Liên minh châu Âu (EU): Sẽ yêu cầu Facebook và Google trả phí bản quyền

VH- Liên minh châu Âu (EU) vừa đưa ra dự thảo về việc yêu cầu trả phí bản quyền các nội dung trên Facebook và Google, điều này có thể khiến Internet thay đổi hoàn toàn.

Nữ ca sĩ Adele, một trong những nghệ sĩ ủng hộ việc hiệu lực hóa dự thảo luật bản quyền

Luật bản quyền trong thời đại kỹ thuật số

Nghị viện EU vừa thông qua dự luật bản quyền mà theo đó, các tác động của nó có thể vượt xa khỏi biên giới châu Âu. Điều này sẽ gây nhiều trở ngại cho hai ông lớn ngành công nghệ là Facebook và Google vì tiền bản quyền.

Điều 13 của Dự thảo yêu cầu những ông lớn trên internet như Google, Facebook hay Youtube thực hiện các biện pháp “tối ưu và xứng đáng” để ngăn chặn các nội dung do người dùng tự tạo có dấu hiệu vi phạm bản quyền. Phần này trong dự thảo đã gây nên rất nhiều tranh cãi vì mối lo các ông trùm trong ngành công nghệ có thể sẽ sử dụng các hệ thống lọc nội dung tự động. Bên cạnh đó, điều 11 tại bản Dự thảo nêu rõ sẽ áp dụng những yêu cầu thanh toán tiền bản quyền đối với việc chia sẻ nội dung trực tuyến. Trước đó, vào ngày 11.9, các nhà lập pháp đã tiến hành bỏ phiếu đối với các đề xuất liên quan. Kết quả có 438 phiếu thuận, 226 phiếu chống và 39 phiếu không tham gia. Có thể thấy, nếu dự thảo có hiệu lực, Alphabet Inc của Google, Facebook Inc và các công ty công nghệ khác có thể sẽ phải đau đầu vì sớm bị buộc phải đàm phán giấy phép cho nội dung xuất hiện trên trang web của họ.

Trong khi đó, các nhà lập pháp châu Âu lại đang ủng hộ kế hoạch này và gọi đó là việc sửa đổi cần thiết cho luật bản quyền trong thời đại kĩ thuật số. Theo đó, họ cho rằng các công ty công nghệ lớn đã sử dụng một cách bừa bãi nội dung liên quan đến các lĩnh vực như âm nhạc, phim ảnh và tin tức. Điều này khiến các công ty chính thống và người sáng tạo nghệ thuật phải chịu quá nhiều bất công. Theo những người ủng hộ, các quy định mới sẽ đảm bảo rằng tác giả của các nội dung hiện đang được đăng tải tràn lan trên các nền tảng truyền thông xã hội sẽ được nhận tiền bản quyền phù hợp với sản phẩm họ đã bỏ công sáng tạo và bị sử dụng lại.

Các cơ quan tin tức lớn nhất châu Âu đã kêu gọi MEP bỏ phiếu cho dự luật, bởi họ cáo buộc Google và Facebook đã “ăn cắp” tin tức và doanh thu quảng cáo của họ với hình thức tổng hợp các đầu tin tức. Chính vì vậy, Điều 32 của Dự luật này sẽ khiến cho các trang tìm kiếm trực tuyến như Google hay YouTube lao đao với việc trả tiền bản quyền cho nghệ sĩ để được phép công bố các nội dung như video ca nhạc, tin tức về nghệ sĩ…

Liệu có phá hủy internet?

Chia sẻ với Washington Post, Axel Voss, thành viên Quốc hội, một trong những người đi đầu cuộc kêu gọi hiện thực hóa dự thảo cho hay: “Tôi rất vui mặc dù chiến dịch vận động hành lang diễn ra mạnh mẽ đối với các đại gia Internet, hiện nay phần lớn đều ủng hộ các yêu cầu về nguyên tắc trả công bằng cho các nghệ sĩ, trang báo mạng cũng như những điều liên quan về chế độ quảng cáo trực tuyến tại châu Âu”. Axel Voss cũng giải thích, việc các nền tảng truyền thông xã hội đang hoạt động dưới hình thức hoàn toàn miễn phí khiến cho những người làm sáng tạo rơi vào tình huống “khốn khổ”: “Công sức của họ bị khai thác, sử dụng và những người đứng sau nó kiếm được nhiều lợi nhuận. Trong khi đó chủ nhân của các nội dung bị chia sẻ tràn lan thường không nhận được bất cứ phần lợi nhuận nào trong quá trình này.”

Trong khi đó, những gã khổng lồ trong ngành công nghệ đồng loạt đưa ra lời phản đối đối với dự luật này bởi nó sẽ tác động đến mô hình kinh doanh của họ. Nhiều nền tảng công nghệ như YouTube hay Google có nguyên lý hoạt động dựa trên nội dung do người dùng tự tạo, nơi mọi người thoải mái chia sẻ hình ảnh và âm nhạc. Trước đây, trong hầu hết các trường hợp, việc vi phạm bản quyền chỉ xảy ra khi nội dung bị gỡ xuống theo yêu cầu của nhà sản xuất. Nhưng những khuôn khổ pháp lý mới này sẽ gần như đặt dấu chấm hết cho các nguyên tắc hoạt động cũ của các ông lớn trên Internet.

Về phía YouTube, người đại diện của công ty xem dự luật này là điều trái ngược với luật pháp, bởi nó sẽ ngăn cản sự tự do sáng tạo của các nhà sản xuất video và tác động tiêu cực đến những người đang kiếm sống bằng việc sáng tạo nội dung trên YouTube. “Chúng tôi luôn tin rằng có một cách tốt hơn so với điều này, sự đổi mới và quan hệ đối tác là chìa khóa để thành công” công ty cho biết trong một tuyên bố gửi qua email. Nhiều nhà phê bình tỏ ra khá bi quan khi cho rằng, quyết định này có thể phá hủy Internet, đưa việc chia sẻ về đời sống cá nhân của người dùng trên các trang mạng xã hội đến hồi kết. Wikipedia đã đóng cửa các trang của mình ở một số quốc gia để phản đối các kế hoạch mà họ tuyên bố sẽ buộc đóng cửa bách khoa toàn thư do người dùng tạo ra.

Những điều chỉnh cuối cùng liên quan đến dự luật hiện vẫn cần được thống nhất với các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu EU, những người ủng hộ cũng như phản đối dự luật, trước khi nó có hiệu lực.

THỤC LINH

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/du-l%E1%BB%8Bch/lien-minh-chau-au-eu-se-yeu-cau-facebook-va-google-tra-phi-ban-quyen