Liên Xô đã từng muốn gia nhập NATO như thế nào?

Vào ngày 31 tháng 3 năm 1954, Liên Xô đã thực hiện một nỗ lực gia nhập NATO. Một bản đề nghị chính thức yêu cầu tư cách thành viên của Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương đã được gửi tới chính phủ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Pháp.

Trang tin tức Gazeta.ru cho rằng nếu phê chuẩn đơn đề nghị của Liên Xô, các cường quốc phương Tây sẽ đặt mục tiêu hòa bình lên trên hết và không định hướng rõ ràng trong việc chống lại Liên Xô.

"Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương sẽ không còn là một nhóm quân sự khép kín nếu mở rộng cho cả các nước châu Âu khác (trong đó có Liên Xô) gia nhập. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc tăng cường hòa bình chung, đồng thời vẫn tạo ra một hệ thống an ninh tập thể hiệu quả ở châu Âu", bản đề nghị của Liên Xô viết.

Cờ của NATO và Liên Xô

Cờ của NATO và Liên Xô

Các nước phương Tây khi đó đã kiên quyết từ chối đề nghị của Liên Xô. Tuy nhiên, rất có khả năng Kremlin không nghiêm túc mong đợi được gia nhập câu lạc bộ của những đối thủ ý thức hệ của mình. Từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai, cuộc đối đầu giữa hai ý thức hệ này đã gia tăng trên khắp thế giới, từ Đức đến Triều Tiên. Chiến tranh Lạnh ngày càng tồi tệ, được châm ngòi sau bài phát biểu của Winston Churchill năm 1946, sau đó người Mỹ, Anh và Pháp bắt đầu coi đồng minh Liên Xô của họ trong liên minh chống Hitler là kẻ thù nguy hiểm.

Bằng cách nộp đơn đăng ký làm thành viên NATO, chính phủ mới của Liên Xô đã tìm cách đặc biệt làm giảm bớt tình hình quốc tế sau cái chết của ông Joseph Stalin. Lúc sinh thời ông Stalin cũng đã tìm cách làm bạn với phương Tây, hoặc ít nhất là để thể hiện mong muốn đó. Vào đầu năm 1949, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, ông Andrey Vyshinsky, với sự trung gian của Đảng Cộng sản Anh, đã gửi một đề nghị tới London đề xuất thảo luận về sự tham gia của Moscow vào Liên minh Tây Âu - tiền thân hệ tư tưởng NATO sau này. Sự cự tuyệt của phương Tây với đề xuất này cho phép Stalin đủ điều kiện coi liên minh này là "kẻ phá hoại núp bóng Liên hợp quốc".

Chủ đề về việc Liên Xô muốn gia nhập NATO một lần nữa trở lại chương trình nghị sự vào năm 1952 sau khi NATO mở rộng lần đầu tiên, đã tiến gần hơn tới biên giới phía nam của Liên Xô sau sự gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong cuộc gặp với Đại sứ Pháp Louis Joxe, ông Stalin được thông tin rằng Tổng thống Charles de Gaulle coi NATO như là một tổ chức hòa bình. Lúc này ông Stalin quay sang hỏi Bộ trưởng Ngoại giao Andrei Vyshinsky: "Trong trường hợp này, chúng ta không nên tham gia NATO?"

Liên Xô đã tìm mọi cách để khiến các thành viên NATO hứa sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. Một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho việc đăng ký thành viên NATO của Liên Xô vào năm 1954 là chuyên gia của Bộ Ngoại giao Liên Xô, ông Andre Gromyko. Dự án của Liên Xô về một hiệp ước an ninh tập thể châu Âu đã được xây dựng với sự tham gia tích cực của chuyên gia Gromyko: Liên Xô đề nghị xem xét dự án này song song với việc xin gia nhập NATO.

Vào ngày 19 tháng 3 năm 1954, một bản đề nghị đã được gửi đến Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (CPSU), nói rằng: "Bộ Ngoại giao cho rằng việc tham gia Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương là hữu ích. Đề xuất này sẽ đặt các nước trong Liên minh NATO, những người luôn nhấn mạnh bản chất phòng thủ của liên minh chứ không hề muốn chống lại Liên Xô, rơi vào một tình huống khó xử".

Đồng thời với Liên Xô, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Ukraine và Belarus cũng đã đăng ký làm thành viên của NATO.

Chính phủ của các cường quốc phương Tây không tin Moscow, cho rằng đó là một âm mưu. Họ cho rằng ý định thực sự của Liên Xô là, trước tiên, đánh bật Hoa Kỳ khỏi châu Âu và sau đó là tiêu diệt NATO từ bên trong. Tuy nhiên họ vẫn xem xét đơn gia nhập của Liên Xô. Để bắt đầu các cuộc thảo luận về vấn đề này, Liên Xô đã được yêu cầu rời khỏi Đức và Áo, từ bỏ các căn cứ quân sự ở Viễn Đông và ký một thỏa thuận giải trừ quân bị.

Không cần phải nói, phương Tây cũng đã nhận thức được bản chất phi thực tế của các điều kiện như vậy.

Chính phủ Liên Xô rõ ràng đã bị xúc phạm bởi sự từ chối của NATO. Thông cáo chính thức được ban hành vào thời điểm đó bày tỏ sự hối tiếc về quan điểm của Washington, London và Paris, những nước ngoài miệng thì nói, họ nguyện "góp phần làm giảm căng thẳng trong quan hệ quốc tế", nhưng thực chất lại làm "một cái gì đó khác" trong thực tế.

Năm 1955, tư cách thành viên của NATO đã được cấp cho Cộng hòa Liên bang Đức, điều này đã làm lộ rõ định hướng của Liên minh quân sự này. Cùng năm đó thỏa thuận về việc thành lập một liên minh quân sự đã được ký giữa các nước xã hội chủ nghĩa ở châu Âu, ngoại trừ Liên Xô. Những nước này bao gồm: Albania, Bulgaria, Hungary, CHDC Đức, Ba Lan, Romania và Tiệp Khắc. Năm 1961, một tổ chức tương tự khác được thành lập, tập hợp gần 120 quốc gia từ chối tham gia NATO hoặc Hiệp ước Warsaw: Phong trào không liên kết, do Nam Tư, Ấn Độ và Ai Cập lãnh đạo.

Nh.Thạch

RT

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/lien-xo-da-tung-muon-gia-nhap-nato-nhu-the-nao-531831.html