Liên tiếp những vụ học sinh tự tử - Vì đâu nên nỗi?

Gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc các em học sinh tự tử vì nhiều lý do khác nhau. Thực trạng này cho thấy một bộ phận học sinh có tâm lý khá bất ổn, dễ hành động dại dột vì những điều nhỏ nhặt, song cũng thể hiện sự buông lỏng quản lý, thiếu quan tâm đến các em của cả phụ huynh và nhà trường.

Những vụ việc đau lòng

Sáng 16-3 vừa qua, một số ngư dân hoạt động trên sông Thái Bình (đoạn chảy qua cống ông Bê - thuộc địa bàn xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) bất ngờ phát hiện xác một nữ giới trôi trên sông nên đã báo chính quyền địa phương. Sau khi trục vớt, nạn nhân được xác định là em Đ.D.L (sinh 2003, ở xã Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo) - học sinh lớp 9 một trường THCS trong xã. Theo thông tin ban đầu, ngày 15-3, em L đã tự ý đi cắt ngắn tóc của mình nên khi về nhà, bố mẹ quát mắng vài câu. Có thể trong lúc nghỉ quẩn, em đã nhảy cầu quyên sinh.

Trước đó, vào tối 10-3, gia đình em H.T.L (học sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Đức Mậu, huyện Quỳnh Lưu) không thấy em về nhà, đã gọi điện, đi tìm ở một số nơi nhưng không thấy. Sáng hôm sau, những người dân đi qua đường đã phát hiện một thi thể tử vong nổi trong ao nước trước nhà nạn nhân. Trên bờ còn có đôi dép, chiếc điện thoại và một bức thư do nạn nhân viết để lại cho gia đình. Thi thể này sau đó được xác định là em L. Được biết, trước khi xảy ra sự việc, trên mạng xã hội có lan truyền hình ảnh, đoạn clip của em L và một bạn trai bày tỏ tình cảm với nhau ngay trên lớp học với khá nhiều lượt chia sẻ, bình luận.

Học sinh tự tử có thể vì áp lực học tập, do vướng mắc chuyện tình cảm (ảnh minh họa)

Học sinh tự tử có thể vì áp lực học tập, do vướng mắc chuyện tình cảm (ảnh minh họa)

Còn tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, sáng 3-1, trong khi các bạn cùng lớp lên phòng thực hành học bài, em T.T.P.L, học sinh lớp 7 của một trường THCS ở huyện Thạch Hà đã ở lại lớp một mình rồi treo cổ tự tử. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ bức thư tuyệt mệnh của em L để lại cho một người bạn thân với nội dung bản thân có chuyện buồn trong cuộc sống, không thể giải quyết.

Điều đáng nói là những sự việc trên xảy ra quá bất ngờ, hầu hết các em tự chấm dứt sự sống của mình đều là học sinh ngoan khiến các bậc phụ huynh, thầy cô giáo và bạn bè vô cùng bàng hoàng, đau xót. Điểm chung dễ nhận thấy qua các vụ việc này là phần lớn các em đều trong độ tuổi dậy thì, ở giai đoạn bất ổn khủng hoảng về tâm lý nên có tái tôi quá lớn, dễ hành động theo cảm xúc và luôn muốn tự khẳng định mình, dám làm mọi việc mà không nghĩ tới hậu quả.

Ngoài ra, ở độ tuổi này, các em có xu hướng hướng nội nhiều hơn, ít chia sẻ với người khác, chưa có đủ kỹ năng để chống chọi, đối phó, vượt qua những áp lực trong học tập, trong các mối quan hệ …Mặt khác, nhiều em còn bị ảnh hưởng xấu bởi phim ảnh và internet không lành mạnh.

Lỗi một phần thuộc về người lớn

Tình trạng tự tử học đường ngày càng có xu hướng gia tăng, trong đó nguyên nhân có thể do áp lực học tập, cuộc sống gia đình, mâu thuẫn với bạn bè, tâm lý tuổi mới lớn. Bên cạnh đó, nhiều bậc cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con. Khi trẻ không đạt được như kỳ vọng thì quay sang trách móc, mắng mỏ khiến trẻ bị sốc tâm lý, buồn bực, trầm cảm lâu dần không giải tỏa được đã tìm đến cái chết. “Thông thường, các em tự tử nhằm mong muốn giải thoát bản thân, khiến người khác như bạn bè, thầy cô, gia đình phải hối tiếc, day dứt” – Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú nhận định.

Cũng theo Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú, dấu hiệu nhận biết học sinh có ý định tự tử là các em hay dùng những từ ngữ thể hiện sự tuyệt vọng (như chịu không nổi, giải thoát, chết), giảm các mối tương tác với gia đình, tự cô lập bản thân, không quan tâm đến các hoạt động tập thể. Có em còn thể hiện sự buồn chán, rầu rĩ, hay khóc bất thường, ăn ngủ ít, hay im lặng hoặc nhắc đến chuyện chết chóc và viết thư tuyệt mệnh…

Do vậy, để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc, giáo viên và phụ huynh cần quan sát để ý đến những học sinh có các dấu hiệu trên. Ngoài ra, phụ huynh cần quan tâm đến con em mình, hướng dẫn cho con biết quý trọng bản thân. Điều quan trọng nhất là gia đình và nhà trường cần giảm áp lực về học tập cho trẻ, tạo ra những chỗ dựa tâm lý cho các em để kịp thời chia sẻ, giúp các em tháo gỡ kịp thời những biến cố trong học tập, cuộc sống.

Ngoài ra, ngành giáo dục cần làm tốt hơn nữa công tác tư vấn tâm lý học đường. Thầy cô cần có thái độ tôn trọng học sinh chứ không nên áp đặt. Bởi các em ở lứa tuổi vị thành niên dù thể chất đã tương đối ổn định nhưng lại chưa đủ trưởng thành về mặt tâm lý nên khi gặp những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, áp lực học tập, sẽ dễ có những suy nghĩ tiêu cực. Do đó, trong thời điểm này, các em rất cần có người chia sẻ, hướng dẫn và động viên để phát triển đúng hướng

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/lien-tiep-nhung-vu-hoc-sinh-tu-tu-vi-dau-nen-noi/761413.antd