Liên minh châu Âu (EU): Bất đồng quanh gói ngân sách mới

Những bất đồng mới trong Liên minh châu Âu (EU) lại hiện hữu khi hai nước thành viên là Hungary và Ba Lan phản đối việc gắn ngân sách dài hạn của khối và gói cứu trợ kinh tế sau đại dịch Covid-19 với việc tuân thủ nguyên tắc pháp quyền.

Dự luật ngân sách dài hạn và gói cứu trợ kinh tế sau đại dịch Covid-19 của Liên minh châu Âu gắn với yêu cầu tôn trọng nguyên tắc pháp quyền có thể tạo nên bất đồng mới.

Ngân sách tài chính dài hạn của EU giai đoạn 2021-2027 là gói tài khóa lớn chưa từng thấy, trị giá gần 1.100 tỷ euro, và gói cứu trợ trị giá 750 tỷ euro để phục hồi kinh tế khu vực sau những tác động của đại dịch Covid -19 đã được các nhà lãnh đạo EU thống nhất hồi tháng 7 vừa qua. Ngày 5-11, Nghị viện Liên minh châu Âu (EP) và 27 quốc gia thành viên nhất trí sẽ gắn kèm dự luật ngân sách dài hạn của toàn khối với một cơ chế yêu cầu các quốc gia tôn trọng pháp quyền EU.

Thông báo của Hội đồng châu Âu nêu rõ, cơ chế mới được thống nhất cho phép bảo vệ ngân sách EU khi xảy ra những sự cố như một quốc gia thành viên vi phạm pháp quyền EU mà vi phạm này trực tiếp gây tác động hoặc có nguy cơ cao ảnh hưởng tới nguyên tắc quản lý tài chính an toàn của ngân sách hoặc nguyên tắc bảo vệ lợi ích tài chính của EU. Đây là điều kiện mà Ba Lan và Hungary từng phản đối vì hai nước này đang bị EU điều tra về các cáo buộc phá vỡ tính độc lập của cơ quan tư pháp. Cuộc tranh cãi về “quy định của pháp luật” đã nổ ra và EP cùng một số nước thành viên EU muốn rằng, tiền dành cho Ba Lan hay Hungary phải gắn liền với điều kiện họ tôn trọng các giá trị của EU. Song hai nước này kiên quyết bác bỏ, đồng thời cảnh báo sẽ phủ quyết ngân sách của EU.

Trong hội nghị trực tuyến Hội đồng châu Âu hôm 16-11, Hungary và Ba Lan tái khẳng định sẽ phủ quyết bất kỳ quyết định nào liên quan tới việc thực hiện tiến trình trên. Theo Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, việc đưa ra cơ chế gắn với tuân thủ nguyên tắc pháp quyền là “độc đoán và mang động cơ chính trị”. Nếu chấp nhận, nó sẽ dẫn đến hợp pháp hóa việc áp dụng các "tiêu chuẩn kép" đối với các nước thành viên. Kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2015, đảng Pháp luật và Công lý (PiS) của Ba Lan đã tiến hành nhiều cải cách tư pháp. Cuối năm 2019, Tòa án Công lý châu Âu cho rằng Ba Lan đã vi phạm luật pháp EU và vi phạm tiêu chuẩn dân chủ của khối, khi tiến hành các cải cách làm suy yếu tính độc lập của cơ quan tư pháp. Thủ tướng Hungary Viktor Orban thì cho rằng, chế tài được đề xuất trong thỏa thuận dựa trên những định nghĩa pháp lý mơ hồ. Những khái niệm khó xác định rõ ràng như vậy sẽ tạo cơ hội cho việc lạm dụng chính trị.

Bất đồng về ngân sách EU diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục đe dọa nghiêm trọng các nước châu Âu. Số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 ở châu Âu đã tăng gấp đôi chỉ trong vài tuần qua, đưa tổng số ca bệnh ở Lục địa già vượt ngưỡng 10 triệu ca trong những ngày đầu tháng 11 này. Khi số ca mắc Covid-19 không ngừng tăng, Pháp, Đức và Anh đã buộc phải ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong ít nhất một tháng, với các biện pháp nghiêm ngặt. Thực tế này đang khiến nguy cơ kinh tế của nhiều nước thành viên EU trở lại thời kỳ suy thoái.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, lúc này các nhà lập pháp châu Âu cần sớm có hành động để bảo đảm khoản ngân sách cũng như gói cứu trợ kinh tế của EU nhanh chóng được giải ngân. Tuy nhiên, trong bối cảnh các thành viên EU còn nhiều bất đồng về ngân sách như hiện nay, triển vọng tăng trưởng kinh tế của khu vực này những quý tới rất ảm đạm. Quan ngại hơn, điều này có thể sẽ làm gia tăng khoảng cách giữa các quốc gia giàu có hơn ở phía Bắc châu Âu và các quốc gia nghèo hơn ở phía Nam châu Âu, từ đó dẫn tới bất ổn xã hội.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/983959/lien-minh-chau-au-eu-bat-dong-quanh-goi-ngan-sach-moi