LienVietPostBank: Tận dụng lợi thế, đột phá bán lẻ

Sau một năm dồn lực thúc đẩy những lợi thế riêng có, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã sẵn sàng gặt hái thành quả trong chiến lược bán lẻ.

Ảnh minh họa.

Năm 2018 đánh dấu tròn 10 năm LienVietPostBank có mặt trên thị trường. Một ngân hàng trẻ, nhưng đã sớm tạo được những lợi thế và đang từng bước cụ thể hóa giá trị của những lợi thế đó.

Lùi một bước để tiến nhiều bước

Cũng trong năm 2018, lần đầu tiên LienVietPostBank điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận. Đây được xem như một bước lùi chủ động so với chỉ tiêu dự kiến ban đầu.

Một mặt, khác với giai đoạn trước, đây là năm đầu tiên Ngân hàng Nhà nước thực hiện cơ chế giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thấp mà không có điều chỉnh thêm với hầu hết các ngân hàng thương mại. Chỉ tiêu của LienVietPostBank cũng bị giới hạn so với kế hoạch dự tính trước đó. Mặt khác, năm 2018, LienVietPostBank chủ động tạo dịch chuyển mạnh mẽ sang chiến lược ngân hàng bán lẻ. Việc nắm thời cơ đầu tư mở rộng mạng lưới, đi cùng với phát triển nhân sự, đòi hỏi chi phí hoạt động ban đầu lớn và một phần trực tiếp ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Ông Phạm Doãn Sơn - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Giám đốc LienVietPostBank cũng từng giải thích về “bước lùi” chỉ tiêu nói trên, rằng: “Sở dĩ đề ra chỉ tiêu thận trọng do năm 2018 LienVietPostBank mở rộng hệ thống nhằm hướng đến ngân hàng bán lẻ, như vậy sẽ khiến chi phí đầu tư về mạng lưới và nhân sự tăng mạnh”.

Đó cũng là hướng tập trung cho một lợi thế riêng có của ngân hàng này: ngân hàng thương mại cổ phần có mạng lưới rộng lớn nhất tại Việt Nam, với gần 400 Chi nhánh, Phòng giao dịch, hơn 1.000 Phòng giao dịch Bưu điện và quyền khai thác hơn 10.000 điểm bưu điện - văn hóa xã.

Không phải đến nay lợi thế trên mới phát huy hiệu quả. Ngay giai đoạn 2011-2012, khi mà hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam nói chung đối diện với khó khăn thanh khoản, chính mạng lưới Tiết kiệm Bưu điện chuyển giao sau sáp nhập đã tạo nguồn lực lớn để LienVietPostBank không những đảm bảo thanh khoản mà còn tham gia “chia lửa” trên thị trường liên ngân hàng.

Hệ thống Tiết kiệm Bưu điện khi đó có mạng lưới trải rộng, có lợi thế huy động từng món nhỏ trong dân cư trải khắp cả nước. Đến nay, ở một cấp độ cao hơn, LienVietPostBank tập trung đầu tư nâng cấp thành các phòng giao dịch ngân hàng.

Lợi thế trên gắn với hoạt động truyền thống của một ngân hàng thương mại. Song song với đó, một lợi thế mới của LienVietPostBank cũng đã sớm được thiết lập, đi trước đón đầu công nghệ và xu hướng: Thẻ phi vật lý Ví Việt.

Hứa hẹn đột phá từ 2019

Như trên, việc nắm thời cơ dồn lực đầu tư cho mạng lưới với lợi thế riêng có, LienVietPostBank tạo dịch chuyển mạnh sang bán lẻ, và chi phí ở đây bước đầu tăng lên.

Huy động bán lẻ, những khoản tiền gửi dân cư thường có lãi suất - chi phí cao hơn cơ cấu trước đây tại LienVietPostBank. Nhưng đổi lại, ngân hàng tạo được sức hút mạnh hơn về lượng, gia cố tốt hơn tính bền vững cơ cấu tiền gửi, thay vì tiền gửi tổ chức và doanh nghiệp thường có độ lỏng lẻo cao hơn.

Nếu trước đây, tỷ trọng tiền gửi dân cư tại ngân hàng này chỉ từ 40-50%, thì qua năm 2018, với hướng dịch chuyển huy động bán lẻ nói trên, tỷ trọng này đã được nâng lên 60%.

Cùng đó, tín dụng bán lẻ cũng bám sát lợi thế phát triển mạng lưới, hướng đến sát hơn với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, với tiêu dùng trong dân cư. Nếu trước đây các khoản vay lớn, có tính chất tập trung hơn nhưng tiềm ẩn rủi ro hơn, chiếm trên 60% tổng dư nợ, thì đến nay đã dịch chuyển sang tín dụng bán lẻ với tỷ trọng lên 50% vào cuối 2018.

Tín dụng bán lẻ đang là xu hướng tại Việt Nam, vừa có lãi biên cao hơn vừa phân tán được rủi ro ra nhiều đối tượng, nhiều ngành hàng. Đặc biệt, tại Việt Nam, LienVietPostBank cũng là một trong những ngân hàng thương mại đầu tiên của Việt Nam phát triển tín dụng bán lẻ đặt trong sự kết hợp mật thiết với các tổ chức xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… để tăng an toàn và chất lượng tín dụng.

Đặc biệt, đi trước đón đầu với lợi thế sản phẩm Ví Việt nói trên, LienVietPostBank cũng là ngân hàng thương mại đầu tiên triển khai tín dụng bán lẻ qua kênh ví điện tử.

Chỉ sau hơn ba năm thí điểm và chính thức đưa ra thị trường, Ví Việt đã thiết lập những con số, kết quả ấn tượng. Tính đến 31/3/2019, sản phẩm này đã có tới 2,5 triệu người dùng, gần 28.000 điểm chấp nhận thanh toán, đạt hơn 15,2 triệu giao dịch với tổng số tiền giao dịch 70,3 nghìn tỷ đồng, tổng số tiền giao dịch chuyển tiền đạt 26 nghìn tỷ đồng, tổng số tiền thanh toán hóa đơn đạt 1,3 nghìn tỷ đồng. Và theo chiến lược bán lẻ nói trên, Ví Việt đến nay đã thu hút hơn 5,4 nghìn tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm online và tổng số tiền vay cầm cố (tổng giải ngân) đạt 1,4 nghìn tỷ đồng.

Với những điều chỉnh chiến lược, đặc biệt là sau năm 2018 tập trung xây dựng nền tảng, LienVietPostBank đang từng bước đạt những kết quả cụ thể như vậy.

Và từ 2019, với các mục tiêu mới trình đại hội đồng cổ đông ngày 24/4 này, hoạt động của LienVietPostBank hứa hẹn sẽ bắt đầu có những bứt phá. Theo đó, dự kiến tổng tài sản sẽ đạt 190.000 tỷ đồng, huy động vốn thị trường 1 đạt 165.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng thị trường 1 đạt 140.000 và đặc biệt lợi nhuận trước thuế có chỉ tiêu tăng 57% lên 1.900 tỷ đồng.

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/lienvietpostbank-tan-dung-loi-the-dot-pha-ban-le-3503365.html