Liên tiếp phát hiện 2 ca nhiễm vi khuẩn 'ăn thịt người' tại Bình Định

Bình Định tiếp tục ghi nhận 2 trường hợp nhiễm vi khuẩn Whitmore là một bệnh nhi 5 tuổi và một nữ bệnh nhân 29 tuổi.

Theo thông tin đăng tải trên báo Tuổi Trẻ, ngày 13/10, BS Vũ Bá Toản, phó giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (Bình Định) cho biết, hiện đang điều trị một ca bệnh nhi nhiễm khuẩn Whitmore.

Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa đã có báo cáo gửi Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) về trường hợp này.

Theo đó, ngày 3/10, bệnh viện tiếp nhận bé gái P.B.T.N (5 tuổi, ngụ Bình Tường, Tây Sơn, Bình Định). Thời điểm nhập viện, bé bị sưng dưới góc hàm trái. Bệnh nhi sốt đã lâu, gần đây nổi hạch góc hàm trái và vào viện điều trị. Kết quả chẩn đoán là viêm tuyến nước bọt mang tai trái do nhiễm khuẩn Burkholderia pseudomallei (Whitmore).

Vi khuẩn whitmore gây áp xe tai trái của bệnh nhi N. - Ảnh: Zing.vn

Vi khuẩn whitmore gây áp xe tai trái của bệnh nhi N. - Ảnh: Zing.vn

Trước đó, Zing.vn cũng đưa tin, hồi đầu tháng 10, bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cũng tiếp nhận điều trị cho một nữ bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Whitmore. Nữ bệnh nhân N.T.N. (29 tuổi, ngụ Phú Yên) có tiền sử đái tháo đường type 1, được phát hiện và điều trị cách đây một năm. Bệnh nhân gặp phải các triệu chứng sưng đau, nóng, đỏ vùng cổ trái, kèm theo sốt, ớn lạnh, mệt mỏi về chiều.

Chị N. có đi khám và điều trị ngoại trú với chẩn đoán viêm hạch cổ nhưng điều trị không bớt. Sau nhiều ngày, bệnh nhân hết sốt, vết thương sạch, đường huyết ổn định.

Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn. Đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.

Whitmore không phải bệnh mới và hiếm gặp mà bị "bỏ quên" trong cộng đồng. Bệnh này được phát hiện đầu tiên trên thế giới vào năm 1911, xuất hiện tại Việt Nam từ 1936.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh whitmore. Khi đã khởi phát, diễn biến của bệnh rất nhanh, có thể cướp đi mạng sống bệnh nhân chỉ sau 48 giờ nhập viện.

Các triệu chứng lâm sàng của bệnh cũng rất mơ hồ, chẩn đoán rất khó nên dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn da mô mềm, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, liên cầu...

5 biện pháp phòng bệnh Whitmore:

1. Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng.

2. Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.

3. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

4. Những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

5. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.

PV

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/suc-khoe/lien-tiep-phat-hien-2-ca-nhiem-vi-khuan-an-thit-nguoi-tai-binh-dinh-157130.html