Liên tục đến châu Á: Mỹ tung thông điệp mạnh

Chưa đầy bốn tháng nhậm chức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đang có chuyến đi thứ hai tới khu vực Thái Bình Dương.

Ông Esper có một điểm dừng chân tại Hàn Quốc vào thứ Tư để tham vấn ý kiến về việc cùng phòng thủ chống lại Triều Tiên, nơi kho vũ khí hạt nhân vẫn là trọng tâm của các nhà hoạch định tác chiến tại Lầu Năm Góc. Chuyến đi kéo dài một tuần của ông dự kiến sẽ bao gồm một cuộc họp tại Bangkok với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Tướng Ngụy Phượng Hòa – sự tiếp xúc trực tiếp đầu tiên của họ ngoài cuộc gọi điện thoại vào ngày 5/11.

Các chuyến thăm của ông Esper tới châu Á cho thấy một khía cạnh trọng tâm trong chiến lược quốc phòng được điều chỉnh của Hoa Kỳ: Tập trung đầu tiên vào Trung Quốc như một mối đe dọa đối với ưu thế toàn cầu của Hoa Kỳ, thay vì bị sa lầy trong cuộc chiến kéo dài thế hệ chống lại các nhóm cực đoan.

Tại Đông Nam Á, ông Esper cũng sẽ đến Việt Nam, với quan hệ hai bên đang tiến triển tích cực và Philippines, một đồng minh lâu năm.

Mỹ muốn hướng tới châu Á

Chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông Esper sau khi nhận được sự thông qua của Thượng viện vào tháng 7 là tới châu Á. Nhưng kể từ đó, các vấn đề chi phối nhiệm kỳ của ông là vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái chưa từng có vào trung tâm ngành công nghiệp dầu mỏ của Saudi mà Hoa Kỳ đổ lỗi cho Iran. Vụ việc này đã khiến Lầu Năm Góc triển khai thêm máy bay chiến đấu, quân đội và hỗ trợ phòng không cho Saudi. Kể từ tháng 5, Hoa Kỳ đã gửi khoảng 14.000 binh sĩ vào Trung Đông, bao gồm cả máy bay ném bom của Không quân tới Qatar và các tàu Hải quân để duy trì an ninh hàng hải ở khu vực Vịnh Ba Tư.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đang có chuyến thăm châu Á. Ảnh: AP.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đang có chuyến thăm châu Á. Ảnh: AP.

Cuối năm ngoái, Hoa Kỳ đã quyết định đưa khẩu tên lửa Patriot rời khỏi Kuwait, Bahrain và Jordan theo chiến lược mới tập trung ưu tiên vào Trung Quốc, nhưng sự căng thẳng về Iran đã buộc Lầu Năm Góc đẩy lùi những động thái đó. Và vào tháng 7, Hoa Kỳ đã đưa lực lượng trở lại căn cứ không quân Prince Sultan của Saudi, nơi từng là trung tâm trú đóng của không quân Mỹ vào những năm 1990 nhưng đã bị Washington bỏ rơi sau khi cuộc chiến Iraq năm 2003.

Hoa Kỳ cũng có 5.200 quân tại Iraq để hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ Baghdad đánh bại tàn quân của nhóm Nhà nước Hồi giáo IS. Hoa Kỳ đã rút lực lượng của mình ra khỏi Iraq vào năm 2011 nhưng đã quay trở lại ba năm sau đó khi các tay súng IS từ Syria tràn qua biên giới để chiếm quyền kiểm soát lãnh thổ.

Bruce Bennett, một nhà phân tích quốc phòng cấp cao của tổ chức tham vấn RAND, nói rằng mặc dù Lầu Năm Góc đang chú ý nhiều hơn đến Trung Quốc và Nga, nhưng cách tiếp cận tổng thể của họ khiến một số đồng minh châu Á tự hỏi họ có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của Mỹ trong bao lâu.

"Những nhà quân sự mà tôi nói chuyện ở Hàn Quốc, họ có xu hướng gọi Hoa Kỳ là một đồng minh dễ thay đổi", ông Bennett nói. Theo quan điểm của họ, "Hoa Kỳ có thể cam kết và sau đó rút lui" - lo lắng được củng cố bởi những suy nghĩ của Tổng thống Donald Trump về việc rút quân đội Mỹ ra khỏi Hàn Quốc và chính quyền của ông nhấn mạnh rằng người Hàn Quốc phải trả thêm chi phí cho sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ.

Gặp khó tại Trung Đông

Các quan chức Lầu Năm Góc biết khi họ công bố chiến lược quốc phòng mới tập trung vào Trung Quốc/Nga vào tháng 1 năm 2018 rằng Trung Đông sẽ vẫn là một căng thẳng, và các quan chức nói rằng họ đã sẵn sàng đối mặt với vấn đề đó ngay cả khi họ tập trung nhiều hơn vào châu Á.

"Chúng tôi gặp phải một số thách thức đang diễn ra trong thế giới thực, và vì vậy chúng tôi phải có khả năng vừa đi bộ và vừa nhai kẹo cao su cùng một lúc khi chúng tôi xử lý các tình huống như vậy ở Trung Đông," Randall Schriver, cố vấn hàng đầu của ông Esper về châu Á và Thái Bình Dương, cho biết tuần trước.

Ông Esper nói rằng việc thực hiện chiến lược quốc phòng mới, mà ông được thừa hưởng từ người tiền nhiệm, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, đang có tiến triển.

"Tôi cần phải tham gia nhiều hơn, tôi cần bố trí lại lực lượng cho khu vực, tôi cần có mặt nhiều hơn ở khu vực (châu Á-Thái Bình Dương)", ông nói với các phóng viên sau cuộc gặp với người đồng cấp Australia tại Lầu năm góc vào tháng trước.

Sự thay đổi trong trọng tâm này dường như chưa diễn ra được ngay. Chính quyền Obama đã nỗ lực, tuyên bố vào năm 2012 là xoay "trục đến Thái Bình Dương". Nhưng sau đó là sự nổi lên của nhóm Nhà nước Hồi giáo IS và Hoa Kỳ trở lại chiến đấu ở Trung Đông, đầu tiên là ở Iraq và sau đó là ở Syria.

Vào tháng 10, ông Esper tuyên bố rằng ông Trump đã chấp thuận rút toàn bộ quân đội Hoa Kỳ khỏi miền bắc Syria, nhưng chỉ vài ngày sau đó, Tổng thống đã cho phép mở rộng nhiệm vụ chống khủng bố ở Syria để bảo vệ các mỏ dầu của Syria. Lầu Năm Góc hiện đang đưa một lực lượng bọc thép tiến tới các mỏ dầu, và tổng số lính Mỹ ở Syria, ngay cả sau khi việc rút quân từ phía bắc của đất nước hoàn thành, nhiều khả năng sẽ chỉ ít hơn vài trăm so với khi ông Trump tuyên bố rút quân.

Tướng Mark Milley, chủ tịch mới của Hội đồng Tham mưu liên quân, cho biết cuộc chiến tranh 18 năm ở Afghanistan cũng có khả năng vẫn rơi vào thế hòa về tài nguyên quốc phòng và quân đội.

"Tôi nghi ngờ cuộc chiến này sẽ tiếp tục trong tương lai vài năm nữa" ông Milley nói hôm Chủ nhật trong một cuộc phỏng vấn với ABC News.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/lien-tuc-den-chau-a-my-tung-thong-diep-manh-20191113155555109.htm