Liên minh quân sự mạnh nhất thế giới tự thua trước Nga?

- Trong bối cảnh Nga và NATO đang đối đầu quyết liệt, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bất ngờ thừa nhận NATO đang “chết não” đồng thời cảnh báo Châu Âu có thể không còn dựa được vào Mỹ. Có vẻ như NATO đang gặp nhiều vấn đề trong nội bộ mà nếu không xử lý kịp thời, đúng đắn thì liên minh quân sự từng được miêu tả là mạnh nhất và lâu đời nhất này có thể suy sụp. Đây sẽ là viễn cảnh mà Nga luôn mong muốn.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

“Tôi cho rằng chúng ta nên đánh giá lại thực tế NATO hiện tại là gì khi xem xét cam kết của Mỹ. Chúng ta không có sự phối hợp giữa Mỹ và các đồng minh NATO trong quá trình ra quyết định chiến lược. Không có gì. Chúng ta đang đối mặt với một hành động gây hấn từ một nước NATO khác – Thổ Nhĩ Kỳ, ở trong một lĩnh vực mà lợi ích của chúng ta bị ảnh hưởng”, Tổng thống Macron đã nói như vậy với tờ The Economist tại Cung điện Elysee.

Khi được hỏi liệu ông có còn tin vào Điều 5 của Hiệp ước Sáng lập NATO – theo đó một cuộc tấn công vào một nước được xem là một cuộc tấn công vào toàn bộ các thành viên NATO, Tổng thống Macron đã thẳng thắn trả lời: “Tôi không biết… Điều 5 sẽ có ý nghĩa gì vào ngày mai?'

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Economist từ hôm 21/10 và vừa được công bố ngày hôm qua, Nhà lãnh đạo nước Pháp cho rằng, Châu Âu “đang đứng trên bờ vực của một vách đá. Thứ mà chúng ta đang trải qua hiện nay là sự chết não của NATO”, ông Macron nhấn mạnh.

Tổng thống Pháp cũng cho rằng, Châu Âu nên “thức tỉnh” và nên coi mình là một liên minh địa chính trị nếu không sẽ bị xóa sổ. Theo lời ông Macron, Tổng thống Trump “không chia sẻ ý tưởng về đề án Châu Âu và liên minh này đang bị tổn hại hơn nữa bởi vụ Brexit”.

Tổng thống Macron nói với tờ The Economist rằng, Mỹ “đang quay lưng với chúng ta”.

Những phát biểu trên được ông Macron đưa ra trong bối cảnh NATO đang phải đối mặt với thách thức chưa từng có từ việc Tổng thống Mỹ Trump thường xuyên đe dọa từ bỏ NATO nếu các nước thành viên không chia sẻ gánh nặng tài chính mà Washington đang phải gánh cho liên minh quân sự này. Hơn nữa, các nước Châu Âu cũng đang rất tức giận trước việc Mỹ đột ngột hủy bỏ Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) – một hiệp ước có liên quan trực tiếp đến an ninh Châu Âu.

Liên quan đến vấn đề gánh nặng chi tiêu quốc phòng, Tổng thống Trump đã công khai thể hiện sự bất bình, khó chịu trước việc các nước thành viên NATO không đáp ứng đúng quy định về chi tiêu quốc phòng. Ông chủ Nhà Trắng từng gây sốc khi đặt câu hỏi về giá trị của liên minh NATO đối với nước Mỹ. Ông này đã có hàng loạt cuộc thảo luận với giới chức an ninh hàng đầu của Mỹ để bàn về việc rút Mỹ ra khỏi NATO. Diễn biến này thực sự đã khiến các đồng minh phương Tây của Mỹ lo lắng.

Tổng thống Trump vẫn thường cáo buộc các thành viên của liên minh NATO về việc chất mọi gánh nặng chi tiêu quốc phòng lên Mỹ. Kể từ khi lên cầm quyền, ông Trump đã không ngừng nói về vấn đề trên. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh, Mỹ vẫn đang đầu tư tiền vào NATO nhiều hơn bất kỳ nước nào khác và kêu gọi các thành viên NATO phải tăng chi tiêu quốc phòng. Tổng thống Trump không ngại ngần cảnh báo Mỹ sẽ không tiếp tục bảo vệ NATO một cách vô điều kiện nếu các nước thành viên của liên minh không hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo yêu cầu.

Ngoài vấn đề ngân sách quốc phòng, Châu Âu còn đang cảm thấy bị Mỹ bỏ rơi sau khi Mỹ rút khỏi INF.

INF được ký kết là để giải quyết một cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân thời Xô-viết nhằm vào các thủ đô phương Tây. Hiệp ước INF được ông Mikhail Gorbachev và ông Ronald Reagan ký năm 1987 cấm Nga và Mỹ phát triển, triển khai và thử nghiệm các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo được phóng đi từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng 300 đến 3.400 dặm (tương đương từ 482km đến 5470km). Hiệp ước này được coi là một thành tựu lớn đạt được trong nỗ lực nhằm “tháo ngòi” căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh và giúp hóa giải nỗi lo sợ về vũ khí hạt nhân ở châu Âu.

Tổng thư ký NATO Stoltenberg từng nói rằng, liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương phải chuẩn bị cho “một tương lai không có hiệp ước INF và một tương lai với nhiều tên lửa của Nga hơn".

Việc NATO đứng trước một tương lai bấp bênh sẽ khiến Nga mừng thầm bởi trong nhiều năm qua Nga và NATO đang đối đầu nhau gay gắt.

Kiệt Linh (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/quoc-te/201911/lien-minh-quan-su-manh-nhat-the-gioi-tu-thua-truoc-nga-193526a/