Liên quân Mỹ ồ ạt nã 105 tên lửa đánh Syria: Hiệp đấu tiếp ra sao?

Vụ Mỹ và đồng minh tấn công vào Syria bằng 105 quả tên lửa đã kết thúc. Nhưng nó đặt ra một dấu hỏi cho những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Liệu thế giới có leo thang xung đột khi mà Mỹ vẫn nói rằng khi có bằng chứng sử dụng vũ khí hóa học, họ sẽ tiếp tục hành động, RI đặt câu hỏi.

Như người ta đã biết "trò chơi kéo co" giữa một bên là Tổng thống Donald Trump cùng cố vấn an ninh quốc gia trường phái diều hâu John Bolton và bên còn lại là Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Tướng Joe Dunfor đã kết thúc với quyết định phát động "những cuộc tấn công chính xác" ngày 14.4 vào các mục tiêu tại ngoại ô Damascus.

Khoảng 105 tên lửa bao gồm tomahawk và các tên lửa hành trình khác đã được phóng từ tàu chiến Mỹ và máy bay chiến đấu của Anh. 71 quả tên lửa được cho là đã bị bắn hạ bởi hệ thống phòng không của quân đội Syria.

Hệ thống S-400 tối tân nhất của Nga đang có mặt tại căn cứ Hải quân Tartus và căn cứ Không quân Khmeimim không tham gia trong sự kiện này.

Ngày 14.4, Mỹ và Anh, Pháp bắn 103 quả tên lửa vào ngoại ô Damascus.

Có một vài thiệt hại vật chất với những kho bãi của quân đội Syria và một trung tâm nghiên cứu mà liên minh do Mỹ chỉ huy cho rằng chúng được dùng để chế tạo vũ khí hóa học. Không có thông tin về người chết hoặc bị thương. Các mục tiêu bị tấn công đều không có người Nga và Iran tại đó. Trong khi Lầu Năm Góc phủ nhận đã có liên hệ trước với Nga, thì có những tin đồn là đường bay của những tên lửa đã được người Nga biết trước dù những mục tiêu không bị tiết lộ.

Bộ trưởng Mattis tuyên bố nhiệm vụ đã hoàn thành. Nhưng Mỹ và các đồng minh vẫn sẵn sàng có những hành động tiếp theo nếu có những chứng cứ mới về việc chế độ của tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học tấn công thường dân.

Trong tuyên bố trước công chúng khi thực hiện vụ tấn công, Tổng thống Trump cũng sử dụng những cáo buộc không được chứng minh và những lời lẽ mang tính tuyên truyền về sự khủng khiếp của chất độc hóa học. Lời lẽ của ông Trump cũng giống như Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc sử dụng trước đó khi đáp trả cáo buộc của Đại sứ Nga Vasily Nebenzya là Mỹ đã vi phạm luật quốc tế và vụ tấn công hóa học được dàn dựng và không có thật.

Sự hạn chế và thiếu hiệu quả của vụ tấn công không làm hài lòng bất cứ ai trong tầng lớp chính trị Mỹ. Ngay cả những người khuyến khích ông Trump phải có thế đứng tự tin tại Syria và trừng phạt Damascus về những cáo buộc chưa được kiểm chứng như Thượng nghị sĩ Chuck Shumer cũng chỉ ủng hộ vụ tấn công một cách hờ hững và lưu ý rằng không có một chiến lược tổng thể nào của chính quyền Mỹ với vấn đề Syria, một mục tiêu cụ thể để "kết thúc trò chơi".

Nhiều người cho rằng ông Trump hạ lệnh tấn công Syria để đánh lạc hướng công luận trong vụ FBI điều tra người Nga có dính líu tới vụ bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Trong khi đó, những người khác giải thích thời điểm xảy ra vụ tấn công là nhu cầu cấp bách của tổng thống để đánh lạc hướng hướng dư luận tới những hành vi chính trị cá nhân của ông. Điều gây đe dọa cho ông Trump hơn là những giấy tờ và có thể là băng ghi âm đoạn hội thoại trong văn phòng với luật sư Micheal Cohen. Vì thế, ông đã quyết định tấn công trừng phạt trong khi chưa có bằng chứng điều tra về vụ tấn công hóa học. Trong khi, Tổ chức cấm sử dụng vũ khí hóa học OPCW vừa tới Damascus trước đó một ngày để tiến hành điều tra.

Còn với người Nga, dù sự thực là mối đe dọa quân sự của Mỹ và những lợi ích của họ không bị ảnh hưởng gì khi cuộc tấn công xảy vẫn có sự xúc phạm tới họ. Ông Putin đã bị tổng thống Trump công kích trong bài phát biểu trước công chúng rằng ông đã cung cấp sự hỗ trợ cho "con thú" Bashar al-Assad. Ông Putin đã kêu gọi Mỹ và các đồng minh kiềm chế và chờ kết luận điều tra tại Syria.

Như đã nói ở trên, Moscow coi cuộc tấn công này chưa vượt qua "lằn ranh đỏ" của họ và lựa chọn không can thiệp quân sự, để Syria tự phòng thủ. Nhưng đại sứ Nga tại Washington ông Antonov lặp lại sau vụ tấn công những cảnh báo của Nga rằng sẽ có "những hậu quả nghiêm trọng" với Mỹ và các đồng minh nhưng không đề cập chi tiết Nga sẽ trả đũa thế nào.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Quyết định không can thiệp của Nga rõ ràng có ý định để cho Mỹ phơi bày như một kẻ gây hấn và vi phạm luật quốc tế. Vì thế, người ta đang được chứng kiến những gì hoàn toàn giống như một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới. Những tính chất, sự kiện giống hệt như cuộc Chiến Tranh Lạnh đầu tiên đang nổi lên. Một trong những điều đáng lưu ý nhất là phòng tuyến tuyên truyền của bên bị ảnh hưởng. Trong mọi khía cạnh, vai trò của hai bên đang được đảo người lại ngày nay. Trong quá khứ, Washington đã "than vãn" về việc Liên Xô can thiệp quân sự vào Hungary và Tiệp Khắc. Ngày nay là Nga đưa ra những lời tuyên truyền để phàn nàn về sự gây hấn của Mỹ.

Tổng thống Putin có tiếng là một bậc thầy chiến lược dành thời gian cho mọi nước trên bàn cờ. Trước đây, dường như ông cũng nhận thức rằng "trả thù là một món ăn càng để nguội càng ngon". Tổng thống Nga thường chủ trương có những biện pháp đáp trả "bất đối xứng" với những động thái chống lại những lợi ích Nga của phương Tây.

Moscow từng tuyên bố đáp trả tương xứng nếu Mỹ tấn công Nga và đồng minh tại Syria.

Câu hỏi về những biện pháp đáp trả nằm trong suy nghĩ của người Nga kể từ khi Bộ tài chính Mỹ đưa ra những lệnh trừng phạt mới và tăng thêm những lệnh trừng phạt với kinh tế Nga có hiệu lực từ ngày 6.4. Thực tế, các nhà lập pháp Nga đang bận rộn với việc chuẩn bị để đệ trình với Duma quốc gia một dự luật tăng quyền lực cho tổng thống để tiến hành trả đũa các lệnh trừng phạt.

Dự luật này bao gồm việc cấm bán các sản phẩm quan trọng cho ngành công nghiệp máy bay Mỹ - phụ thuộc tới 40% vào nguồn titanium của Nga để sản xuất các máy bay dân dụng và quân sự; hủy bỏ hợp tác song phương trong không gian mà Nga cung cấp các động cơ tên lửa để Mỹ phóng các vệ tinh thương mại hay các loại vệ tinh khác và hoàn toàn cấm rượu, rượu mạnh và thuốc lá Mỹ tại Liên bang Nga.

Bên cạnh việc hủy bỏ mua bán titanium, những lệnh trừng phạt khác được đưa ra để cân bằng với những thiệt hại mà Mỹ gây ra khi trừng phạt tập đoàn Rusal của Nga - nhà sản xuất và phân phối nhôm lớn thứ 2 thế giới đã mất tới 12 tỷ USD giá trị cổ phiếu trong ngày đầu tiên của lệnh trừng phạt. Nhưng Mỹ là một nền kinh tế lớn nhất thế giới gấp 10 lần kinh tế Nga và khả năng Mỹ gây thiệt hại kinh tế cho Nga xa hơn nhiều so với khả năng Nga đáp trả với nền kinh tế Mỹ.

Thực tế, logic duy nhất cho những leo thang của Mỹ trong việc ra lệnh trừng phạt với ý định hủy hoại kinh tế Nga là Nga sẽ đáp trả trong một lĩnh vực mà họ hoàn toàn ngang bằng với Mỹ: lực lượng quân sự. Vì thế, ở điểm này chiến tranh kinh tế sẽ trở thành một động lực để Nga đáp trả quân sự. Đây là một khả năng có thể xảy ra mà dường như các nhà lãnh đạo chính trị Mỹ hoàn toàn bỏ qua.

Tổng thống Putin thường đáp trả lại phương Tây bằng những phương pháp "bất đối xứng".

Cũng vậy với hành động của Mỹ xúc phạm Nga khi tấn công Syria, có thể Nga sẽ chọn đáp trả lại bằng cách tấn công vào những lợi ích của Mỹ ở những khu vực khác, nơi họ có sự ưu việt hơn về hậu cần và việc tấn công không leo thang thành một cuộc đọ kiếm trực tiếp hay có khả năng gây ra chiến tranh hạt nhân.

Có rất nhiều nơi như vậy bắt đầu từ Ukraine - Đây là nơi mà nếu Nga muốn và Nga tin rằng họ đã trả giá đủ cho sự "xấu chơi" của Mỹ. Một số nhà phân tích lo ngại Nga bị dồn vào chân tường sẽ hành động nhanh chóng để loại bỏ chính phủ tại Kiev trong một chiến dịch thần tốc, đưa ra một chính phủ lâm thời do họ lựa chọn. Nga sẽ không chiếm đóng và họ cũng không muốn và không đủ điều kiện để làm điều này. Nhưng một chính quyền Ukraine mới sẽ giữ gìn hòa bình, chấm dứt thái độ thù địch với Nga và chuẩn bị cho những cuộc bầu cử quốc gia mới. Những kịch bản tương tự cũng có thể xảy ra ở những khu vực có đường biên giới với Nga, nơi mà Mỹ và đồng minh NATO đang khuấy động.

Không phải là Nga sẽ không thể làm gì tại Syria để đáp trả sự khiêu khích của Mỹ. Nhưng trong trường hợp chưa bị đe dọa sát sườn, Nga không cần thiết phải đối đầu trực tiếp với Mỹ.

Sự phản kháng tại phương Tây

Mọi người có thể tự hỏi liệu sẽ có một cuộc biểu tình nào chống lại Mỹ tại châu Âu do "những nhà nhân đạo tiến bộ" chống lại hành động gây hấn của Mỹ?

"Những nhà nhân đạo tiến bộ" là một thuật ngữ chỉ những người theo xu hướng chính trị cánh tả. Luôn luôn có những người như họ thúc đẩy các cuộc biểu tình chống chiến tranh tại Mỹ và châu Âu như biểu tình chống chiến tranh Việt Nam những năm 1960 hay biểu tình chống lại việc giới thiệu những tên lửa hành trình ở châu Âu để ngăn chặn tên lửa tầm trung SS20 của Nga.

Những kể từ những năm 1990 tới nay, những đảng phái chính trị cánh tả cả ở Mỹ và châu Âu đều bị mất đi phần lớn sự ủng hộ của những người bỏ phiếu. Những lãnh đạo nổi bật, lôi cuốn, thống trị nền chính trị toàn cầu hầu hết là những người cực hữu hoặc dân túy đánh bại những nhân vật theo trường phái ôn hòa. Trong khi đó, những phong trào hòa bình gần như tiêu tan. Những nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa hầu như đều chống Nga và theo bước những người theo trường phái diều hâu hiếu chiến về một trật tự thế giới do Mỹ bảo trợ.

Tượng cựu Tổng thống Mỹ Harry Truman bị người biểu tình Hy Lạp buộc dây thừng và dùng cưa sắt cắt chân để tìm cách giật đổ trong cuộc biểu tình phản đối Mỹ tấn công Syria hôm 16.4.2018 ở Athens.

Vì những lý do như vậy, cần đặc biệt lưu ý rằng những hành động đầu tiên khiến Mỹ đánh bom Syria xuất phát từ truyền thông trên mạng xã hội và những cổng thông tin mà không thể xếp chúng vào theo cánh tả, ôn hòa hay tiến bộ. Sự không ưa ông Trump, ông Bolton và toàn bộ thành viên cấu thành nên chính phủ đã lấn át hoàn toàn những người hoài nghi hay không phản đối Putin - "một người độc đoán", mạnh mẽ, người cổ động cho giá trị gia đình và chính thống giáo. Những kiến nghị, thỉnh cầu trên internet đang được truyền bá và một vài dấu hiệu cho thấy thế giới đang ở bên bờ vực sụp đổ do sự đối đầu giữa Mỹ và Nga.

Những dấu hiệu khác cho thấy những hành động chống chiến tranh có thể được thực hiện theo một cách khác ngoài những cuộc biểu tình thực tế như Massachusetts Peace Action - một tổ chức phi lợi nhuận vì hòa bình là một nhánh kế thừa của SANE, tổ chức chống vũ khi hạt nhân lớn nhất nước Mỹ thời Chiến tranh Lạnh. Massachusetts Peace Action đã kêu gọi các thành viên tập hợp tại Cambridge để biểu tình chống lại cuộc tấn công của Mỹ vào Syria và kêu gọi Quốc hội lấy lại quyền tuyên bố chiến tranh.

Đây là những bước nhỏ không có sức nặng chính trị nhưng nó làm lóe lên những tia sáng trong đêm đen.

Tiệp Nguyễn

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/lien-quan-my-o-at-na-105-ten-lua-danh-syria-hiep-dau-tiep-ra-sao-170416.html