Liên quan vụ ngộ độc do ăn pate Minh Chay: Thêm hai trường hợp nhập viện

Chiều 31/8, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hai đơn vị này đã tiếp nhận thêm 2 trường hợp nhập viện sau khi sử dụng sản phẩm pate Minh Chay.

Bệnh nhân N.T.T đã được cai máy thở và tiếp tục điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai ngộ độc do ăn pate Minh Chay, ngày 31/8/2020. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN

Bệnh nhân N.T.T đã được cai máy thở và tiếp tục điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai ngộ độc do ăn pate Minh Chay, ngày 31/8/2020. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN

Đây là trường hợp thứ 8 và thứ 9 liên quan đến thực phẩm chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới.

Theo Tiến sỹ, bác sỹ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 27/8, đơn vị này tiếp nhận nam bệnh nhân sinh năm 1966, ngụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa – Vũng Tàu chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng tứ chi yếu, sụp mi hoàn toàn, khó thở.

Khai thác bệnh sử, người nhà cho biết, chiều tối 25/8, bệnh nhân ăn khá nhiều thực phẩm pate Minh Chay. Sau 24 giờ, người này có biểu hiện nôn ói ngày càng tăng dần, khó nuốt, khó nói, sụp mi mắt. Bệnh nhân được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa – Vũng Tàu và được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy với chẩn đoán ban đầu là nhược cơ và được chỉ định nhập viện tại Khoa Nội thần kinh.

Tuy nhiên, sau khi thăm khám, các bác sỹ Khoa Nội thần kinh nhận thấy bệnh nhân có nhiều dấu hiệu bất thường, không giống các bệnh liệt khác nên đã mời Khoa Bệnh Nhiệt đới lên cùng hội chẩn. Ngày 29/8, bệnh nhân được đưa vào điều trị tại Đơn vị Chống độc - Khoa Bệnh viện Nhiệt đới và phải thở máy.

Theo Tiến sỹ, bác sỹ Lê Quốc Hùng, bệnh nhân có tất cả các triệu chứng điển hình của ngộ độc Clostridium Botulinum do ăn pate Minh Chay như các bệnh nhân trước đó đã mắc phải cũng như khuyến cáo từ Bộ Y tế. Do đó, các bác sỹ đã tiến hành lọc máu, hỗ trợ thở máy, điều trị theo hướng ngộ độc Clostridium Botulinum. Đến chiều 31/8, bệnh nhân trong tình trạng tỉnh táo, không sốt, các triệu chứng liệt không cải thiện, vẫn phải thở máy hỗ trợ.

Cũng trong chiều 31/8, bác sỹ Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã tiếp nhận 1 trường hợp nữ bệnh nhân (41 tuổi, ngụ thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) ngộ độc Clostridium Botulinum do sử dụng sản phẩm pate Minh Chay.

Trước đó, ngày 27/7 bệnh nhân có mua pate Minh Chay qua mạng và sử dụng. Sau đó xuất hiện các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, tê lưỡi, nói đớ, yếu cơ tứ chi kèm khó thở. Gia đình đã đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Columbia (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) điều trị nhưng không thuyên giảm và tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115.

Ngày 12/8, bệnh nhân được chuyển viện trong tình trạng tỉnh nhưng yếu cơ tứ chi (sức cơ gốc chi 4/5, sức cơ ngọn chi 3/5), yếu cơ vùng mặt. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân suy hô hấp và được đặt nội khí quản, phải thay huyết tương 5 lần, sử dụng dịch truyền, kháng sinh, điều trị hỗ trợ. Đến nay, sau hơn nửa tháng điều trị tích cực, cơ hô hấp của bệnh nhân còn yếu nên vẫn phải thở máy, sức cơ tứ chi hiện mới chỉ đạt 4/5.

Tính đến ngày 31/8, các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 9 trường hợp nhập viện điều trị sau khi ăn pate Minh Chay. Hiện có 5 người được xuất viện, chuyển về điều trị tiếp tục tại các bệnh viện địa phương; vẫn còn 2 bệnh nhân vẫn đang tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, 1 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và 1 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Đinh Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/lien-quan-vu-ngo-doc-do-an-pate-minh-chay-them-hai-truong-hop-nhap-vien--20200831194506289.htm