Liên minh chiến lược ở Tây bán cầu

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vừa kết thúc chuyến thăm thứ tư tới Mỹ trong vòng 15 tháng kể từ sau khi ông nhậm chức hồi đầu năm 2019.

Chuyến thăm, cùng việc ông được Tổng thống nước chủ nhà Donald Trump đón tiếp tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-lago ở bang Florida của Mỹ, là minh chứng cho mối quan hệ mật thiết giữa hai nhà lãnh đạo được dư luận đánh giá có khá nhiều điểm tương đồng, đúng với tinh thần của thông cáo chính thức sau chuyến thăm về việc hai bên cam kết thắt chặt mối quan hệ đồng minh chiến lược.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro trong cuộc gặp tại Palm Beach, Florida, Mỹ, ngày 7/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro trong cuộc gặp tại Palm Beach, Florida, Mỹ, ngày 7/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên thực tế, tính gắn kết trong mối quan hệ giữa Brazil và Mỹ không chỉ được nhìn nhận duy nhất dưới góc độ sự gần gũi và tương đồng cá nhân giữa hai tổng thống. Không phải ngẫu nhiên mà nhà lãnh đạo Brazil lại lựa chọn bang Florida làm điểm đến trong chuyến thăm Mỹ lần này. Ngoài việc là nơi có một cộng đồng người Brazil đông đảo lên tới 250.000 người sinh sống, bang miền Nam nước Mỹ này còn là địa chỉ thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư Brazil.

Phát biểu trong cuộc gặp gỡ với giới doanh nghiệp tại Miami, ông Bolsonaro đã cam kết sẽ tái lập một liên minh chiến lược “Bắc - Nam” với Mỹ và sẽ loại bỏ những quy định quan liêu không cần thiết để thúc đẩy đầu tư. Mặc dù không đề cập tới những số liệu cụ thể, song nhà lãnh đạo Brazil nhấn mạnh tới một chương trình đầy tham vọng để thúc đẩy hợp tác thương mại với Mỹ, trong đó theo ông Bolsonaro thì điều quan trọng nhất là “lòng tin” mà hai bên đã tạo dựng được.

Ngoài cuộc hội đàm chính thức với Tổng thống Trump, ông Bolsonaro còn làm việc với Thị trưởng Miami Dade Carlos Gimenez và các thượng nghị sỹ của bang Florida, trong đó hai bên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư trong bối cảnh Brazil hiện là đối tác thương mại chính của Miami ở khu vực châu Mỹ.

Mặc dù vậy, một điểm đáng chú ý được giới phân tích chỉ ra sau cuộc hội đàm giữa hai tổng thống là việc ông chủ Nhà Trắng dường như vẫn bỏ ngỏ việc thảo luận về cơ chế thuế mới đối với các sản phẩm của Brazil, đặc biệt là vấn đề áp thuế đối với các sản phẩm nhôm thép nhập khẩu từ quốc gia Nam Mỹ này.

Trong thông cáo chung sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo chỉ đề cập tới việc chỉ đạo các cơ quan chức năng của hai nước đẩy nhanh tiến trình đàm phán thỏa thuận thương mại song phương để có thể thông qua ngay trong năm nay. Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng bày tỏ ủng hộ Brazil sớm gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Trong thời gian có mặt tại Florida, Tổng thống Bolsonaro cũng tới thăm trụ sở Bộ Chỉ huy phương Nam của Mỹ (SOUTHCOM) và ký kết một thỏa thuận về công nghệ và đầu tư quốc phòng, qua đó giúp quốc gia Nam Mỹ này bán trang thiết bị quân sự và thực hiện các dự án chung, chia sẻ các chương trình quốc phòng cùng với lực lượng vũ trang Mỹ. Ngoài ra, thỏa thuận cũng mở đường cho Brazil thực hiện các hoạt động xuất khẩu sang các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) sau khi hồi tháng 3/2019, nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh đã được công nhận là một đồng minh chính bên ngoài tổ chức này.

Tổng thống Bolsonaro cũng đã có mặt tại nhà máy của công ty sản xuất máy bay Embraer của Brazil ở thành phố Jacksonville, vừa được tập đoàn Boeing của Mỹ mua lại hồi tháng 1/2020 với một lộ trình 2 giai đoạn, trong đó trước tiên Boeing sẽ thực hiện việc mua 80% cổ phần của bộ phận thương mại của Embraer; và sau đó sẽ thành lập một liên doanh để sản xuất máy bay vận tải quân sự KC-390, loại máy bay quân sự lớn nhất được sản xuất tại Brazil.

Có thể thấy mối quan hệ giữa Brazil và Mỹ đang ở vào thời điểm tốt đẹp nhất trong nhiều năm trở lại đây và điều này được nhìn nhận như là một động lực đem lại lợi ích lớn cho cả hai bên. Trong bối cảnh Brazil dưới thời Tổng thống Bolsonaro đang tìm cách chứng minh vai trò đầu tàu ở khu vực thì một liên minh chặt chẽ với Mỹ sẽ có những tác động quan trọng trong chính sách ở Mỹ Latinh. Đó cũng là lý do Mỹ là lựa chọn cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro sau khi đắc cử.

Về phần mình, Mỹ cũng đang muốn siết chặt lại mối quan hệ với các nước lớn ở khu vực để khôi phục ảnh hưởng tại Tây bán cầu. Thực tế thì kể từ khi ông Jair Bolsonaro lên nắm quyền, trong các vấn đề khu vực, Brazil luôn đứng về phía những lợi ích của Mỹ, như trong vấn đề Venezuela. Quá trình xích lại gần nhau giữa hai nước có thể tạo ra “liên minh chiến lược Mỹ - Brazil", ảnh hưởng không nhỏ tới cục diện địa - chính trị ở khu vực.

Hoài Nam (PV TTXVN tại Nam Mỹ)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/lien-minh-chien-luoc-o-tay-ban-cau-20200311130714661.htm