo tàng nghệ thuật đương đại lớn nhất châu Âu, cũng cho rằng AI không thể có khả năng sáng tạo và việc sản xuất hình ảnh bằng máy móc không giúp tạo nên một nghệ sĩ.

Mặc dù vậy, Allen vẫn kiên quyết bảo vệ thành quả của mình. "Tôi muốn đưa ra thông điệp bằng cách sử dụng tác phẩm nghệ thuật với trí tuệ nhân tạo. Đơn giản là tôi đã giành giải nhất và sẽ không xin lỗi vì chẳng phạm quy gì cả", Allen trả lời New York Times.

Jason M. Allen - Ảnh: Internet

Các công cụ như Midjourney vốn vẽ tranh dựa trên các câu mô tả được người dùng nhập vào. Allen nói anh đã phải tìm ra ý tưởng đặc biệt cho bức tranh của mình, sau đó chọn lọc giữa hàng trăm hình do AI đề xuất để tìm ra những bức tốt nhất. Những bức tranh này được Allen sử dụng công cụ Gigapixel để phóng to, kết hợp Photoshop để trau chuốt lại. Anh cho biết đã mất hơn 80 giờ để có được ba bức tranh cho cuộc thi.

Allen nói: "Thay vì ghét bỏ công nghệ hoặc những người đứng sau nó, chúng ta cần nhận ra rằng đó là một công cụ mạnh mẽ và cần sử dụng nó cho mục đích tốt để tất cả chúng ta có thể tiến lên thay vì đả kích nó".

Theo Allen, những người chỉ trích anh đang đánh giá tác phẩm theo cách thức tạo ra chúng thay vì yếu tố nghệ thuật. Anh cũng cho rằng thế giới cuối cùng vẫn sẽ phải công nhận nghệ thuật do AI tạo ra và cần xếp một thể loại riêng cho chúng.

Ông Cal Duran, một nghệ sĩ, giáo viên nghệ thuật, giám khảo của cuộc thi, nói rằng khi chấm thi, ông đã không nhận ra rằng tác phẩm của Allen là do AI tạo ra. Tuy nhiên, ông vẫn giữ quyết định của mình khi trao giải nhất trong hạng mục, bởi ông cho đó là một tác phẩm đẹp.

Ông nói: "Tôi nghĩ rằng công nghệ AI có thể mang lại nhiều cơ hội hơn cho những người có thể không thấy mình là nghệ sĩ theo cách thông thường".

Đây không phải lần đầu tiên giới họa sĩ bất bình với những tác phẩm được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo. Hồi đầu tháng 8, tạp chí The Atlantic từng hứng chỉ trích vì một biên tập viên đã sử dụng Midjourney để vẽ minh họa nhân vật cho bài viết, thay vì mua ảnh hay thuê người vẽ. Giới họa sĩ cho rằng quyết định đó có thể dẫn đến một tương lai là các nhà xuất bản không cần người vẽ tranh minh họa, hoặc có thể cắt giảm ngân sách cho vấn đề nghệ thuật.

Ngoài ra, nhiều họa sĩ còn cho rằng việc AI vẽ tranh theo yêu cầu là cách tận dụng thành tựu cả đời của họ để làm giàu cho giới công nghệ.

Đan Thùy

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/lieu-ai-co-the-qua-mat-hoa-si-186928.html