Liên minh bảo vệ bản quyền truyền hình - khán giả không thể đứng ngoài cuộc

Mua được bản quyền truyền hình đã khó, giữ bản quyền không bị vi phạm, không bị dừng phát sóng còn khó hơn. Việc đó đòi hỏi các bên liên quan cùng nỗ lực…

Trái đắng cho tất cả

Chỉ trong 3 ngày từ khi khai mạc World Cup 2018 hồi tháng 6.2018, VTV đã phát hiện hơn 700 trường hợp vi phạm bản quyền phát sóng giải đấu này trên internet và đã xử lý hơn 300 trường hợp.

Trước đó, đầu tháng 3.2018, tuần đầu tiên K+ phát sóng những trận đấu đầu tiên sau khi bản quyền UEFA Champions League và UEFA Europa League đã có hàng chục, trang tin điện tử và website vi phạm bản quyền.

Bóng đá, thể thao là các nội dung truyền hình đắt giá nhất thế giới, để có bản quyền phát sóng các đài truyền hình đều phải bỏ ra số tiền rất lớn để mua được và phải tính toán rất kỹ để có thể thu hồi lại được khoản đầu tư đó. Đáng lo ngại là những quảng cáo trên các trang web lậu đó lại là những nội dung quảng cáo độc hại. Nhưng thiệt hại lớn nhất là việc nhà cung cấp sẽ ngừng phát sóng các chương trình truyền hình. Lúc đó, đối tượng cuối cùng bị thiệt hại lớn nhất không chỉ là doanh nghiệp mà còn cả hàng chục triệu người xem truyền hình.

Các giải thể thao hấp dẫn nhất cũng là bản quyền truyền hình đắt giá nhất và được các đơn vị sở hữu bản quyền bảo vệ chặt chẽ và chống vi phạm trên toàn cầu

Theo Truyền hình K+, đơn vị này đã bỏ ra khoản phí bản quyền lớn để phục vụ khán giả, nhưng bên cạnh đó cũng phải đầu tư số tiền không nhỏ để nâng cấp hệ thống, xây dựng đội ngũ chuyên gia giám sát, ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm bản quyền. Hiện K+ còn là đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đang sở hữu bản quyền phát sóng các giải thể thao hấp dẫn nhất hành tinh và có giá trị lớn như giải bóng đá Ngoại hạng Anh, 2 giải bóng đá hàng đầu châu Âu là Champions League và Europa League; hệ thống các giải tennis ATP,…

Chung tay chống vi phạm bản quyền!

Biện pháp đầu tiên khi bị vi phạm bản quyền là phối hợp với các cơ quan chức năng như Cục Phát thanh và Truyền hình Điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các đơn vị phòng chống tội phạm công nghệ cao của Bộ Công an… để yêu cầu hạ, gỡ hoặc xử lý vi phạm bằng cách phạt hành chính. Thậm chí, khởi kiện đơn vị vi phạm ra tòa. Hàng loạt vụ việc vi phạm đã được xử lý thành công bằng cách này.

Hội thảo “Bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số” ngày 19.9.2018 đã đưa ra các giải pháp hiệp lực chống vi phạm bản quyền truyền hình một cách hiệu quả nhất

Chia sẻ tại Hội thảo “Bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số” mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Vân, Trưởng bộ phận Sở hữu trí tuệ của VTV cho biết: "Thời gian để xử lý một vụ việc mất khoảng 4 tháng, và mức xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp vi phạm khoảng 30 triệu đồng. Trong khi với việc sử dụng “lậu” các chương trình của VTV, đơn vị vi phạm có thể thu từ 3 - 5 tỉ đồng từ quảng cáo”. Vì vậy, nhiều vụ việc VTV đã phải tự xử lý bằng cách đưa các vụ việc lên truyền thông và đã chặn được vi phạm bản quyền ngay lập tức.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (Hội truyền thông số Việt Nam) cũng cho rằng biện pháp về pháp lý, xử phạt hành chính, dân sự… đã có khung pháp lý khá đầy đủ. Tuy nhiên, tốc độ vi phạm bản quyền thường diễn ra rất nhanh trong khi nếu sử dụng các biện pháp về pháp lý thì cần nhiều thời gian và khi xử lý được thì thiệt hại đã rất lớn.

Ông Vincent Helluy, Cố vấn cao cấp bộ phận Đối tác toàn cầu của Tập đoàn Canal+ (đơn vị đồng sở hữu Truyền hình K+) cũng chia sẻ kinh nghiệm chống vi phạm bản quyền của Canal+ là việc hợp tác với Ban tổ chức các giải đấu, liên minh quốc tế bảo vệ bản quyền và cơ quan quản lý để chống vi phạm bản quyền. Hiện Canal+ cũng như K+ đang phối hợp chặt chẽ với các mạng xã hội như Youtube, Facebook để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các tài khoản vi phạm live stream các trận đấu. Thậm chí, còn tham gia vào Liên minh bảo vệ nội dung bản quyền truyền hình toàn cầu để có sự liên hệ với các nhà cung cấp dịch vụ hosting ở các nước để có thể xử lý ngay lập tức các trang web vi phạm.

Theo đại diện truyền hình K+ cho biết, một tín hiệu đáng mừng là trên các diễn đàn, các các câu lạc bộ hâm mộ bóng đá, các fan đã tự biết kêu gọi nhau nói không với xem lậu để bảo vệ bản quyền phát sóng các giải đấu ở Việt Nam. Thậm chí, các fan còn thành lập “Nhóm hiệp sĩ tự nguyện” để bảo vệ các bản quyền bóng đá ở Việt Nam.

Nguồn: K+

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/lien-minh-bao-ve-ban-quyen-truyen-hinh-khan-gia-khong-the-dung-ngoai-cuoc-1007398.html