Liệt sĩ Lê Đình Chinh qua ký ức người mẹ

Tên anh-Lê Đình Chinh-đã trở thành biểu tượng anh hùng cho một thế hệ thanh niên Việt Nam chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Chiều 15-2, lãnh đạo Tỉnh đoàn Thanh Hóa và nhiều đoàn viên, thanh niên địa phương đã thắp hương tưởng nhớ anh hùng, liệt sĩ Lê Đình Chinh, người chiến sĩ hy sinh đầu tiên trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Từng là học sinh giỏi toàn diện của trường

“Nước mắt mẹ không còn, vì suốt 40 năm đã qua không ngày nào là mẹ không nhớ đến Chinh. Bây giờ mắt đã mờ, chân đã yếu, cũng không còn minh mẫn như ngày trước nữa nhưng với mẹ những ký ức về Chinh vẫn còn nguyên vẹn”, bà Khương Thị Chu bắt đầu câu chuyện trước khi kể về con trai mình Lê Đình Chinh-người lính đầu tiên hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2-1979.

“Chinh sinh năm 1960, khi đó hai vợ chồng đang làm việc tại Nông trường Ba Vì, sau đó mấy năm hai vợ chồng chuyển vào công tác ở Nông trường sông Âm, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Ngày đó cuộc sống khó khăn, vất vả lắm nên từ nhỏ Chinh đã phải tự lập, hơn nữa Chinh là anh cả trong gia đình.

Bà Khương Thị Chu hồi tưởng về những năm tháng sống cùng con cho đến khi anh Lê Đình Chinh lên đường nhập ngũ. Ảnh: Đ. TRUNG

Bà Khương Thị Chu hồi tưởng về những năm tháng sống cùng con cho đến khi anh Lê Đình Chinh lên đường nhập ngũ. Ảnh: Đ. TRUNG

Dù phải chăm sóc thêm cả các em nhưng Chinh vẫn luôn là học sinh giỏi toàn diện của Trường cấp hai xã Nguyệt Ấn. Nhưng rồi, Chinh đã xin nghỉ học xung phong lên đường vào miền Nam chiến đấu phục sự Tổ quốc. Ngày 16-2-1975, Chinh lên đường nhập ngũ nhưng cả hai vợ chồng đã không thể đưa tiễn cháu vì hai vợ chồng đều bận việc ở nông trường. Ai biết được nó đi lần đó lại đi mãi mãi không trở về. Tôi buồn lắm vì đã không đến đưa tiễn con được...

Khi nó huấn luyện ở huyện Triệu Sơn, ông nhà tôi có xuống đơn vị thăm nó một lần, về nhà bảo thằng Chinh bây giờ ăn cơm nhà nước, trông nó trưởng thành lắm. Nhưng chồng tôi cũng chỉ gặp nó một lần và mãi mãi đã không nhìn thấy nó lớn, trưởng thành nữa”, bà hồi tưởng về những năm tháng tuổi thơ của con trai mình cho đến khi lên đường nhập ngũ.

Trở thành anh hùng tuổi 18

Sau khoảng thời gian huấn luyện ở Triệu Sơn, anh Chinh được biên chế vào đại đội 6, tiểu đoàn 2, trung đoàn 12, Bộ tư lệnh công an vũ trang Nhân dân rồi được điều động vào chiến trường Tây Nam chiến đấu chống quân Pôn Pốt xâm phạm biên giới. Ở chiến trường Tây Nam anh cùng với đồng đội đã tham gia nhiều trận chiến đấu anh dũng, lập được nhiều chiến công xuất sắc. Trong một trận đánh, anh đã bị thương và được đưa ra Bắc điều trị. Đến năm 1978, đơn vị của Lê Đình Chinh đã được bí mật điều động lên Lạng Sơn, bảo vệ biên giới phía Bắc.

Bài thơ của cô giáo Uông Thị Ngọc Huệ viết về anh Lê Đình Chinh được gia đình lưu giữ. Ảnh: Đ. TRUNG

Bà Chu kể: “Khoảng 6 giờ chiều ngày 25-8-1978, tôi mở đài nghe thì biết tin thằng Chinh hi sinh ở Lạng Sơn khi bảo vệ đồng bào trước sự hung bạo của kẻ địch. Lúc đó tôi như đổ khụy xuống, những người cùng làm công nhân ở nông trường nói chắc không phải thằng Chinh nhà bà đâu vì thiếu gì người trùng tên, trùng họ.

Khi đó tôi thúc giục ông nhà tôi đánh điện ra đơn vị nó, nhắn rằng: “Bố ốm nặng, con về ngay, nhưng nó về làm sao được nữa vì nó đã ra đi mãi mãi rồi. Cho đến ngày 30-8, đơn vị của nó gửi về gia đình giấy báo tử và làm lễ truy điệu, tôi còn nghĩ mình sẽ đi theo nó mất. Thương nó vì mới 18 tuổi thôi mà”, bà Chu lặng người đi rưng rưng khi hồi tưởng lại những ngày tháng đau đớn nhận tin con trai mình hi sinh.

Sau 35 năm Liệt sĩ Lê Đình Chinh nằm lại ở nơi địa đầu Tổ quốc, anh đã được đồng đội, chính quyền địa phương và gia đình đưa di hài về nghĩa trang quê nhà tháng 1-2013. Ảnh: Đ. TRUNG

Được biết 30-8-1978, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho liệt sĩ Lê Đình Chinh. Sự hi sinh anh dũng của Lê Đình Chinh đã trở thành biểu tượng cao cả của lớp lớp tuổi trẻ Việt Nam sẵn sàng hi sinh cả mạng sống của mình để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, biên cương của Tổ quốc….

Đại tá Nguyễn Đức Hiệu, nguyên là trưởng Ban Tuyên huấn Trung đoàn 12 vào thời điểm anh Lê Đình Chinh hi sinh ngày 25-8-1978 cho biết khi Lê Đình Chinh đang cùng với đồng đội đi thăm hỏi đồng bào tại khu vực biên giới thì bị một toán người từ bên kia biên giới kéo sang đánh giết cán bộ và nhân dân địa phương.

Trước hành động bạo ngược đó, anh cùng với các đồng đội đã anh dũng chống trả, bảo vệ đồng bào mình. Mặc dù đã chiến đấu ngoan cường, đánh gục hàng chục kẻ địch, nhưng do lực lượng mỏng, trong khi kẻ địch lại quá đông, nên Lê Đình Chinh đã bị kẻ thù sát hại.

“Máu của Lê Đình Chinh cùng với đồng đội đã thấm đẫm trên từng tấc đất của ông cha nơi địa đầu Tổ quốc. Anh là người lính đầu tiên hi sinh ở biên giới phía Bắc”, Đại tá Hiệu cho biết

Anh đã về trong vòng tay mẹ

Tháng 1-2013, sau 35 năm nằm lại nơi địa đầu Tổ quốc di hài Liệt sĩ Lê Đình Chinh được quy tập về nghĩa trang quê nhà trong vòng tay của người mẹ già, anh em và những đồng đội từ biên giới Tây – Nam đến biên giới phía Bắc. Anh mãi mãi là một biểu tượng cho ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam, là tấm gương sáng ngời về tinh thần phụng sự, sẵn sàng hi sinh, phục sự khi Tổ quốc lâm nguy của các thế hệ thanh niên Việt Nam.

Bà Khương Thị Chu đón di hài con trai về xứ Thanh tháng 1-2013.

ĐẶNG TRUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/liet-si-le-dinh-chinh-qua-ky-uc-nguoi-me-817358.html