Liệt sĩ trở về sau 39 năm... 'hi sinh ở chiến trường Campuchia'

Một 'liệt sĩ' ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh trở về sau 39 năm... 'hi sinh ở chiến trường Campuchia'.

"Liệt sĩ" Bình (ngồi giữa mặc áo bộ đội) trở về sau 39 năm "hi sinh" ở Campuchia

"Liệt sĩ" Bình (ngồi giữa mặc áo bộ đội) trở về sau 39 năm "hi sinh" ở Campuchia

Vỡ òa niềm vui ngày trở về quê hương

Sáng ngày 8/11, rất đông người dân địa phương đã kéo đến nhà anh Phạm Trung Hiếu (53 tuổi, trú ở thôn Mỹ Thuận, xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) để chia vui cùng gia đình khi người thân là ông Phạm Văn Bình (SN 1954 và là chú ruột của anh Hiếu) trở về sau 39 năm được công nhận là liệt sĩ.

Sau hàng chục năm sống trên đất nước Campuchia, ông Bình vẫn nghe và nói sành sỏi tiếng mẹ đẻ. Trong căn nhà nhỏ rộn tiếng cười, ông Bình kể bằng giọng đặc sệt Nghệ Tĩnh: năm 1977, ông lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 (đóng tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Sau đó, đơn vị được chuyển vào đóng tại khu vực biên giới thuộc huyện Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Trong giấy báo tử năm 1993 cho biết, ông Bình hi sinh ngày 21/2/1979 ở chiến trường Campuchia (Ảnh Báo Hà Tĩnh)

Cuối tháng 12/1977, ông sang Campuchia thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại đơn vị thông tin thuộc Đoàn 8, Quân Khu 9, đóng tại tỉnh Kampong Thom. “Đầu năm 1979, khi đang trên đường đưa thông tin liên lạc, tôi bị quân Pol Pot phục kích bắn bị thương. Sau đó, may mắn tôi được dân bản ở huyện Baray (tỉnh Kampong Thom) đi rừng cứu sống. Kể từ đó, tôi mất toàn bộ giấy tờ tùy thân, hoàn toàn mất liên lạc với đồng đội và đơn vị”, ông Bình nhớ lại.

Lưu lạc nơi xứ người, ông Bình làm nhiều việc nặng nhọc để mưu sinh và tìm cơ hội trở về quê hương nhưng do vết thương thời chiến khiến sức khỏe giảm sút và không còn giấy tờ nên bế tắc. Đến năm 2004, ông lập gia đình với 1 người phụ nữ Camphuchia và có với nhau 1 người con gái 10 tuổi.

“Hiện tại, vợ và con gái vẫn đang ở Campuchia. Mong ước lớn nhất của tôi là Nhà nước tạo điều kiện khôi phục lại giấy tờ tùy thân để sớm đưa vợ con về quê hương”, ông Bình nói.

Vợ và con gái 10 tuổi của ông Bình ở Campuchia

Tìm được chú ruột thông qua Facebook

Chị Phạm Thị Lợi (36 tuổi, cháu ruột ông Bình) cho biết, ông Bình là em trai ruột của bố chị này nay đã mất. Khi còn sống bố chị cũng thường xuyên nhờ người tìm kiếm tung tích hoặc mộ phần nhưng không được nên gia đình chỉ lập bàn thờ vong để lo hương khói.

Đến giữa tháng 10/2018, có người đàn ông tên Nguyễn Nhật Dũng, ở xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh đăng lên trang Facebook cá nhân để tìm kiếm người thân cho chú tôi đang làm công nhân cao su ở Campuchia. Anh này đăng ảnh của chú và số điện thoại để liên lạc.

“Trao đổi xác minh qua điện thoại thì mọi thông tin đều trùng khớp với chú tôi. Hay tin chú còn sống, anh em, họ hàng ai nấy đều vô cùng vui mừng và tức tốc chuẩn bị mọi thứ để sang campuchia”, chị Lợi kể.

Hồ sơ chi trả tiền trợ cấp thờ cúng liệt sĩ Phạm Văn Bình cho cháu ruột Phạm Văn Hiếu

Chị Lợi cho biết thêm, khoảng 1 tuần trước, sau khi làm xong thủ tục, chị cùng anh trai là Phạm Trung Hiếu lên đường sang Campuchia để đón người chú về nhà. Ban đầu, chú không chịu ra gặp, nhưng sau đó được anh Dũng động viện, cuối cùng chú cũng ra gặp con cháu.

Ông Nguyễn Anh Ngọc, Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn cho hay, nửa tháng trước, sau khi người thân của ông Bình trình báo ông còn sống và lưu lạc tại Campuchia, chính quyền địa phương đã báo cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh và UBND huyện để làm giấy tờ tùy thân cho ông Bình.

Theo giấy báo tử, vào tháng 9.1977, ông Bình nhập ngũ vào đơn vị Đoàn 8, Quân khu 9, tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Cha là Phạm Thắng và mẹ là Hoàng Thị Cáy. Hi sinh ngày 21 tháng 2 năm 1979, tại chiến trường Campuchia, trong trường hợp chiến đấu mất tin.

Trong khi đó, theo ông Bình, gia đình ông có 2 anh em trai, ông là con út. Hiện bố mẹ và anh trai ông Bình đã mất.

Sỹ Hòa

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/liet-si-tro-ve-sau-39-nam-hi-sinh-o-chien-truong-campuchia-d278210.html