Liên minh an ninh NATO - Ảrập: Đã khó càng thêm khó

Chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump để thành lập liên minh an ninh do Mỹ hậu thuẫn gọi là NATO - Ảrập tại Trung Đông, vốn đã gặp vô vàn khó khăn nay càng trở nên rắc rối bội phần sau vụ nhà báo Ảrập Xêút Jamal Khashoggi bị sát hại.

Trắc trở ngay từ đầu

Liên minh Chiến lược Trung Đông (MESA) được Mỹ ráo riết muốn thành lập với mục đích ràng buộc các Chính phủ Hồi giáo Sunni ở Ảrập Xêút, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Kuwait, Qatar, Oman, Bahrain, Ai Cập và Jordan vào một hiệp ước an ninh, chính trị và kinh tế do Mỹ dẫn đầu để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác. Chính vì thế, liên minh này còn có tên gọi không chính thức khác là “NATO - Ảrập” và theo nhiều nhà phân tích, mục đích thực sự của nó là để kiềm chế Iran, một quốc gia Hồi giáo dòng Shiite.

Tuy nhiên, những bất đồng ngay giữa các đồng minh Ảrập, đặc biệt sau cuộc tẩy chay kinh tế và chính trị đối với Qatar do Ảrập Xêút đứng đầu đã khiến cho đề xuất thành lập liên minh mà Riyadh đưa ra tháng 5 năm ngoái, nhân chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Trump, không được hưởng ứng mặn mà. Một hội nghị thượng đỉnh dự kiến tổ chức tại Mỹ vào tháng 1 năm sau để Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo thế giới Ảrập ký hiệp định sơ bộ. Nhưng theo một số nguồn tin ngoại giao, sự kiện trên đang đứng trước nguy cơ không chắc chắn, thậm chí từng bị trì hoãn vài lần.

Vụ sát hại nhà báo Khashoggi đã làm dấy lên một loạt vấn đề cần giải quyết để quá trình thành lập liên minh NATO - Ảrập tiếp tục tiến triển. Cái chết của ông Khashoggi hôm 2.10 tại Lãnh sự quán Ảrập Xêút ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến nhiều người tỏ thái độ phẫn nộ với Thái tử Ảrập Xêút Mohammed bin Salman. Bởi trước đó, các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ và một số nghị sĩ Mỹ đã cáo buộc ông đứng đằng sau quyết định thủ tiêu. Điều này dường như khiến cho thế giới Ảrập càng trở nên hoài nghi và thiếu tin tưởng với Ảrập Xêút.

Một vấn đề đặt ra là người Mỹ sẽ làm như thế nào để Thái tử Mohammed bin Salman dự hội nghị mà không gây ra phẫn nộ? Đây là điều không dễ chút nào, cho dù mới đây một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ vừa lên tiếng phủ nhận cái chết của ông Khashoggi đã làm phức tạp hóa vấn đề, bởi MESA “lớn hơn nhiều so với một quốc gia và một vấn đề”. Trong khi đó, Ảrập Xêút cũng bác bỏ sự liên quan của Thái tử, đồng thời tuyên bố chính quyền Riyadh đang thực hiện một cuộc điều tra có trách nhiệm. Hiện, 8 thành viên tiềm năng của liên minh tương lai vẫn chưa trả lời các yêu cầu bình luận về cam kết đối với MESA.

Quá nhiều rào cản

Theo Reuters, ngay trước vụ Khashoggi, chính quyền Mỹ cũng phải vượt qua những thách thức khu vực để thúc đẩy thành lập MESA. Một vài quan chức Mỹ ẩn danh cho biết, ngay trong chính trong chính quyền đã nổ ra một cuộc tranh luận về việc Washington có thể thuyết phục các đồng minh Ảrập bỏ qua khác biệt hay không. Thực tế, kế hoạch MESA hướng tới đẩy mạnh chiến lược “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump nhằm giảm bớt cam kết quân sự nước ngoài, yêu cầu đồng minh gánh vác thêm gánh nặng cho an ninh của chính họ, đồng thời thúc đẩy lợi ích của Mỹ ở Trung Đông.

Trong thời điểm hiện tại, lợi ích của Mỹ trong khu vực đáng kể nhất là các thương vụ bán vũ khí và thúc đẩy cuộc chiến khủng bố để bảo đảm dòng chảy dầu tự do tới các thị trường toàn cầu, từ đó bình ổn giá dầu. Thậm chí có nguồn tin cho biết, trước cái chết của ông Khashoggi, ông chủ Nhà Trắng đã cảnh báo các nhà lãnh đạo Ảrập Xêút, các thành viên khác của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Ai Cập rằng, “Mỹ sẽ không tiếp tục đầu tư vào an ninh Trung Đông” nếu các nước trên không giải quyết tranh chấp của mình. Hiện Washington đã triển khai rất nhiều máy bay, tàu chiến và hơn 30.000 nhân viên quân sự tại nhiều căn cứ thuộc các nước GCC.

Tuy nhiên cho tới nay, Mỹ dường như vẫn chưa thấy tia sáng để đưa ý tưởng MESA trở thành hiện thực. Mặc dù cuộc tập trận kéo dài 2 tuần mang tên Lá chắn Ảrập được khởi động tại Ai Cập thứ 7 tuần qua và sẽ kéo dài tới 16.11 tới, đã cho thấy sức mạnh của các lực lượng quân đội hùng hậu nhất tại khu vực. Nhưng thực tế quan điểm của 8 nước này không đồng nhất trong nhiều vấn đề khu vực cũng như quốc tế, trong đó có cuộc xung đột Palestine - Israel, cuộc khủng hoảng Syria, cuộc nội chiến Yemen. Bên cạnh đó, quan hệ giữa Mỹ và Ảrập Xêút, một trong những ông lớn trong khu vực, cũng có dấu hiệu rạn nứt ngay từ những lần Washington gây sức ép để Ryadh phải giảm giá dầu. Với vụ Khashoggi, Mỹ từng có động thái cứng rắn nhất từ trước đến nay đối với đồng minh thân cận là hủy thị thực của 20 quan chức Ảrập Xêút có liên quan kèm theo tuyên bố đây chưa phải là “lời cuối” của Washington trong vấn đề đó.

Dường như cái chết của nhà báo Khashoggi tuy không thể ngăn cản sự hình thành MESA nhưng chắc chắn nó sẽ khiến bất đồng giữa các bên liên quan càng trở nên khó giải quyết.

Theo Linh Anh/Báo Đại biểu Nhân dân

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/the-gioi/lien-minh-an-ninh-nato-arap-da-kho-cang-them-kho-17147.html