Liên tiếp những vụ tự tử mang theo con, làm sao bảo vệ những đứa trẻ vô tội?

'Đừng bào chữa rằng là tôi chết rồi không biết nó ở với ai. Họ làm thế chỉ khiến xã hội thêm sự trĩu nặng những âu lo, muộn phiền, xấu xí', PGS. TS Trịnh Hòa Bình nói.

Chiều ngày 27/5, người phụ nữ ở Thanh Hóa được cho là do mâu thuẫn với chồng nên đã cùng hai con nhỏ nhảy cầu Hao Hao. Rất may, một người dân phát hiện vụ việc, hô hoán để mọi người tới ứng cứu. Sau đó, 3 nhân viên thuộc Công ty môi trường Nghi Sơn cùng người dân nhảy xuống hồ cứu các nạn nhân đưa lên bờ.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên bố mẹ quyên sinh mang theo con rồi may mắn được cứu sống. Trước đó, ở Huế người ta cũng kịp thời ngăn cản bà mẹ định ôm con để quyên sinh. Một trường hợp khác ở Sài Gòn cũng vậy.

Tối 26/5, xe cứu thương đỗ dưới sảnh tòa chung cư - nơi gia đình 4 người tử vong nghi do tự tử.

Tối 26/5, xe cứu thương đỗ dưới sảnh tòa chung cư - nơi gia đình 4 người tử vong nghi do tự tử.

Tuy nhiên, đau lòng là có những vụ người lớn tự tử mang theo con đã không được phát hiện kịp thời. Những cái chết oan ức đối với trẻ em vô tội đã gây ám ảnh xã hội.

Trao đổi với Infonet, chuyên gia xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng cuộc sống vốn ngày càng nhiều áp lực, mỗi cá nhân đều ít nhiều chịu áp lực do tác động xã hội mang đến.

“Cùng một áp lực nhưng nhân cách được cấu tạo khác nhau, truyền thống văn hóa của gia đình dòng họ khác nhau sẽ tạo ra cách ứng phó khác nhau.

Theo đó, có những mối quan hệ tương hợp mà họ từng trải qua khác nhau sẽ giúp cho người này có được “áo giáp” để chống được va đập trong áp lực tâm lý xã hội, nhưng những người mỏng mảnh quá thì lại không chịu nổi”, PGS. TS Trịnh Hòa Bình cho hay.

Theo PGS. TS Trịnh Hòa Bình, việc người ta tuyệt vọng, tìm đến cái chết ôm theo đứa con là suy nghĩ quẩn quanh khi nghĩ rằng họ “đi” rồi không còn ai chăm sóc đứa trẻ nữa. Họ muốn nhất thể hóa đứa trẻ của họ. Chính vì thế những đứa trẻ bị cuốn vào cái chết mà không hiểu điều gì.

“Với một ông bố, bà mẹ đứng đắn, có thể họ chết, giao lại gánh nặng cho người khác trong đó có con của họ.

Với những ông bố, bà mẹ quyên sinh mang theo những đứa trẻ, rất có thể họ không muốn đổ gánh nặng ấy lên vai những đứa con, lo lắng không ai chăm sóc chúng. Tuy nhiên, hành vi đó lại chính là đang xâm phạm quyền được sống, quyền được tồn tại, quyền được học tập, quyền được tham gia, quyền được phát triển của trẻ em.

Cho nên suy cho cùng những người đàn ông hay đàn bà tìm đến cái chết lại mang theo cái chết của một sinh linh khác cho dù rất bé bỏng, chưa thực lực được thì vẫn là hành vi vị kỷ.

Đừng bào chữa rằng là tôi chết rồi không biết nó ở với ai. Họ làm thế làm cho xã hội này thêm sự trĩu nặng những âu lo, muộn phiền, xấu xí…”, PGS. TS Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.

Trước câu hỏi được đặt ra là làm sao để ngăn chặn tình trạng này, đảm bảo an toàn cho những đứa trẻ, PGS. TS Trịnh Hòa Bình cho rằng ở đây có hành vi bắt chước. Nghĩa là người ta được xem trên mạng, được tương truyền rằng người này người kia khi bế tắc thì quyên sinh mang theo con… Thế là họ lặng lẽ làm theo như một sự mách bảo, cứ thế thực hiện.

“Ở đây phải nhắc đến vai trò của truyền thông khi đăng tải, khi thổi lên những chuyện tự tử, quyên sinh mang theo người yêu hay con cái. Có cảm giác như cung cấp sẵn kịch bản cho những người này, người khác mà trong tình huống nhất định người ta thấy mình giống giống người này người kia và làm theo một cách không suy nghĩ.

Do đó, theo tôi giải pháp ở đây là câu chuyện của nhà chức năng, các cơ quan có trách nhiệm cũng như truyền thông phải chặn đứng chuyện đưa tin theo kiểu khai thác sâu thêm, đưa thêm những chi tiết cụ thể về việc người ta quyên sinh. Điều này tạo ra sự tò mò, kích thích cho ai đó bắt chước…

Đương nhiên để khắc phục câu chuyện này không gì khác là tuyên truyền vận động xã hội vì trẻ em Việt Nam, vì quyền sống của trẻ.

Bên cạnh đó, phải đạt được sự an bằng xã hội trên bình diện lớn nhất có thể. Làm sao để công tác an sinh xã hội phải phát huy tốt hơn nữa, làm sao để đời sống người dân mọi tầng lớp đều được bảo vệ tốt nhất”, PGS. TS Trịnh Hòa Bình cho hay.

N. Huyền

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/gia-dinh/cung-con-truong-thanh/lien-tiep-nhung-vu-tu-tu-mang-theo-con-lam-sao-bao-ve-nhung-dua-tre-vo-toi-411989.html