Liên tiếp nhiều gia đình cầu cứu Công an vì người thân bị lừa bán, cưỡng bức lao động tại Campuchia

Trong 2 ngày 20 và 21-9, Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh- Công an tỉnh Đắk Nông liên tiếp tiếp nhận 3 đơn đề nghị giải cứu của gia đình 3 nạn nhân ở H. Cư Jút và H. Đắk Mil bị dụ dỗ, lừa bán và cưỡng ép lao động tại Campuchia. Tính đến ngày 22-9, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 26 người dân bị dụ dỗ, lừa phỉnh sang làm việc tại Campuchia với chiêu trò 'việc nhẹ, lương cao' trong đó có 15 trường hợp đã được các lực lượng chức năng giải cứu và gia đình bỏ tiền ra chuộc về với mức tiền từ 67 - 230 triệu đồng/người.

Lực lượng Công an cơ sở tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho người dân về các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm.

Lực lượng Công an cơ sở tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho người dân về các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm.

Nhiều ngày nay, gia đình bà Phạm Thị T. (trú H. Đắk Song) vô cùng lo lắng khi người con trai út là Lý Văn L (2004) bị lừa sang Campuchia làm việc. Gia đình bà T. không thể gọi điện cho con trai. Lâu lâu, bà T. nhận được vài cuộc gọi, tin nhắn qua mạng xã hội của đối tượng lạ, hối thúc gia đình nộp tiền để chuộc con. Tuy nhiên, do chưa liên lạc được với con để biết con mình có bình an hay không, nên gia đình bà chưa chuyển tiền cho đối tượng…

Theo Trung tá Trịnh Ngọc Dũng- Phó trưởng Công an huyện Đắk Song, trên địa bàn huyện có 9 trường hợp bị dụ dỗ, lừa sang Campuchia làm việc với mức lương cao. Trong đó có 6 trường hợp đã may mắn được gia đình chuộc về, 3 trường hợp còn lại vẫn ở Campuchia, hiện chưa biết số phận ra sao. Qua điều tra và làm việc với các nạn nhân đã được trở về địa phương và những người thân có con em bị lừa sang Campuchia nhưng chưa được chuộc về, bước đầu lực lượng chức năng đã xác nhận có đường dây lừa bán lao động trái phép qua Campuchia bằng các đường tiểu ngạch. Hiện Công an huyện Đắk Song đã và đang phối hợp với Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc

Vì thiếu thông tin, lại nhẹ dạ, cả tin nên thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã dính “bẫy” bởi chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ, lương cao”. Nhiều người may mắn được các lực lượng chức năng của Việt Nam và Campuchia giải cứu hoặc được gia đình bỏ tiền chuộc. Sau khi trở về Việt Nam, họ đã đến cơ quan Công an trình báo và lên án hành vi lừa đảo của các đối tượng.

Mới đây nhất, ngày 22-9, sau khi được giải cứu về từ Campuchia, anh Nông Văn T (1992, trú H. Đắk Glong) đã đến Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh- Công an tỉnh Đắk Nông tố cáo hành vi lừa đảo của các đối tượng.

Công an tỉnh Đắk Nông tiếp nhận nhiều đơn cầu cứu của các nạn nhân, gia đình nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia.

Theo tường trình của anh T., đầu tháng 3-2022, anh lên mạng xã hội tìm kiếm việc làm thì được 1 tài khoản Facebook giới thiệu, hướng dẫn làm việc liên quan đến máy tính của một Công ty tại Campuchia với mức lương từ 800 đến 1.000 USD/tháng. Ngày 16-3-2022, anh T. xuất cảnh sang Campuchia (mọi chi phí do Công ty bên Campuchia chi trả). Khi đến Phnôm Pênh, anh T. được các đối tượng đưa đến làm việc tại 1 công ty do người Trung Quốc quản lý và điều hành. Công việc hằng ngày của anh T. là tư vấn, thu hút người chơi game, đánh bạc trực tuyến và các app kinh doanh, buôn bán với hình thức lừa đảo người tham gia ở nhiều nước khác nhau, trong đó có Việt Nam...

“Sang bên đó, tôi và nhiều người khác bị ép buộc làm việc, không được trả lương và bị đánh đập. Làm việc được 1 tháng thì tôi bị công ty bán cho 1 công ty khác (hình thức kinh doanh tương tự). Trước khi bán Công ty thông báo, nếu ai muốn về Việt Nam thì liên hệ gia đình đưa cho chúng khoảng 200 triệu đồng để chuộc… Đến tháng 5-2022, không chịu được cảnh làm việc cơ cực, bị đe dọa, đánh đập nên thông qua mạng xã hội, tôi đã nhờ các lực lượng chức năng của Campuchia và Việt Nam đến giải cứu cùng với 4 người khác. Tôi mong mọi người hãy cảnh giác đừng nghe, đừng tin theo những chiêu trò dụ dỗ, lừa đảo của kẻ xấu...”, anh T. chia sẻ.

Nói về thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, Thiếu tá Nguyễn Văn Phương- Phó trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh- Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết: Các đối tượng hoạt động rất tinh vi, chủ yếu sử dụng các trang mạng xã hội Facebook và lập nhiều tài khoản ảo. Đặc biệt, với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”, các đối tượng dùng chính các công dân Việt Nam bị dụ dỗ, ép buộc xuất nhập cảnh trái phép sang Campuchia để nhắn tin về Việt Nam tìm kiếm “con mồi” tiếp tục dụ dỗ xuất nhập cảnh trái phép sang Campuchia hoặc dụ dỗ tham gia các trò chơi trực tuyến sau đó chiếm đoạt tiền...

“Người dân cần nêu cao cảnh giác, không nghe, không tin những lời dụ dỗ, lừa phỉnh của kẻ xấu với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”, tránh bị thiệt hại về sức khỏe, tài sản, đồng thời chủ động phát hiện và kip thời trình báo với lực lượng Công an và các ngành chức năng khi phát hiện các biểu hiện bất thường của kẻ xấu”, Thiếu tá Phương khuyến cáo.

HỒNG LONG

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/lien-tiep-nhieu-gia-dinh-cau-cuu-cong-an-vi-nguoi-than-bi-lua-ban-cuong-buc-lao-dong-tai-cuchia-post267172.html