Liên tiếp xảy ra những vụ nhức nhối trong ngành giáo dục: Giấu sai, chẳng khác nào giấu bệnh

Trong khi vụ việc nữ học sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị nhóm bạn học đánh hội đồng, lột quần áo, quay clip… chưa kịp lắng xuống, thì ở Diễn Châu (Nghệ An) lại xuất hiện một clip quay cảnh các nữ sinh lớp 7 bắt bạn quỳ gối rồi liên tục tát vào mặt em này. Chưa hết, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, một giáo viên chủ nhiệm vừa bị đình chỉ công tác vì đã dùng thước đánh 22 học sinh bầm tím mình mẩy.

Những sự việc nhức nhối và đau lòng trong ngành giáo dục, xảy ra trong cùng một khoảng thời gian ngắn, khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ.

 Học sinh bị thâm tím chân vì cô giáo dùng thước đánh phạt. Vụ việc vừa xảy ra tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

Học sinh bị thâm tím chân vì cô giáo dùng thước đánh phạt. Vụ việc vừa xảy ra tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tại sao lại như vậy?

Tại sao, trong lúc dư luận toàn xã hội hết sức bất bình, phẫn nộ trước hành vi bạo lực học đường, xúc phạm nhân phẩm con người; thì hành vi đó vẫn tiếp tục diễn ra với một hình thức tương tự?

Tại sao, khi mà toàn xã hội lên tiếng về môi trường giáo dục, khẩn thiết kêu gọi đổi mới tư duy giảng dạy, kêu gọi văn minh ứng xử; thì các thầy cô giáo vẫn tiếp tục bạo hành học sinh?

Cô giáo cho học trò uống nước giẻ lau bảng.

Cô giáo lên lớp không giảng bài suốt ba tháng.

Cô giáo đi nhà nghỉ với học trò.

Thầy giáo ép nam học sinh quan hệ tình dục đồng tính.

Thầy giáo sàm sỡ nữ học sinh tiểu học.

Vân vân và vân vân.

Tất cả đều là mới đây. Tất cả đều còn in đậm trong tâm trí chúng ta. Và, lẽ dĩ nhiên, không có một ai tán đồng những hành vi sai trái đó. Lẽ dĩ nhiên, mọi sai trái đều được lên án và xử lý kỷ luật. Nhưng rồi, không hiểu sao, những vụ việc tiêu cực trong ngành giáo dục vẫn tiếp tục xảy ra, cứ như một chiếc xe mất phanh đang lao xuống dốc vậy?

Điều gì đang xảy ra vậy?

Tại sao những bài học đau đớn trong ngành giáo dục không có tác dụng cảnh tỉnh?

Tại sao, sau mỗi vụ việc nhức nhối, những người làm giáo dục không giật mình, không tự vấn, không chấn chỉnh lại mình?

Phải chăng, các thầy cô giáo đang trong tình trạng bị mất kiểm soát hành vi?

Nếu đúng như vậy thì chính họ cũng là nạn nhân của ngành giáo dục, của xã hội.

Hôm nay, nói đến giáo dục VN, chúng ta thẳng thắn và thành thật với nhau rằng nó có quá nhiều vấn đề tiêu cực. Nhức nhối nhất là căn bệnh thành tích. Đua theo thành tích, các giáo viên không kiểm soát được chất lượng giảng dạy, trong khi chính họ cũng không được đào tạo một cách chuẩn mực. Hệ quả từ “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” đã cho ra đời những lứa giáo viên vừa không giỏi nghề vừa không yêu nghề. Những giáo viên không có tư chất nhà giáo. Đó là một thực tế đáng buồn, không thể phủ nhận.

Nhưng nói như vậy, không có nghĩa là không có những giáo viên giỏi và tâm huyết với nghề. Chúng tôi cho rằng hiện nay vẫn có những giáo viên nguyện dấn thân vì giáo dục. Nhưng chính những giáo viên này đang chịu áp lực từ hai phía: lãnh đạo ngành giáo dục và phụ huynh học sinh. Thực tế là rất nhiều thầy cô giáo không biết phải dạy dỗ học trò như thế nào cho đúng, khi mà đa số học trò hôm nay không còn yêu kính thầy cô, không có tinh thần tự lực. Giáo dục con người, đặc biệt là người trẻ, dường như cũng chẳng có một khuôn mẫu cố định nào. Có hằng trăm hằng nghìn tình huống sư phạm, thì cũng có chừng ấy hành vi ứng xử giáo dục khác nhau.

Thế nhưng, các thầy cô hầu như không được quyền giáo dục học sinh theo cái cách của họ. Điều đó khiến họ bị ức chế và dẫn đến mất kiểm soát.

Bên cạnh đó, áp lực từ chính phụ huynh cũng là rất lớn, thậm chí là khủng khiếp.

Chúng tôi biết một chuyện xảy ra ở một trường THCS tại TP.HCM như vầy: Trong một trận đá bóng tranh giải toàn trường, trọng tài (vốn là thầy giáo dạy thể dục) thổi phạt thẻ vàng một em học sinh vì lỗi đá thô bạo. Em học sinh đó chấp nhận thẻ phạt một cách vui vẻ. Nhưng phụ huynh của em (hôm đó có đi xem) thì lại phản ứng kịch liệt. Sau đó, phụ huynh làm đơn kiện lên nhà trường, bắt thầy trọng tài phải xin lỗi con mình. Mặc cho đứa con van xin (đừng làm lớn chuyện), phụ huynh này vẫn tiếp tục gặp ban giám hiệu, dọa tung vụ việc lên mạng xã hội, bắt thầy trọng tài bằng mọi giá phải xin lỗi.

Cuối cùng, để cho yên chuyện, thầy giáo dạy thể dục phải xin lỗi cậu học trò, dù mình không có lỗi gì.

Đây là câu chuyện có thật 100% mà chúng tôi tình cờ được biết.

Chúng tôi cũng biết về những tổn thương tinh thần nơi các thầy cô. Chúng tôi càng biết các em học sinh luôn bị áp lực về học hành, nhưng sống thì khá mất niềm tin và hoang mang về tương lai.

Giáo dục luôn là câu chuyện được quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Bất kỳ một công dân nào cũng sẵn sàng làm tất cả để con em mình được thụ hưởng một nền giáo dục tốt đẹp. Và, nói cho cùng, bất kỳ người nào, dù giáo viên hay học sinh, cũng đều muốn mình sống một cuộc sống tốt đẹp và ý nghĩa. Nhưng để làm được điều đó, chúng tôi nghĩ ngành giáo dục cần quyết liệt trong nhận thức, nhìn rõ vào sự thật. Nếu cần, phải có những cuộc đại phẫu thuật để chữa cho hết những căn bệnh trầm kha. Có sai thì phải sửa. Không nên sai mà giấu. Giấu sai chẳng khác nào giấu bệnh mà không chạy chữa.

Và, muốn chữa dứt bệnh phải chẩn đúng bệnh, áp dụng đúng phương pháp, tuân thủ phác đồ điều trị.

Cuối cùng, ngành giáo dục thì dạy dỗ con người ta nhiều thứ, nhưng người làm giáo dục xin đừng quên rằng chính mình cũng cần phải học hỏi rất nhiều, học hỏi suốt cuộc đời.

Dùng thước đánh 22 học sinh, một giáo viên bị đình chỉ giảng dạy

Chiều 1/4, giáo viên Nguyễn Thị Thu Huyền (giáo viên chủ nhiệm lớp 8A1, trường THCS Long Toàn, TP Bà Rịa, Bà Rịa - Vũng Tàu) đã bị tạm đình chỉ công tác sau khi nhiều phụ huynh tố giáo viên này dùng thước đánh 22 em học sinh trong lớp.

Trước đó, vào tiết học cuối buổi sáng 29/3, cô Huyền thấy trong sổ đầu bài nhiều học sinh mất trật tự bị giáo viên các bộ môn cùng tổ và lớp trưởng ghi tên vào nên gọi 22/31 em học sinh lên để tìm hiểu. Cô đã phạt học sinh bằng cách dùng thước đánh 22 học sinh khiến nhiều em bị bầm tím trên người.

Một phụ huynh trong lớp 8A1 phát hiện ra vết bầm tín trên cơ thể con nên đã hỏi thông tin và em này cho biết bị cô giáo đánh phạt. Phụ huynh này đã đăng thông tin lên mạng xã hội và phản ánh lên ban giám hiệu nhà trường. Theo phụ huynh này chia sẻ thì em nhẹ nhất bị đánh 5 cây, có em bị đánh 15 cây.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/lien-tiep-xay-ra-nhung-vu-nhuc-nhoi-trong-nganh-giao-duc-giau-sai-chang-khac-nao-giau-benh-160990.html