LienVietPostBank tham gia xây dựng Chính quyền điện tử, thành phố thông minh tỉnh Bắc Ninh

Với thỏa thuận hợp tác mới ký kết với UBND tỉnh Bắc Ninh, LienVietPostBank sẽ triển khai cung cấp các dịch vụ về thanh toán điện tử, ngân hàng số, phát triển các ứng dụng CNTT cho chính quyền điện tử và thành phố thông minh tại Bắc Ninh.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa thông tin về thỏa thuận hợp tác giữa Ngân hàng này với UBND tỉnh Bắc Ninh trong việc xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh trên địa bàn tỉnh.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác trong việc xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giữa UBND tỉnh Bắc Ninh và LienVietPostBank được ký kết ngày 7/9 tại Bắc Ninh (Nguồn ảnh: lienvietpostbank.com.vn)

LienVietPostBank cho biết, theo thỏa thuận hợp tác mới được ký kết tại Bắc Ninh, LienVietPostBank cam kết phát huy nguồn lực, thế mạnh về tài chính, công nghệ sẵn có của Ngân hàng để hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh phù hợp với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.

Cụ thể, LienVietPostBank sẽ triển khai cung cấp các dịch vụ về thanh toán điện tử, dịch vụ kinh doanh trên nền tảng dữ liệu số, ngân hàng số, phát triển hạ tầng viễn thông và CNTT, các ứng dụng công nghệ thông tin cho chính quyền điện tử và thành phố thông minh tại tỉnh Bắc Ninh.

Tại lễ ký kết hợp tác, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng cam kết trong khuôn khổ pháp luật cho phép, UBND tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để LienVietPostBank tham gia các chương trình, đề án, dự án của tỉnh đáp ứng nhu cầu về xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, ứng dụng thanh toán điện tử (không dùng tiền mặt).

Để triển khai các nội dung hợp tác đã được thống nhất trong thỏa thuận hợp tác, LienVietPostBank và UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ định Sở TT&TT Bắc Ninh và Khối Ngân hàng số trực thuộc Hội sở LienVietPostBank là các đơn vị đầu mối thực hiện.

Cũng theo LienVietPostBank, sự kiện ký kết thỏa thuận hợp tác với UBND tỉnh Bắc Ninh đánh dấu lần đầu tiên LienVietPostBank hợp tác với chính quyền một địa phương trong việc triển khai xây dựng mô hình chính quyền điện tử và thành phố thông minh.

Thời gian qua, LienVietPostBank đã triển khai nhiều khuôn khổ hợp tác với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài như Công ty CP Tập đoàn Mai Linh, Công ty Mitsui (MKI), Công ty Doreming của Nhật Bản... trong việc phát triển các ứng dụng ngân hàng số Ví Việt; thỏa thuận với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VNSME) về hỗ trợ các dịch vụ tài chính, ứng dụng công nghệ trong quản lý và dịch vụ Ngân hàng số.

Sau hơn 10 năm phát triển, tính đến cuối tháng 6/2018, vốn điều lệ của LienVietPostBank là gần 7.500 tỷ đồng, tổng tài sản của LienVietPostBank đạt hơn 175.000 tỷ đồng, tăng 7,62% so với đầu năm.

Riêng với việc triển khai sản phẩm Ví Việt – Ngân hàng số, trong chia sẻ tại hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ XXII hồi cuối tháng 8/2018 tại Vĩnh Long, Chủ tịch HĐQT LienVietPost Nguyễn Đình Thắng thông tin, từ khi được Ngân hàng Nhà nước cấp phép (tháng 8/2016) đến nay, số lượng sản phẩm dịch vụ Ví Việt - Ngân hàng số cung cấp đã không ngừng được đa dạng hóa. Đầu năm nay, Ví Việt đã chính thức triển khai dịch vụ gửi tiết kiệm và cho vay cầm cố sổ tiết kiệm online 24/7. Sau 6 tháng triển khai, số tổng số tiền huy động tiết kiệm trên Ví Việt đã đạt mốc 3.000 tỷ đồng, tổng số tiền cho vay tiêu dùng đạt gần 500 tỷ đồng.

Cũng theo ông Thắng, Ví Việt đã cung cấp hơn 200 tiện tích và các dịch vụ ngân hàng cơ bản, cho phép người dùng có thể thực hiện các dịch vụ ngân hàng số 24/7 mà không cần đến quầy giao dịch, cụ thể: khách hàng có thể thanh toán, chuyển tiền, truy vấn tài khoản, tra cứu thông tin, gửi tiền tiết kiệm online và khi cần một khoản tiền tiêu dùng, khách hàng có thể vay vốn nhanh chóng. “Tính đến cuối tháng 7/2018, Ví Việt đã có 2,3 triệu người dùng (User), gấp 3 lần so với thời điểm cuối năm 2016; hơn 21.000 điểm chấp nhận thanh toán Ví Việt trên khắp 63 tỉnh, thành phố, gấp 7 lần so với cuối năm 2016”, ông Thắng cho hay.

Đối với tỉnh Bắc Ninh, xây dựng Chính quyền điện tử, thành phố thông minh được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Theo báo cáo đánh giá xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT ở Việt Nam - Vietnam ICT Index 2018 mới được Hội Tin học Việt Nam và Vụ CNTT - Bộ TT&TT công bố, trong 3 năm gần đây, mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng ICT của tỉnh Bắc Ninh đã liên tục được cải thiện, từ vị trí thứ 18 năm 2016 lên vị trí thứ 13 năm 2018 và theo xếp hạng mới nhất, Bắc Ninh xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, năm nay Bắc Ninh tăng 5 bậc về chỉ số thành phần Hạ tầng kỹ thuật; tăng 2 bậc về Ứng dụng CNTT nhưng lại giảm 4 bậc về Hạ tầng nhân lực.

Ngày 12/4/2017, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ra Nghị quyết 44 phê duyệt Đề án xây dựng triển khai mô hình thành phố thông minh tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2017 - 2022, tầm nhìn đến năm 2030. Tại Đề án này, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh xác định mục tiêu đưa giải pháp xây dựng thành phố thông minh trở thành giải pháp đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Ninh giai đoạn từ nay đến năm 2030. Cũng theo Nghị quyết 44, xây dựng mô hình thành phố thông minh tỉnh Bắc Ninh tập trung vào 6 lĩnh vực cốt lõi (gồm: Nền kinh tế thông minh; Cư dân thông minh; Quản trị thông minh; Dịch chuyển thông minh; Môi trường thông minh; và Cuộc sống thông minh); 27 phạm vi, lĩnh vực chính với 90 chỉ tiêu cụ thể.

M.T

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cntt/lienvietpostbank-tham-gia-xay-dung-chinh-quyen-dien-tu-thanh-pho-thong-minh-tinh-bac-ninh-172272.ict