Liên tài

Bố hay đưa con trai đi cùng. Đi chợ, đi xóm, đi phố, đi câu, đi thăm thú bạn bè. Đi với bố thì không hy vọng gì nhanh được. Không phải chân bố có vấn đề. Đơn giản vì bố la cà, ngao du.

 Ảnh minh họa cho bài viết.

Ảnh minh họa cho bài viết.

Đang đi ngang qua cây mít góc vườn nhà người, bố dừng lại chút xíu “Đây là thứ mít nghệ trứ danh của quê mình, nhưng cây này cho trái ngon số một, cũng không hiểu vì sao?”. Cậu con trai cũng nhìn chăm chú “Nó lão hơn mít nhà bà mình đấy bố”.

“Một phần thôi, bố nghĩ, nó ngon vì bà cụ đây sinh thời thơm thảo lạ lùng, bà đang mang mít ra chợ, có mấy người nghèo trầm trồ mít bà ngon nổi tiếng nhưng chúng con chưa khi nào biết nó ra làm sao vì không có tiền mua bà ạ. Thế là bà cụ vẫy họ lại, bảo tìm dao đi, xẻ cho, cuối cùng bà cho tất cả đám phụ nữ chuyên làm thuê làm mướn ấy cả một trái mít”.

Bố đi tiếp, lại dừng bên người đàn ông trạc tuổi bố bên đồ nghề sửa xe. Một bụi tre già cũ, một mái lá cọ xiêu xiêu, hay cái ghế băng sờn cũ bên cạnh người ấy. Ở đây dân người ta uống chè xanh quanh năm, uống bằng bát.

Bố nói khẽ, hào hứng “Biết đưa ghế đưa nước chè ra đây là ông chủ rất nhân văn con hiểu không? Mùa hè gió Lào rát mặt, đang đi, xe xịt lốp, có mái che có chén nước, chờ bao lâu cũng không sốt ruột. Mùa đông thì ấm cả lòng. Người ta thích hàng của ông còn vì những thứ tưởng như vớ vẩn này”.

Vào chợ, bố hay níu con sà xuống những chủ sạp sởi lởi mà tươm tất, ngăn nắp. Rau và cá và thịt, rất nhiều hàng san sát nhưng chủ hàng phải ăn mặc sạch sẽ, sởi lởi thực chất (từ của bố) và cung cách khoan thai. Sà vào khu hàng ăn, bố đang định hướng nhớ bà cụ tầm tuổi bà nội mà bà và bố từng gắn bó. Đây rồi, cụ vẫn còn con ơi, bà mình còn sống thì cũng không ráo rảnh được như cụ này.

“Con nhìn cốt cách của bà nhé con, giờ những người như bà ấy sắp tuyệt chủng rồi con. Thứ bánh đa của bà cũng đỉnh nhất, rồi rau sống của bà cũng tinh nhất, bánh đa cua, bà không dùng cua đồng đã chết, không bao giờ!”.

Hai bên nhận ra nhau, bà cụ lâu đời của khu hàng ăn quê nhà và bố, người đang rưng rưng với tất cả. Con trai đã lớn tướng, khôi ngô thành thị, ngoan ngoãn ngồi xuống ghế băng cạnh bố và sung sướng nghe ông tung hứng chuyện với bà cụ răng đen, khăn vấn.

Các thứ đựng trong cái làn cũng xưa cũ như làng quê thân thiết không sao liệt kê hết được sự thân thiết ấy. Một góc ao bên đường, bố kéo con đứng lại “Ngày bé sao bố thấy cái ao này mênh mông thế. Bố từng câu rất nhiều cá tràu và cá rô cá chép ở cái đây”.

Nói về câu, bố lại tiếp “Quê mình có một ông khi ấy chỉ là một người đàn ông trẻ. Bố trốn được bà đi theo ông ấy ra cái tràu gần chân núi kia thì xem như biến mất cả ngày. Ông ấy có tài câu cá quả, câu cực độc, toàn giật lên những con cá cụ. Người ta bảo ông ấy có tay sát cá không biết có đúng không.

Thế nào khi về ông ấy cũng tạt vào nhà bà nội con để bà mua cá, bà thích thứ ngon mà có cá ngon thì bà sẽ cho quá cái tội quyến rũ thằng nhóc của bà đi vào núi. Nhớ mãi cái dáng ông quăng cái nhợ câu dài và nhấp nhấp, đế cần câu để trên bắp đùi, cái bắp đùi của ông ấy cũng như là biết nói vậy”.

Bố khiến con dừng lại một cánh đồng nhỏ có những khuôn ruộng nhỏ. Bố lại nói “Con có phân biệt những khuôn này với những khuôn khác trong kia không? Cũng một thứ đất mà người đàn ông có đám ruộng cạnh đường đi đây làm cho nó có hồn hơn, lúa hay hơn, mùa hoa màu, những thứ của ông cũng năng suất hơn thiên hạ. Đó là cái tài con ạ, cái hoa tay, cái tâm hồn, cái nết làm và rồi cả cái nết ăn, gọi là nết sống”.

Còn biết bao câu chuyện từ bố với những con người mà bố cho là tài năng hoặc thơm thảo. Bố bảo vì sao bố hay dừng lại lắc nhắc và chuyện trò, cũng là do cái nết của bà nội con, bà luôn muốn cho bố thấy những người tài của quê mình. Rồi sau này bà ra phố ở lâu với bố, bà lại có những người bạn tài của bà, một bà bán cùng buổi sáng năm thứ xôi mà xôi nào cũng khéo; một cô vá quần áo điêu luyện, một chị biết sống bằng nghề gội đầu các thứ lá khiến khách mê ly. Bố được như hôm nay là thừa hưởng từ tâm của bà nội con, ai có tính liên tài với những người tài dù là tài nhỏ, tài mọn thôi thì người ấy nhất định là người hào sảng, bao dung và chắc chắn là thơm thảo.

Bây giờ bà đã đi xa và bố cũng đã đi xa. Nhưng người con trai cũng kịp biết rõ người đàn ông là em nhận được gì ở họ, đó không phải tiền bạc mà là ánh sáng của đôi mắt và tâm hồn để nhận ra chung quanh mình biết bao người giỏi giang và tử tế.

DẠ NGÂN (Kiến thức gia đình số 43)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/lien-tai-post251597.html