LIÊN KẾT VÙNG ĐỂ CÙNG PHÁT TRIỂN

Tại Hưng Yên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chủ trì Hội nghị phát triển Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ. Đây là sự kiện mới nhất trong chuỗi các hội nghị mang tính chất liên vùng nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trong liên kết vùng để các địa phương cùng phát triển bền vững.

Trước đó, Thủ tướng cũng đã chủ trì Hội nghị phát triển Vùng KTTĐ Nam Bộ, giao ban Hội đồng Vùng KTTĐ Trung Bộ; hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu, về phát triển du lịch miền Trung-Tây Nguyên…

Để thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước cũng như tạo mối liên kết và phối hợp trong phát triển kinh tế-xã hội giữa các địa phương, từ sau Đại hội VI, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương hình thành các vùng kinh tế động lực và lựa chọn một số tỉnh, thành phố để phát triển các vùng KTTĐ quốc gia có khả năng bứt phá, tạo sức lan tỏa thúc đẩy các vùng khác trên cả nước. Đến nay, chúng ta đã có 4 vùng KTTĐ, gồm: Vùng KTTĐ Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và Vùng KTTĐ Đồng bằng sông Cửu Long. Các vùng KTTĐ này đã thực sự là đầu tàu kinh tế-xã hội của đất nước. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện 4 vùng KTTĐ chiếm 27,3% diện tích tự nhiên, 27% dân số cả nước nhưng đã đóng góp đến 89% GDP cả nước.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm được sản xuất tại Hưng Yên. Ảnh minh họa: qdnd.vn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm được sản xuất tại Hưng Yên. Ảnh minh họa: qdnd.vn

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế thì sự liên kết giữa các địa phương trong vùng vẫn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất. Liên kết vùng hiện vẫn chỉ theo kiểu tận thu những lợi thế sẵn có, ngắn hạn, mang tính thời vụ. Cơ chế, chính sách phát triển vùng còn bất cập, thiếu đột phá, chưa giải quyết được những vấn đề chung, nhất là xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, môi trường, phát triển đô thị, bảo đảm an ninh trật tự...

Tại các hội nghị, sau khi nghe các đại biểu hiến kế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quan điểm phát triển vùng phải mang tính hữu cơ, liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng thành một hệ thống thống nhất, không được mang tính chủ quan, áp đặt; hoặc chỉ đơn thuần là sự cộng lại những con số phát triển các tỉnh, thành phố thuộc vùng. Muốn vậy, cần có cơ chế điều phối hoạt động của vùng đủ mạnh, không bị ràng buộc, hay chia cắt bởi địa giới hành chính…

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng, các cơ quan chức năng đang khẩn trương rà soát, hoàn thiện thể chế liên kết vùng, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững từng vùng và cả nước.

Theo ý kiến của một số lãnh đạo địa phương, vướng mắc nhất hiện nay là hội đồng vùng chưa được trao “quyền” trong việc quyết định các nguồn ngân sách cho các dự án mang tính liên kết địa phương. Hiện chưa có phương thức liên kết hiệu quả giữa các địa phương về đào tạo, sử dụng lao động… Cùng với đó, chưa có cơ chế, chính sách liên kết giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng này đối với các vùng khác trong việc hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng. Chúng ta từng phải trả giá khá đắt cho phong trào địa phương nào cũng muốn có nhà máy đường, nhà máy xi măng; tỉnh ven biển nào cũng muốn có cảng biển tầm cỡ…

Khắc phục những bất cập nói trên, trên bình diện quốc gia, cần đẩy mạnh liên kết vùng, như: Quy hoạch không gian gắn với định hướng ưu tiên phát triển ngành, lĩnh vực cụ thể gắn với ưu tiên về chính sách đầu tư. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện bộ máy tổ chức vùng, cụ thể hóa thể chế quản trị liên kết vùng gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể để phát huy tính chủ động, sáng tạo của các thành viên hội đồng vùng. Cùng với đó, cần đánh giá khách quan về hiệu quả đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị trong từng vùng thời gian vừa qua để xây dựng kế hoạch chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp với tính đặc thù của từng vùng, đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng trong vùng và liên vùng trong thời gian tới.

ĐỖ PHÚ THỌ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/lien-ket-vung-de-cung-phat-trien-580881