Liên kết vùng để đưa logistics thành ngành dịch vụ mũi nhọn của TP Hồ Chí Minh

TPHCM sẽ tập trung phát triển ngành logistics dựa trên nguyên tắc liên kết vùng nhằm kéo giảm chi phí, qua đó tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam cả trong tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Khả năng cạnh tranh của các DN logistics trong nước với các đối thủ nước ngoài là rất kém. Ảnh: Thu Hòa.

Khả năng cạnh tranh của các DN logistics trong nước với các đối thủ nước ngoài là rất kém. Ảnh: Thu Hòa.

Nặng gánh chi phí

Từ kết quả khảo sát về hiện trạng các DN logistics tại TPHCM, Thạc sĩ Bùi Thị Bích Liên, Viện nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI), chỉ ra 6 điểm yếu của các DN logistics tại TPHCM. Trong đó, điểm yếu trước tiên chính là chi phí logistics, hiện các DN đánh giá là khá cao. Theo khảo sát của Worldbank, chi phí ở mức khoảng 20,9% cho 12 ngành hàng chủ lực của Việt Nam, còn theo thống kê của VLA, con số này ở mức khoảng 14,5 – 18%. Theo bà Liên, nguyên nhân là do phí nội địa cao như phí cầu đường, BOT, vận tải nội địa; phí và phụ phí hãng tàu thu bất hợp lý; lệ phí cảng, ICD, depot thu không thống nhất. Thứ hai, về phương thức vận tải, vận tải đường bộ vẫn duy trì là xương sống, trong khi đường hàng không thì không có máy bay chở hàng chuyên dụng, còn đường thủy thì hạn chế về luồng lạch và chưa được đầu tư đúng mức. Điểm yếu thứ ba là tính liên kết kém, do 80-90% DN có vốn pháp định chỉ từ 1,5 đến 2 tỷ đồng khiến cho hoạt động cung cấp dịch vụ phân mảnh và manh mún. Các DN cũng hạn chế trao đổi thông tin, thiếu cung cấp các dịch vụ tích hợp cho khách hàng nên khả năng cạnh tranh với DN nước ngoài kém. Thêm vào đó, văn hóa cạnh tranh thiếu lành mạnh về giá và hoa hồng cũng là yếu tố làm tăng chi phí logistics của Việt Nam.

Ngoài ra còn có các điểm yếu về nguồn nhân lực hạn chế cả về số lượng và chất lượng; các dịch vụ chưa tốt do thông tin về DN chưa minh bạch, quy trình chưa được chuẩn hóa, việc chậm giao hàng thường xuyên xảy ra và việc áp dụng công nghệ thông tin ở mức độ sơ khai, còn các phần mềm các DN cũng mới chỉ áp dụng, các phần mềm hiện đại như AI, robot hay cloud logistics thì chưa được phổ biến.

Từ những hạn chế kể trên, các DN logistics phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Trong đó, từ phía khách hàng, tỷ lệ thuê ngoài hiện rất thấp, chỉ đạt khoảng 30-40%, trong khi ở các nước khác, tỷ lệ này ở mức khoảng 60-70%. Khảo sát của VLI đối với các DN sử dụng dịch vụ logistics cũng cho thấy, chi phí cao chính là lý do hàng đầu khiến các DN tự làm logistics thay vì thuê ngoài (72,2%). Qua đó cho thấy, chi phí chính là rào cản lớn nhất cho sự phát triển của dịch vụ logistics Việt Nam.

Đặc biệt, theo bà Liên, khó khăn của các DN logistics còn đến từ các yếu tố vĩ mô. Cụ thể, cơ sở hạ tầng phát triển không theo kịp tốc độ phát triển hàng hóa và logistics. “Các cao tốc hiện nay cũng không thể gọi là cao tốc được nữa do tình trạng kẹt xe thường xuyên diễn ra” – bà Liên cho hay. Ngoài ra, qua nhiều phí BOT, phí đường bộ, đơn cử như từ Buôn Ma Thuột về TPHCM có tới 9 trạm thu phí BOT, khiến cho chi phí của DN logistics tăng lên nhiều.

Đưa logistics thành ngành dịch vụ mũi nhọn

Để phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn TPHCM, UBND TPHCM đã ban hành quyết định phê duyệt Đề cương Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, với đề án này, TPHCM kỳ vọng sẽ nâng tỷ lệ đóng góp của ngành dịch vụ logistics lên mức 8% - 10% GDP, tăng trưởng 15% - 20%. Đồng thời hình thành được dịch vụ logistics chuyên nghiệp, giúp nâng tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics lên mức 50% - 60%, góp phần giảm chi phí logistics của Việt Nam xuống còn 16% GDP vào năm 2025.

Theo đề cương đã được phê duyệt, đề án có 3 nhiệm vụ cốt lõi. Thứ nhất, hoạch định chiến lược phát triển ngành logistics TPHCM dựa trên nguyên tắc liên kết vùng. Đó là kết nối về cơ sở hạ tầng giao thông (cầu đường, cảng, kho, bãi,…) giữa TP.HCM với các tỉnh Đông – Tây Nam Bộ: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang,… nhằm tạo thành chuỗi liên kết, kết nối giữa vùng nguyên liệu với nhà máy sản xuất và thị trường.

Thứ hai, về hạ tầng kỹ thuật, xác định nhu cầu, đề xuất vị trí, quy mô thành lập 3 trung tâm logistics theo định hướng đã nêu trong Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Ba trung tâm này sẽ đáp ứng 2 yêu cầu: trung chuyển, lưu trữ, cung cấp hàng hóa cho các chuỗi phân phối trong nội thành (siêu thị, cửa hàng bán lẻ…) và trung chuyển, phân phối hàng hóa giữa TPHCM đi các tỉnh, thành, hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cửa ngõ thành phố.

Thứ ba, về dịch vụ logistics, nâng cao tỷ lệ DN sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài, cụ thể, DN sản xuất chỉ lo tập trung sản xuất, còn việc vận chuyển, giao nhận… sẽ do các DN dịch vụ logistics đảm nhận. Việc chuyên môn hóa sẽ giúp kéo giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam cả trong tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa khẳng định, để giữ vững được vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, thì việc hoàn thiện, trở thành đầu mối lĩnh vực dịch vụ logistics, kết nối được các vùng trong cả nước trong bối cảnh nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Thành phố có xu hướng dần dịch chuyển sang các tỉnh, thành khác là cần thiết. Theo đó, TPHCM đang gấp rút để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cũng như các điều kiện để phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của thành phố.

Khải Kỳ

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/lien-ket-vung-de-dua-logistics-thanh-nganh-dich-vu-mui-nhon-cua-tp-ho-chi-minh-111827.html