Liên tiếp 9 vụ động đất tại Sơn La trong hai ngày

Theo Trung tâm báo tinh động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu, trong hơn 1 ngày qua, từ trưa ngày 27/7, đến đầu giờ chiều ngày 28/7, tại tỉnh Sơn La đã xảy ra 9 trận động đất ở các mức độ khác nhau.

Trận động đất thứ 8 trên địa bàn huyện Mộc Châu, Sơn La xảy ra vào lúc 5 giờ 1 phút 7 giây (GMT) ngày 28/7, tức 12 giờ 1 phút 7 giây ngày 28/7 (giờ địa phương). Tọa độ tại 20,903 độ Vĩ Bắc, 104,699 độ Kinh Đông. Độ sâu khoảng 9 km, cường độ 3,1 richter. Trận động đất thứ 9 trên địa bàn huyện Mộc Châu xảy ra ngay sau trận thứ 8, thời gian 5 giờ 50 phút 11 giây (GMT), ngày 28/7, tức 12 giờ 50 phút 11 giây ngày 28/7 (giờ địa phương).

Đáng chú ý, trận động đất tại Sơn La trưa ngày 27/7 có cường độ 5,3 độ richter đã khiến Hà Nội chịu rung chấn nhẹ. Nhiều người ở trong các tòa nhà cao tầng cảm nhận rõ ràng đồ vật, nhà bị rung lắc.

Một nhà dân ở bản Nặm Tôm (xã Tân Lập, Mộc Châu, Sơn La) bị sập trần nhà sau trận động đất trưa 27/7. Ảnh: VŨ HÀ

Một nhà dân ở bản Nặm Tôm (xã Tân Lập, Mộc Châu, Sơn La) bị sập trần nhà sau trận động đất trưa 27/7. Ảnh: VŨ HÀ

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La: Động đất đã làm trụ sở làm việc của UBND xã Nà Mường (huyện Mộc Châu) bị lún, nứt tường, rơi vỡ nhiều mảng trát tường, trần nhà; nứt gẫy nhiều đoạn cổ trần trụ sở làm việc; Trụ sở làm việc của UBND xã Tà Lại (Mộc Châu) bị lún, nứt tường; chập, cháy nổ một số hệ thống điện trong trụ sở, hiện tại hệ thống điện đã hoạt động ổn định.

Ngoài ra, động đất còn làm thiệt hại nhà văn hóa, trường mầm non, trạm y tế xã ở xã Tân Hợp, xã Tà Lại của huyện Mộc Châu; 127 nhà dân bị lún, nứt tường, vỡ ngói lợp, sập trần nhựa; 1 ô tô đỗ ven đường tại tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông Trường Mộc Châu bị bẹp đầu. Không có thiệt hại về người. TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, việc xảy ra các trận động đất liên tiếp như vậy là hiện tượng bình thường, vì sau các trận động đất lớn thông thường sẽ có những trận động đất nhỏ hơn.

Trong khi đó, khu vực huyện Mộc Châu nằm trong đới đứt gãy sông Đà nên thi thoảng vẫn xảy ra các trận động đất. Do động đất lên đến 5,3 độ richter nên khu vực phải hứng chịu thêm nhiều dư chấn khác. Tại Hà Nội và nhiều địa phương khác cũng cảm nhận rõ dư chấn này, người dân ở những tòa nhà cao tầng cảm nhận rõ rung lắc do dư chấn động đất.

Vị trí trận động đất mạnh 4 độ lúc 8h26 sáng 28/7. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Anh, thời gian gần đây khu vực miền núi phía Bắc có ghi nhận một số trận động đất trung bình.TS Nguyễn Xuân Anh cảnh báo, không thể coi nhẹ các hiểm họa động đất dù ở nước ta, thiệt hại về người và tài sản do động đất gây ra không đáng kể so với thiệt hại do các thiên tai khác như bão, lụt, hỏa hoạn, gây ra, song ông Xuân Anh cảnh báo, sẽ thật là sai lầm nếu coi nhẹ các hiểm họa động đất. Trong tương lai, theo ông Xuân Anh, khu vực Tây Bắc như Điện Biên, Tuần Giáo, Lai Châu, Sơn La,… có thể phải chịu đựng những chấn động cấp 8 – 9.

Còn PGS TS Cao Đình Chiểu, Viện trưởng Viện Vật lý ứng dụng, Hội Khoa học kỹ thuật địa Vật lý Việt Nam lý giải, do trận động đất có cường độ mạnh 5,3 richter xảy ra vào trưa ngày hôm qua đã tạo ra dư chấn là những trận động đất kế tiếp với cường độ nhỏ hơn. “Thông thường một trận động đất cường độ mạnh sẽ tạo ra dư chấn trong khoảng 3 ngày, sau đó sẽ giảm dần. Đới đứt gãy sông Đà được dự báo hoạt động tích cực, cường độ động đất ở đây có thể đạt tới 6,5 độ richter. Từ khá lâu, Viện Vật lý địa cầu đã có nghiên cứu và đưa ra cảnh báo về tình trạng hoạt động tích cực của đới đứt gãy sông Đà ở khu vực Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.”, PGS TS Cao Đình Triều cho hay.

T.Linh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/khong-the-coi-nhe-hiem-hoa-dong-dat-604678/