Liên tiếp xảy ra ngộ độc ở thành phố du lịch là điều đáng báo động
Trong vòng một tháng, tỉnh Khánh Hòa xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, hàng trăm người nhập viện.
Từ giữa tháng 3 đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã xảy ra 4 vụ ngộ độc tập thể, trong đó một vụ xảy ra ở quán ăn và 3 vụ xảy ra ở trường học. Trước tình hình đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) yêu cầu Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các cơ sở y tế tập trung điều trị cho bệnh nhân.
Đồng thời, Sở phối hợp với các cơ quan chức năng tích cực điều tra nguyên nhân và xử lý những trường hợp vi phạm.
Liên tiếp ngộ độc, nghi ngộ độc thực phẩm
Ca ngộ độc tại quán cơm gà Trâm Anh có địa chỉ tại TP Nha Trang khiến nhiều người hoang mang với số lượng người nhập viện tương đối lớn.
Cụ thể, sau khi người dân ăn cơm gà tại quán trong hai ngày 11 và 12/3, đến tối cùng ngày, hàng chục người phải nhập viện với biểu hiện đau bụng, tiêu chảy nhiều lần, phân lỏng, buồn nôn, nôn, sốt, mệt lả… Số lượng này tăng lên 368 người đến 18/3.
Các bệnh nhân được điều trị tích cực, tình hình sức khỏe dần ổn định và xuất viện sau đó.
Theo kết luận của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Khánh Hòa, các thức ăn gây ngộ độc có thể bị nhiễm chéo vì được bảo quản chung trong hộp. Do đó chỉ có thể nhận định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm là vi sinh vật gồm Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus.
Trong khi đang xác định nguyên nhân vụ ngộ độc ở quán cơm gà, ngày 30/3, 10 học sinh ở trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, TP Nha Trang, bị đau bụng và tiêu chảy. Các em xuất hiện triệu chứng sau khi ăn các món ăn chế biến từ gà, trước cổng trường.
Các em được đưa đến nhiều bệnh viện tại địa phương, sau khi điều trị tình hình sức khỏe ổn định và xuất viện.
Tiếp đó, sáng 5/4, hơn 30 em học sinh ở trường Tiểu học Vĩnh Trường và THCS Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang, có biểu hiện bị ngộ độc sau khi ăn sáng ở hàng quán rong gần cổng trường.
Đến sáng 9/4, tiếp tục xảy ra một vụ ngộ độc tập thể khiến gần 30 học sinh ở trường Tiểu học thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn) có triệu chứng mệt, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần... sau khi ăn sáng ở hàng bán rong gần trường.
Trước tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức cuộc họp khẩn, đồng thời ra văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩ trương điều tra và làm rõ nguyên nhân.
UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị có giải pháp để khoanh vùng, cắt nguồn lây nhiễm, tránh tình trạng tái phát ngộ độc thực phẩm; tăng cường thanh kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Tình trạng đáng báo động
Trao đổi với Tri thức - Znews, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhận định rằng với tần suất xảy ra vụ ngộ độc tập thể nhiều như vừa qua là tình trạng đáng báo động.
Mùa hè là thời điểm hay xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhiều hơn mùa đông. Lý giải nguyên nhân, PGS Thịnh cho rằng ngộ độc tập thể chủ yếu liên quan đến thức ăn nhiễm vi sinh vật, khi thời tiết nắng nóng, thực phẩm nhanh bị ôi thiu làm vi sinh vật phát triển mạnh.
Thêm nữa, những nơi ăn uống đông người dễ bị ngộ độc thực phẩm tập thể, do số lượng thực phẩm chuẩn bị lớn, thời gian lưu trữ dài hơn để chuẩn bị bữa ăn, số người tham gia chế biến đông, bát đũa, nồi niêu xoong chảo cũng nhiều hơn. Tất cả điều đó có nguy cơ nhiễm vi sinh vật gây ra ngộ độc.
"TP Nha Trang là một thành phố du lịch, để xảy ra liên tiếp các vụ ngộ độc như vậy sẽ dễ khiến du khách ái ngại khi đến đây", PGS Thịnh nói.
Trẻ em rất nhạy cảm với thực phẩm nhiễm khuẩn. Ngoài ra, các quán hàng rong bán bên ngoài trường còn nhiều, họ không bị kiểm soát bởi tổ chức an toàn thực phẩm địa phương, vì tự phát, lúc bán lúc nghỉ, rất khó kiểm soát cũng là nguyên nhân xảy ra ngộ độc thực phẩm ở học sinh ngày càng nhiều.
Theo PGS Thịnh, vi khuẩn thường gây ra các vụ ngộ độc là Salmonella, nó giống như "kẻ cắp", thường xuyên "trà trộn" trong xã hội. Vì vậy, cần tìm ra giải pháp để ngăn chặn nó, chứ không chỉ tìm nguyên nhân gây ra ngộ độc.
PGS Thịnh đưa ra giải pháp hạn chế xảy ra ngộ độc tập thể bằng cách, đưa tài liệu về an toàn thực phẩm đến các chủ cơ sở, nhà hàng, quán ăn, nơi chế biến thực phẩm để họ đọc hiểu và hướng dẫn họ làm theo. Sau đó kiểm soát, nếu họ không thực hiện đúng quy định sẽ bị phạt.
Đối với những vụ ngộ độc xảy ra ở trường học do ăn uống ở hàng quán rong, cơ quan chức năng phải xử phạt nặng tay nếu phát hiện vi phạm.
"Thực tế, họ mở hàng quán buôn bán cũng vì mưu sinh, nhưng không thể vì lợi ích của mình mà xâm phạm sức khỏe của người khác, đặc biệt là sức khỏe của trẻ em", PGS Thịnh nhấn mạnh.
Do đó, cơ quan chức năng cần yêu cầu các hàng quán rong trước cổng trường muốn buôn bán phải có giấy phép an toàn thực phẩm, cơ sở nào không có thì không được hoạt động
Đồng thời, trường học cần giáo dục học sinh cần thận trọng khi chọn ăn tại những gánh hàng rong ven trường. Nhà trường có trách nhiệm đề xuất với chính quyền địa phương không cho tồn tại những hàng quán bán gần trường không đảm bảo, cùng giám sát và báo cáo với cơ quan chức năng khi phát hiện những hàng quán rong có dấu hiệu không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.