Liên quan hay không?

Ngày 20-6, các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) cho biết sẽ tiếp tục gia tăng sức ép quốc tế đối với Nga sau khi kết luận của các điều tra viên ngày 19-6 cho biết đã thu thập đủ bằng chứng cho thấy Nga đã cung cấp các bệ phóng tên lửa được sử dụng để bắn hạ chiếc máy bay dân dụng mang số hiệu MH17

Ngày 20-6, các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) cho biết sẽ tiếp tục gia tăng sức ép quốc tế đối với Nga sau khi kết luận của các điều tra viên ngày 19-6 cho biết đã thu thập đủ bằng chứng cho thấy Nga đã cung cấp các bệ phóng tên lửa được sử dụng để bắn hạ chiếc máy bay dân dụng mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines khi bay qua miền Đông Ukraine hồi tháng 7-2014 khiến toàn bộ 298 người trên khoang thiệt mạng.

Bản dự thảo tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh EU nhấn mạnh: “Hội đồng Châu Âu nhắc lại về sự ủng hộ hoàn toàn dành cho những nỗ lực xác định sự thật, công lý và trách nhiệm đối với các nạn nhân và gia đình của họ. Hội đồng kêu gọi Nga hợp tác đầy đủ với cuộc điều tra, và bày tỏ sự tin tưởng hoàn toàn vào tính độc lập và chuyên nghiệp của các thủ tục pháp lý đang được thực hiện”.

Mỹ cùng ngày cũng kêu gọi Nga đảm bảo “công lý” sau cáo buộc liên quan đến vụ MH17. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi Nga phải đảm bảo rằng những đối tượng bị buộc tội giết người trong vụ rơi máy bay MH17 phải đối mặt với công lý. Trong một tuyên bố, ông Pompeo nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi Nga... đảm bảo rằng bất kỳ cá nhân nào bị truy tố hiện đang ở Nga đều phải đối mặt với công lý”.

Trước đó, nhóm điều tra hỗn hợp quốc tế (JIT) về vụ rơi máy bay MH17 đã thông báo truy tố 4 nghi can bị cáo buộc bắn rơi chiếc máy bay này. JIT đã nêu tên của 4 nghi can gồm Leonid Kharchenko người Ukraine, và 3 người mang quốc tịch Nga là Oleg Pulatov, Igor Girkin và Sergey Dubinsky. Các bị can sẽ hầu tòa bắt đầu vào tháng 3-2020 tại Hà Lan.

Phản ứng với kết luận điều tra của JIT, Giám đốc Trung tâm chính sách đương đại Alexei Chesnakov, một chuyên gia chính trị cấp cao của Nga cho rằng thông tin do nhóm điều tra công bố chứng minh rằng cuộc điều tra được thực hiện một cách rất cẩu thả. Ông Chesnakov cho rằng: “Rõ ràng là cuộc điều tra về vụ tai nạn máy bay Boeing được thực hiện theo cách rất thiếu chuyên nghiệp. Họ khẳng định rằng có một cuộc trò chuyện qua điện thoại đã được ghi lại giữa nghi phạm làm rơi máy bay MH17 Igor Girkin với trợ lý Tổng thống Nga Vladislav Surkov. Điều này hoàn toàn vô lý”. Ông Chesnakov nói thêm rằng: “Ông Surkov chưa bao giờ có bất kỳ cuộc trò chuyện nào với ông Girkin, cả trực tiếp lẫn qua điện thoại. Cấp liên lạc xứng tầm với ông Surkov là những người đứng đầu các nước cộng hòa Donbass (tự xưng). Ông Girkin đơn giản không phải là đối tượng của ông ấy. Đoạn ghi âm này phải được gửi tới một cơ quan phân tích độc lập, theo đó sẽ chứng minh một cách dễ dàng rằng đoạn ghi âm này không có tiếng nói của ông Surkov trong đó”. Vị chuyên gia chính trị Nga cũng cung cấp thêm các bằng chứng chi tiết khác và kết luận: “Chi tiết nhỏ này tạo ra sự nghi ngờ đối với toàn bộ cuộc điều tra. cuộc điều tra là không chính xác hoặc cẩu thả”.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad ngày 20-6 cũng bác bỏ cáo buộc Nga có thể liên quan trong vụ bắn hạ máy bay MH17. Ông Mahathir cho biết, ông không nghĩ những chứng cứ của nhóm điều tra quốc tế “hoàn toàn đúng” và “chúng tôi rất không hài lòng bởi ngay từ đầu, nó đã trở thành một vấn đề chính trị về việc cáo buộc Nga có hành vi sai trái như thế nào. Thậm chí trước khi chúng tôi kiểm tra mảnh vỡ, họ đã nói là Nga. Do đó, rất khó để chúng tôi chấp nhận điều này”. Thủ tướng Malaysia nói thêm: “Chúng tôi muốn bằng chứng phạm lỗi... nhưng cho đến nay, vẫn không có bằng chứng. Chỉ là tin đồn. Tôi hy vọng mọi người sẽ biết được sự thật”. Theo Bộ Ngoại giao Malaysia, nước này vẫn cam kết cuộc điều tra đảm bảo tính minh bạch, đáng tin và hiệu quả, đồng thời hối thúc tất cả các bên hợp tác trong quá trình điều tra.

T.NGỌC

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_208155_lien-quan-hay-khong-.aspx