Liên tiếp cứu 2 bệnh nhân chấn thương bụng nguy kịch

Đối với bệnh nhân vết thương thấu bụng cần được sơ cứu đúng cách, băng vết thương bằng gạc hoặc vải sạch, chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất

Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa thực hiện kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện phẫu thuật khẩn cấp, cứu sống 2 bệnh nhân bị chấn thương bụng kín và vết thương bụng với các tổn thương đứt đôi dạ dày, vỡ đứt đôi tụy, vỡ gan, nguy cơ tử vong rất cao.

Ê kíp mổ vui mừng sau ca phẫu thuật thành công - Ảnh: Phong Phạm

Trước đó, ngày 4.1, chị N.T.C.T (SN 1996, ngụ huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ) đi ghe máy gặp tai nạn, phần bụng bị ép giữa mũi thuyền và cột bê tông.

Chị T. được cấp cứu tại bệnh viện địa phương, sau đó nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ tối cùng ngày trong tình trạng niêm nhợt, da xanh, huyết áp thấp, mạch nhanh khó bắt, bụng chướng, đau nhiều cả ngực và bụng.

Bệnh nhân được hồi sức tích cực thở oxy, truyền dịch, truyền máu… Xác định bệnh nhân bị sốc mất thể tích máu do chấn thương bụng kín có tổn thương tạng đang chảy máu cấp nên các bác sĩ thực hiện quy trình báo động đỏ, bỏ qua mọi thủ tục hành chính để bệnh nhân vừa được hồi sức vừa chuyển lên phòng mổ.

Ê kíp phẫu thuật gồm BSCK2 Trương Thanh Sơn, Ths-BS Lê Minh Toàn, BSCK1 Danh Phạm Thái Kiên (Khoa Ngoại tổng hợp); Ths-BS Lý Thị Băng Thanh (Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức) đã xử lý ổ bụng bệnh nhân, lấy ra 1,5 lít dịch tiêu hóa và máu loãng, rửa sạch ổ bụng…

Các bác sĩ đánh giá và xử trí các tổn thương: vỡ gan hạ phân thùy III khoảng 3cm; đứt đôi ngay môn vị, phải cắt một phần dạ dày (ống môn vị); vỡ đứt đôi thân tụy, phải cắt một phần tụy giập…

Quá trình phẫu thuật khoảng 4 giờ, bệnh nhân đã được truyền 10 đơn vị máu và chế phẩm máu. Việc hồi sức sau phẫu thuật gặp rất nhiều khó khăn nhưng với cố gắng của các bác sĩ, tình trạng sức khỏe bệnh nhân dần ổn định.

Ngày 14.1, bệnh nhân tỉnh, dấu hiệu sinh tồn ổn định, không sốt, bụng chướng nhẹ, đang được tiếp tục theo dõi, điều trị và chăm sóc tại Khoa Ngoại tổng hợp.

Trước đó, trưa 4.1, các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp cũng đã phẫu thuật cấp cứu người bị vết thương thấu bụng do tự đâm, bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu khoảng 10 năm.

Bệnh nhân là anh V.H.P (SN 1994, ngụ tỉnh Hậu Giang) được tuyến trước chuyển đến với tình trạng 3 vết thương thấu bụng, lòi ruột và mạc nối ra ngoài. Tình trạng được đánh giá rất nghiêm trọng, các bác sĩ đã kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, huy động ê kíp phẫu thuật khẩn cấp trong 30 phút .

Các bác sĩ phẫu thuật ghi nhận bên ngoài ổ bụng có 3 vết thương: 1 vết khoảng 2cm cạnh phải rốn, 2 vết thương đường giữa trên rốn dài 4cm và 5cm cách nhau khoảng 3cm, lòi ruột, mạc nối lớn, đang chảy máu.

Bên trong ổ bụng có vết thương gan hạ phân thùy II, hạ phân thùy III, nên các bác sĩ tiến hành khâu cầm máu vết thương gan. Với vết thương đứt gần hoàn toàn dạ dày ở thân vị, bờ nham nhở, phải cắt lọc khâu lại dạ dày. Bệnh nhân bị đứt nhánh động mạch mạc treo đại tràng gây hoại tử đại tràng góc gan đến 1/3 đại tràng ngang.

Và các bác sĩ đã cắt đại tràng ngang, làm hậu môn tạm. Cuộc phẫu thuật kéo dài 3 giờ đã thành công. Bệnh nhân dần ổn định và được xuất viện ngày 11.1.

Theo BSCK2 Trương Thanh Sơn (phẫu thuật viên chính): “Thương tổn các tạng trong ổ bụng gây ra bởi chấn thương hay vết thương là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp. Bệnh nhân có thể tử vong vì mất máu, hoặc nhiễm trùng ổ bụng và suy đa cơ quan sẽ rất cao nếu các thương tổn này không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời.

Nguyên nhân chấn thương bụng kín thường gặp nhất là tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt... Ngoài chấn thương bụng kín, nạn nhân thường vào viện với nhiều chấn thương khác: sọ não, lồng ngực...

Trong chấn thương bụng kín, tạng đặc thường bị thương tổn nhiều hơn tạng rỗng: gan, lách, tụy… có thể bị vỡ do va chạm vào bờ sườn, cột sống… gây ra chảy máu, rò rỉ dịch mật, dịch tụy vào trong ổ bụng.

Dạ dày, ruột, bàng quang có thể bị vỡ do thay đổi đột ngột áp lực trong ổ bụng nhất là khi đang căng đầy vào thời điểm bị chấn thương, gây ra viêm phúc mạc. Các tạng cũng có thể bị tổn thương do bị đứt, rách khỏi các mạc treo, tiên lượng thường rất nặng trên bệnh nhân đa thương”.

Theo các bác sĩ, trong vết thương thấu bụng, tạng rỗng thường bị thương tổn nhiều hơn tạng đặc. Nếu do bạch khí thì thường các tạng ở kề cận vết thương sẽ bị thương tổn, nếu do hỏa khí thì các tạng ở xa vết thương cũng có thể bị thủng.

Đối với bệnh nhân vết thương thấu bụng cần được sơ cứu đúng cách, băng vết thương bằng gạc hoặc vải sạch, chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời và chuyển tuyến chuyên khoa phù hợp.

BSCK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: “Trong thời gian qua bệnh viện tiếp nhận xử trí cấp cứu thành công nhiều trường hợp chấn thương bụng kín, vết thương thấu bụng nguy kịch nhờ kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, năng lực chuyên môn và sự phối hợp đồng bộ của nhiều chuyên khoa.

Việc triển khai quy trình báo động đỏ là tối ưu hóa nguồn lực và thời gian “vàng” để cứu sống bệnh nhân, đã có nhiều bệnh nhân đa chấn thương nặng, phức tạp với nguy cơ tử vong cao được cứu sống khi thực hiện quy trình báo động đỏ”.

Phong Phạm

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/lien-tiep-cuu-2-benh-nhan-chan-thuong-bung-nguy-kich-176851.html