Liên minh quân sự Mỹ - Hàn: Vết nứt khó lành

Liên minh quân sự Mỹ - Hàn Quốc đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi hai bên hục hặc nhau về chi phí quân sự.

Liên minh Mỹ - Hàn Quốc đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ

Liên minh Mỹ - Hàn Quốc đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ

Mỹ - Hàn đổ vỡ

Các đại biểu Hàn Quốc và Mỹ đã hủy buổi họp ngày 19/11 vì bất đồng liên quan tới chi phí an ninh cho quân đội Mỹ tại Hàn Quốc. Các bên cáo buộc phía còn lại không sẵn sàng thỏa thiệp chia sẻ chi phí đồn trú của gần 28.500 quân Mỹ tại Hàn Quốc, trong khi Tổng thống Trump bóng gió khả năng rút quân về nước.

Theo Yonhap cho biết Mỹ yêu cầu chi phí tiền lương cho binh sĩ Mỹ, chi phí hỗ trợ gia đình, chi phí luân chuyển binh sĩ tới Hàn Quốc và huấn luyện ngoài thực địa. Còn trong thỏa thuận chia sẻ chi phí, Hàn Quốc chỉ thanh toán ba hạng mục bao gồm tiền chi trả cho nhân sự Hàn Quốc được Mỹ thuê, chi phí xây dựng quân sự bên trong các căn cứ Mỹ, các khoản hỗ trợ quân sự khác, ví dụ như tiền nguyên vật liệu...

Đổ vỡ trong các cuộc đàm phán này là một sự bất đồng công khai hiếm hoi trong quan hệ đồng minh 66 năm qua. Đã từ lâu, mối quan hệ giữa Mỹ và Hàn Quốc đang đứng trước thử thách lớn và bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu rạn nứt, xuất phát từ việc Tổng thống Trump liên tục đề nghị Seoul phải tăng kinh phí.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, Tổng thống Trump dường như không nhận ra rằng Hàn Quốc đã có những đóng góp đáng kể cho liên minh quân sự với Mỹ. Trong năm 2017, 2,7% GDP của Hàn Quốc dành cho quốc phòng - tỷ lệ cao hơn bất kỳ thành viên nào của của khối NATO.

Theo kết quả cuộc đàm phán Thỏa thuận Những biện pháp Đặc biệt (SMA) gần đây nhất, Hàn Quốc đã chi trả một nửa chi phí cơ bản, tương đương khoảng 1,6 tỷ USD cho sự hiện diện của quân đội Mỹ.

Tuy nhiên, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, người luôn ủng hộ sự hiện diện của quân đội Mỹ ở nước ngoài và giúp đỡ các đồng minh, bất ngờ từ chức do mâu thuẫn quan điểm với Tổng thống Trump, chiến lược quốc phòng của Mỹ tại Hàn Quốc đã thay đổi.

Tổng thống Trump muốn Seoul chi trả 100% chi phí. Chính vì sự thực dụng của người Mỹ, các nhà lập pháp Hàn Quốc cho biết họ sẽ từ chối phê chuẩn bất kỳ kết quả nào vượt mức của các cuộc đàm phán hiện tại, khi vượt khỏi nguyên tắc và cấu trúc đã được thiết lập bởi các bản thỏa thuận trước đó.

Dưới thời Tổng thống Trump, quan điểm của Hoa Kỳ về các liên minh đã thay đổi. Từ việc liên minh với các quốc gia để chia sẻ các giá trị, lợi ích chung và chiến lược sang liên minh hoàn toàn mang tính chất giao dịch. Điều này đã làm các đồng minh của Mỹ bao gồm EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đang trở nên bất mãn khi các giá trị mang lại cho Mỹ không thể có được bằng tiền.

Khơi mào xung đột mới

Sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc có thể sẽ bị rút ngắn trong thời gian tới

Nhà phân tích Choi Kang nhận định, "Mỹ cần phải nhận thức rằng họ phải luôn nhớ mục đích chính của liên minh với Hàn Quốc là ngăn chặn chiến tranh và các cuộc tấn công của Triều Tiên". Không giống như Iraq và Afghanistan, một cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên sẽ có tác động toàn cầu và ảnh hưởng tới an ninh toàn cầu một cách mãnh liệt hơn.

Điều này phải kể đến việc gần đây Tổng thống Trump dường như đang thúc giục Triều Tiên hoàn thành đàm phán để tiến tới ký kết một thỏa thuận phi hạt nhân hóa. Dường như sự tự tin về mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang làm Tổng thống Trump tin tưởng việc bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên sẽ tiến tới việc giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc khi không còn mối đe dọa trong khu vực.

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn đang tiếp tục thử nghiệm một tên lửa tầm ngắn với tần suất cao. Dữ liệu tình báo Hàn Quốc sẽ có thể cung cấp nhiều thông tin hữu ích như vận tốc, độ cao và độ tinh vi của vũ khí. Nếu liên minh Mỹ - Hàn rạn nứt, việc chia sẻ thông tin sẽ chấm dứt và các nước, thậm chí cả Mỹ sẽ trở nên khó đối phó với Triều Tiên hơn.

Mặt khác, việc này có thể thúc đẩy Trung Quốc tăng cường sức mạnh vũ khí khi đang Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên các đảo do Nhật quản lý và phản đối Hàn Quốc khi nước này năm 2016 lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ THAAD trên lãnh thổ của mình.

Cả Trung Quốc và Triều Tiên đều xem Mỹ là đối thủ chính và các đồng minh của Mỹ là những trở ngại lớn cho mục tiêu chiến lược của họ. Do đó, nếu quan điểm của Tổng thống về liên minh Mỹ - Hàn không thay đổi, quân đội Hoa Kỳ có thể sẽ sớm rời khỏi Hàn Quốc và đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ đồng minh đã kéo dài hàng chục năm.

Đáng lo ngại hơn, điều này có thể mang lại một khởi đầu bi thảm và đột ngột cho một cuộc xung đột mới không chỉ trong lĩnh vực thương mại với Trung Quốc, thậm chí với cả Nga và Triều Tiên.

Cẩm Anh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/lien-minh-quan-su-my-han-vet-nut-kho-lanh-161743.html