Liên minh Hàn - Mỹ đáng giá bao nhiêu?

Sự vững bền của liên minh truyền thống Hàn - Mỹ đang phụ thuộc vào sự chia sẻ kinh phí duy trì hoạt động của lực lượng binh sĩ Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc (USFK).

Các biện pháp đặc biệt

Sự cải thiện quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên thể hiện qua hàng loạt cuộc gặp thượng đỉnh và các cuộc gặp cấp chuyên viên trong năm 2018 đã góp phần làm thay đổi môi trường an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi quan hệ liên Triều được cải thiện thì mối quan hệ đồng minh Hàn - Mỹ lại rơi vào tình trạng khó khăn. Năm 2018, Seoul và Washington đã gặp bế tắc trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận chia sẻ kinh phí duy trì hoạt động của lực lượng binh sĩ Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc (USFK) vốn đã hết hạn vào ngày 31/12/2018.

Tập trận chung Mỹ - Hàn tại Pohang, Hàn Quốc hồi tháng 4/2017. (Nguồn: Getty Images)

Vào ngày 10/2 vừa qua, một tháng sau khi các cuộc đàm phán được kéo dài, Hàn Quốc và Mỹ cuối cùng đã đi đến ký kết Thỏa thuận Các biện pháp đặc biệt (SMA) mới về vấn đề chia sẻ chi phí quốc phòng cho USFK.

Tuy nhiên, SMA mới (quy định Seoul phải đóng góp khoản kinh phí 1,04 nghìn tỷ Won (khoảng 923 triệu USD) vẫn cần được Quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn mới chính thức có hiệu lực thi hành. Khoản tiền này vẫn thấp hơn mức yêu cầu ban đầu mà Washington đưa ra là 1,2 nghìn tỷ Won. Mặc dù vậy, khoản đóng góp của Seoul cũng đã tăng 8,2% so với mức của năm 2018 (Seoul đã chi 960 tỷ Won, tương đương 850 triệu USD) để đảm bảo duy trì hoạt động của 28.500 binh sĩ USFK, chiếm gần 41% tổng chi phí cho lực lượng này.

Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Hàn Quốc cũng đã cắt giảm hiệu lực của SMA từ 5 năm như trước đây xuống còn 1 năm. Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump yêu cầu SMA chỉ có hiệu lực trong 1 năm là để thuận lợi cho việc đề nghị Hàn Quốc tăng khoản đóng góp này trong tương lai.

Kể từ khoản đóng góp trị giá 150 triệu USD cho USFK sau khi SMA đầu tiên chính thức có hiệu lực vào năm 1991, Hàn Quốc hằng năm đều tăng các khoản đóng góp này cho phía Mỹ. Tuy nhiên, năm 2018 Washington đã yêu cầu Seoul tăng mức đóng góp này từ 150 lên 200%. Sự thay đổi lập trường của Chính phủ Mỹ chủ yếu xuất phát từ quan điểm cứng rắn của ông Donald Trump, người trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống đã kịch liệt chỉ trích các đồng minh của Mỹ chưa đóng góp tương xứng cho các chi phí duy trì lực lượng đồn trú của Mỹ. Ông Trump cũng từng than phiền rằng Seoul đã chia sẻ khoản kinh phí "không tương xứng" so với những gì Mỹ bỏ ra.

Hàn Quốc không ủng hộ quan điểm này của Tổng thống Trump. Seoul đã đầu tư hơn 90% kinh phí trị giá 10,8 tỷ USD để xây dựng căn cứ quân sự Camp Humphrey vốn được coi là "lớn nhất" của Mỹ ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Seoul cũng đã mua trang thiết bị quân sự của Mỹ trị giá 19,8 tỷ USD trong giai đoạn 2012 - 2016, chiếm gần 80% chi phí cho lĩnh vực nhập khẩu quốc phòng của Xứ sở Kim Chi.

Một nghiên cứu của Viện phân tích Quốc phòng Hàn Quốc cũng cho thấy SMA không bao gồm những đóng góp trực tiếp của Hàn Quốc cho USFK mà trong đó phải kể đến việc cắt giảm và miễn thuế, dịch vụ công cộng, hỗ trợ chi phí di chuyển căn cứ quân sự và lương thực thực phẩm... vốn cũng đã lên tới khoảng 5 tỷ USD trong năm 2015.

"Gật đầu" vì sức ép

Bên cạnh việc Hàn Quốc phản đối đề nghị tăng mức đóng góp cho chi phí quốc phòng dành cho USFK, những nội dung đạt được trong SMA mới cũng hoàn toàn không có lợi cho Seoul.

Hàn Quốc là đồng minh đầu tiên của Mỹ bắt đầu đàm phán về mức độ chia sẻ chi phí quân sự với chính quyền ông Donald Trump. Các đồng minh chủ chốt khác của Mỹ như Nhật Bản hay Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tham gia các cuộc đàm phán tương tự trong những năm tiếp theo. Đây là lý do chính quyền Trump không muốn nhượng bộ Hàn Quốc để tránh bị "yếu thế" ở các cuộc đàm phán với các đồng minh khác trong tương lai.

Lo ngại những bất đồng giữa hai đồng minh có thể ảnh hưởng tới những tiến triển thuận lợi trên Bán đảo Triều Tiên, Chính phủ Hàn Quốc do chịu nhiều sức ép đã chấp nhận mức đóng góp cao hơn các năm trước. So với mức tăng 5,8% đạt được trong các cuộc đàm phán về SMA hồi năm 2013, mức tăng 8,2% lần này được coi là "rất khó" để Hàn Quốc chấp nhận. Tuy nhiên, cuối cùng Seoul cũng đã nỗ lực để tránh chấp nhận mức đóng góp tăng 200% như đề nghị của Washington đưa ra trong các cuộc đàm phán.

Một cuộc hội đàm giữa các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Hàn. (Nguồn: Yonhap)

Điều lo ngại hơn nữa chính là thời hạn của SMA chỉ là 1 năm nên Mỹ và Hàn Quốc sẽ sớm bắt đầu các cuộc đàm phán SMA mới cho năm 2020. Nếu chính quyền Donald Trump tiếp tục đưa ra "yêu cầu cao quá mức" về khoản đóng góp trong các vòng đàm phán diễn ra cuối năm nay, điều này có thể làm xói mòn lòng tin của Hàn Quốc đối với Mỹ vốn vẫn được coi là một đối tác an ninh tin cậy và sẵn sàng mở rộng cửa để giải quyết những bất ổn trong mối quan hệ liên minh song phương này.

Đối với các nhà lập pháp Mỹ, sự hỗ trợ của Hàn Quốc trong việc đảm bảo lợi ích của Mỹ ở Đông Á có thể cho thấy không chỉ giúp duy trì sự hiện diện quân sự và kinh tế của Mỹ trước Trung Quốc mà còn giúp triển khai thực hiện "chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do".

Tổng thống Trump mới đây cũng đã ký phê chuẩn dự luật ARIA, cho phép chi 1,5 tỷ USD để tăng cường an ninh cho Mỹ, đảm bảo lợi ích kinh tế và giá trị Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, cách tiếp cận cứng rắn của ông Trump đối với các đồng minh của Mỹ có thể đưa ra một tín hiệu sai lệch cho Seoul đồng thời cản trở sự phát triển của mối quan hệ quân sự chiến lược với Hàn Quốc, một nhân tố trung tâm trong chính sách của Mỹ đối với khu vực.

Điều quan trọng là vấn đề này lại xuất hiện ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai giữa ông Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra trong hai ngày 27 - 28/2 tới. Theo đó, Hàn Quốc sẽ không "ngay lập tức" làm ảnh hưởng đến quan hệ với Mỹ bởi chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in coi sự hợp tác giữa Seoul và Washington là yếu tố sống còn để thiết lập nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên. Mặc dù vậy, nếu Mỹ không đưa ra được những tín hiệu cho thấy cam kết đảm bảo an ninh của mình đối với Hàn Quốc và gắn những yêu cầu đóng góp chi phí quốc phòng với khả năng rút USFK, Seoul hoàn toàn có thể đặt dấu hỏi về độ bền vững của liên minh Mỹ - Hàn.

Mặc dù Tổng thống Donald Trump đang phủ nhận kế hoạch rút quân đồn trú song "có thể một ngày nào đó" Washington và Seoul sẽ khởi động đàm phán về cắt giảm hoặc rút USFK. Các cuộc đàm phán như vậy cần được tiến hành trên cơ sở sự tin cậy lẫn nhau giữa Mỹ và Hàn Quốc, tiến trình xây dựng nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên cùng với những nỗ lực phi hạt nhân hóa một cách đầy thiện chí của Bình Nhưỡng. Bất cứ quyết định đơn phương hoặc bất ngờ nào của Mỹ mà không tham vấn Hàn Quốc cũng đều có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.

Thu Hiền

(theo Eastasia Forum)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/lien-minh-han-my-dang-gia-bao-nhieu-87504.html