Liên kết vùng trong quy hoạch phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh

Để giải quyết bài toán phát triển đô thị bền vững, TP Hồ Chí Minh cần thực hiện một chiến lược phát triển đô thị hiệu quả với các bước đi, hành động cụ thể và tầm nhìn dài hạn nằm trong bối cảnh liên kết các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam...

Áp lực lớn từ gia tăng dân số

Nhiều năm qua, việc đô thị hóa nhanh và sự gia tăng dân số đã tạo áp lực rất lớn cho quy hoạch đô thị TP Hồ Chí Minh. Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, quy hoạch đến năm 2025, thành phố mới đạt 10 triệu người, tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay dân số thành phố đã vượt con số này. Đây là một thách thức rất lớn của thành phố khi phải đối mặt với vấn đề kẹt xe, ngập nước, thiếu nhà ở... Hiện nay, nhiều phường của một số quận trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã vượt quy mô dân số của một quận, huyện. Theo các ngành chức năng, địa bàn có dân số tăng cao trong những năm gần đây chủ yếu là tăng cơ học. Áp lực tăng dân số khiến thành phố gặp nhiều khó khăn trong quy hoạch phát triển đô thị.

Theo PGS, TS Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, từ năm 2010, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã xác định mô hình phát triển thành phố là tập trung-đa cực, trong đó tập trung là khu vực nội thành hiện hữu, còn đa cực là 4 trung tâm cấp thành phố (gồm các đô thị vệ tinh Đông, Tây, Nam, Bắc). Thực tế, TP Hồ Chí Minh đã là một đô thị đa trung tâm: Trung tâm hiện hữu gồm quận 1, quận 3, một phần quận 4 và quận Bình Thạnh; trung tâm Chợ Lớn cũ (quận 5, quận 6, một phần quận 11); trung tâm phía Đông (gồm quận 2, quận 9, quận Thủ Đức); trung tâm phía Nam (quận 7 với Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng và huyện Nhà Bè với Khu đô thị cảng Hiệp Phước). Tuy nhiên, nếu nhìn trong tổng thể của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà TP Hồ Chí Minh là hạt nhân, vẫn chưa hình thành được các đô thị đối xứng, đối trọng nên vùng đô thị TP Hồ Chí Minh gặp nhiều trở ngại trong quá trình phát triển.

Tăng cường liên kết vùng

Theo nhiều chuyên gia, để giải quyết bài toán phát triển đô thị bền vững cũng như các vấn đề khác như ách tắc giao thông... TP Hồ Chí Minh cần thực hiện một chiến lược phát triển đô thị hiệu quả với các bước đi, hành động cụ thể và tầm nhìn dài hạn nằm trong bối cảnh liên kết các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. GS, TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến, muốn phát triển TP Hồ Chí Minh không thể chỉ nhìn giới hạn trong phạm vi địa giới hành chính thành phố mà phải nhìn tổng thể trong cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cùng quan điểm trên, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, để quy hoạch xây dựng TP Hồ Chí Minh đúng tầm với vai trò là trung tâm kinh tế của cả nước, cần nghiên cứu không gian cấp vùng, tạo động lực để các địa phương trong vùng phát triển tương xứng.

Thời gian qua, việc kết nối giao thông liên vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được các tỉnh, thành phố rất quan tâm triển khai nhằm kéo giảm ách tắc giao thông và phát triển kinh tế. Đây cũng là giải pháp giúp TP Hồ Chí Minh quy hoạch phát triển đô thị, giảm áp lực tăng dân số cơ học. Cụ thể, như các huyện, thị xã của tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An... giáp ranh với địa bàn TP Hồ Chí Minh cần được kết nối hệ thống giao thông để tạo liên kết mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động tại TP Hồ Chí Minh. Nếu đầu tư phát triển hệ thống giao thông vùng kết nối với các tỉnh lân cận tốt thì người lao động làm việc tại TP Hồ Chí Minh chỉ cần chi ra số tiền vừa phải là có thể xây dựng được nhà, không nhất thiết phải mua bằng được nhà ở TP Hồ Chí Minh, trong khi khoảng cách đi lại tương đương.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề khó khăn hiện nay là cần có cơ chế hợp tác hiệu quả giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, bảo đảm hài hòa lợi ích cho các bên. Nếu liên kết vùng giữa TP Hồ Chí Minh và các địa phương được tăng cường mạnh mẽ sẽ giúp TP Hồ Chí Minh giải quyết những vấn đề tồn tại trong quy hoạch, phát triển đô thị và tạo điều kiện để các tỉnh trong vùng phát triển.

LÊ NGUYỄN - XUÂN DUY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/lien-ket-vung-trong-quy-hoach-phat-trien-do-thi-tp-ho-chi-minh-553827