Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn: Ngăn chặn hiệu quả bằng cách nào?

Việc chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm với hàng trăm người nhập viện, tiếp tục gióng lên hồi chuông về thực trạng mất an toàn thực phẩm hiện nay…

Điều đáng nói thực trạng này tái diễn chứ không hề mới, vì thế “ngăn chặn ngộ độc thực phẩm bằng cách nào?” là bài toán đang được báo chí và dư luận bức xúc đặt lên bàn các cơ quan chức năng. Trong đó, chế tài và công tác quản lý là hai điểm mấu chốt của bài toán đang rất “nóng” này.

3 tháng, hơn 560 người nhập viện cấp cứu do ngộ độc thực phẩm

Theo Bộ Y tế, chỉ trong quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm khiến hơn 650 người bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu, điều trị, trong đó có 3 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2023 thì trong 3 tháng qua, số người bị ngộ độc thực phẩm tăng 270%.

Đáng chú ý trong số 16 vụ, chiếm tỷ lệ không hề nhỏ là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, nhiều vụ lên tới hàng trăm người. Điển hình là vụ người dân ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại cơ sở bánh mì Băng (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh). Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, tính đến 16h30 ngày 7/5, ngày thứ 7 sau khi sự vụ xảy ra, tổng số trường hợp nhập viện lũy kế là 547 trường hợp.

Cũng chiều 7/5, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Võ Thị Ngọc Lắm cho biết, đã có kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm trong vụ ngộ độc bánh mì ở thành phố Long Khánh. Theo đó, đa phần các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân, mẫu nguyên liệu thực phẩm lấy từ tiệm bánh mì bị nhiễm vi khuẩn Salmonella. Ngoài ra, một số mẫu khác nhiễm khuẩn E.coli và một số vi khuẩn khác.

Ngày 6/5, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh, cũng tìm thấy vi khuẩn Salmonella trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhi P.H.M. (14 tuổi, một trong những bệnh nhân của vụ nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại Long Khánh).

Chiều ngày 6/5, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thái Bình cho biết, đang tiếp tục điều tra, xác minh thông tin về vụ việc nhiều người nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm xảy ra tại phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình). Trước đó, vào các ngày 1 và 2/5 tại một gia đình ở tổ 5, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình có tổ chức bữa cỗ trước đám cưới cho con.

Trong đó trưa ngày 1/5 có khoảng 20 mâm cỗ với 120 người ăn, thực đơn gồm các món từ thịt gà, tôm, canh dưa cà và tiết canh dê (trong đó dê được giết mổ tại Ninh Bình vận chuyển về, nhân dê làm tiết canh là tai, gan, cuống họng lợn đã làm chín). Sau khi ăn, một người trong số đó có biểu hiện sốt nhẹ, ho, khó thở, đau tức hai bên sườn phải nhập viện ngày 4/5 và tử vong vào sáng 5/5 với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi nặng, biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, ngừng tuần hoàn, gout.

Ngày 2/5, tại TP.HCM, 15 học sinh của 4 trường gồm Trường Tiểu học Thạnh Mỹ Lợi (8 em), Trường Tiểu học Bình Trưng Đông (3 em), Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (1 em), Trường Tiểu học Nguyễn Thế Vinh (1 em) và 2 em chưa rõ trường học đã nhập viện với các triệu chứng ói, chóng mặt sau khi ăn cơm cuộn bán trước cổng trường.

Đầu tháng 4/2024, hơn 10 HS Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP. Nha Trang) phải nhập viện sau khi ăn cơm gà gần trường. Vào giữa tháng 3/2024, thống kê của Sở Y tế Khánh Hòa, kể từ ngày 13 - 18/3, tổng số người bị ngộ độc sau ăn cơm gà quán Trâm Anh (đường Bà Triệu, TP. Nha Trang) phải đến các cơ sở y tế để khám và điều trị là 367 người. Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Khánh Hòa cho biết, nguyên nhân khiến hàng loạt người nhập viện sau ăn cơm gà ở quán Trâm Anh (đường Bà Triệu, Nha Trang) là do ngộ độc thực phẩm bởi vi khuẩn Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus gây nên.

 Cán bộ thuộc Ban Quản lý ATTP TP.HCM kiểm tra thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền. Ảnh: T.L

Cán bộ thuộc Ban Quản lý ATTP TP.HCM kiểm tra thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền. Ảnh: T.L

Bảo đảm an toàn thực phẩm: Nhiều vấn đề đáng báo động

Không chỉ là 16 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 500 người nhập viện chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2024 hay con số hơn 1.000 người nhập viện bởi ba vụ ngộ độc thực phẩm lớn và hàng loạt vụ ngộ độc nhỏ chỉ từ tháng 9/2023 đến tháng 5/2024. Chính Bộ Y tế cũng đã phải đưa ra đánh giá, thừa nhận sự việc ngộ độc tập thể khi ăn thực phẩm không phải mới, thời gian qua đã xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước.

Tần suất dày đặc, tính chất các vụ ngộ độc thực phẩm không mới, lặp đi lặp lại rõ ràng đặt nhiều vấn đề đáng báo động đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Trở lại một trong những vụ ngộ độc thực phẩm gây xôn xao nhất trong 3 tháng qua với số lượng người bị ngộ độc nhập viện hơn 500 người: Vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại cơ sở bánh mì Băng tại Long Khánh. Theo kết quả xét nghiệm cũng như mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân, nguyên liệu thực phẩm lấy từ tiệm bánh mì bị nhiễm vi khuẩn Salmonella. Vi khuẩn Samonella có trong thực phẩm, nguồn nước ô nhiễm.

Với vụ ngộ độc tại quán cơm gà Trâm Anh ở Khánh Hòa khiến hơn 300 người nhập viện. Theo Sở Y tế Khánh Hòa, kết quả kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm, nước, bàn tay, bệnh phẩm từ quán cơm gà Trâm Anh (do Viện Pasteur Nha Trang thực hiện kiểm nghiệm) cho thấy, đây là vụ ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật (vi khuẩn: Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus).

 Cơ quan chức năng đang lấy mẫu thực phẩm của cơ sở kinh doanh. Ảnh: T.L

Cơ quan chức năng đang lấy mẫu thực phẩm của cơ sở kinh doanh. Ảnh: T.L

Còn trong vụ 15 học sinh ở 4 trường tiểu học trên địa bàn TP. Thủ Đức ngộ độc thực phẩm phải đi cấp cứu tại bệnh viện ngày 2/5, các chuyên gia từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật (HCDC) và nhi khoa nhận định đây là một vụ ngộ độc thực phẩm nghi do ăn phải độc tố vi khuẩn có trong thức ăn, khả năng cao là sau khi ăn cơm cuộn bán trước cổng trường.

Như vậy dễ thấy, tất cả các vụ ngộ độc thực phẩm trên đều do nguyên liệu không đảm bảo vệ sinh an toàn và hoàn toàn không hề chịu bất kỳ sự giám sát, quản lý, kiểm tra nào. Như tại cơ sở bánh mì Băng - nơi khiến hơn 500 con người phải nhập viện cấp cứu - thời điểm các cơ quan chức năng kiểm tra, tiệm bánh mì không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Hay với vụ học sinh trường Lê Văn Sĩ bị ngộ độc, ông Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, cho rằng rất có thể nguồn thực phẩm mà học sinh sử dụng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thứ hai là thức ăn buôn bán gần trường, ven đường cũng có thể bị nhiễm khuẩn. Dễ nhận thấy, nhiều thực phẩm đang đến thẳng với người tiêu dùng một cách rất tự do, thoải mái, không chịu bất cứ sự kiểm soát nào.

Giám sát chặt an toàn thực phẩm: Có thể không? Bằng cách nào?

Theo một số khảo sát chưa đầy đủ, ước tính hiện mỗi năm Việt Nam có chừng 250 – 500 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.000 – 10.000 nạn nhân, trong đó: 29% số vụ do thực phẩm nhiễm vi sinh vật; 8,3% do hóa chất; 29% do thực phẩm chứa chất độc tự nhiên; 33% số vụ không xác định được nguyên nhân.

Ngoài ra, còn phổ biến: Việc sử dụng các chất phụ gia trong sản xuất trở nên phổ biến, tràn lan, không đúng liều lượng và danh mục cho phép; Các loại phẩm màu, đường hóa học đang bị lạm dụng trong pha chế nước giải khát, sản xuất bánh kẹo, chế biến thức ăn sẵn như thịt quay, giò chả, ô mai gây mất an toàn thực phẩm và chưa được cấp giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm; Nhiều loại thịt bán trên thị trường không qua kiểm duyệt thú y; Tình hình sản xuất thức ăn, đồ uống giả, không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và không theo đúng thành phần nguyên liệu cũng như quy trình công nghệ đã đăng ký với cơ quan quản lý; Nhãn hàng và quảng cáo không đúng sự thật.

Như vậy, trong tình trạng báo động mất vệ sinh an toàn thực phẩm, việc nhiều ý kiến cho rằng cần đến ý thức và trách nhiệm của người dân khi sử dụng thực phẩm là chưa đủ. Quan trọng nhất vẫn là vai trò giám sát và xử lý của các cơ quan chức năng.

Trong công điện mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ thị rõ: Cần tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định; nghiên cứu xây dựng và sử dụng có hiệu quả hệ thống cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm theo đúng quy định.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương tổ chức thực hiện chương trình giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm và công tác phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo đúng quy định.

Bên cạnh công tác giám sát, quản lý thì chế tài với vi phạm an toàn thực phẩm cũng được bàn đến.

Thực ra, để ngăn chặn “thực phẩm bẩn”, Việt Nam đã có hệ thống pháp luật khá hoàn thiện. Có thể kể đến như: Luật An toàn thực phẩm của Quốc hội, số 55/2010/QH12; Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; Nghị định 124/2021/NĐ-CP sửa đổi nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BYT năm 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm do Bộ Y tế ban hành…

Tuy nhiên, hành vi vi phạm an toàn thực phẩm lại chưa bị xử phạt thích đáng. Cụ thể, mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân là 100 triệu đồng và 200 triệu đồng với tổ chức. Thế nên, các hành vi: Sử dụng nguyên liệu đã quá thời hạn sử dụng, nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng thực phẩm không đạt yêu cầu kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật, thậm chí sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật... để chế biến thực phẩm vẫn diễn ra khá phổ biến.

Vì thế, nói như bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM: “Việc xử lý hình sự đúng người đúng tội những cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ có tính răn đe tốt hơn. Những vi phạm về an toàn thực phẩm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tính mạng người dân. Chưa kể những chất độc hại tích tụ sẽ di hại về sau mà không ai định lượng được”.

Hà Trang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lien-tiep-cac-vu-ngo-doc-thuc-pham-quy-mo-lon-ngan-chan-hieu-qua-bang-cach-nao-post294743.html